I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

"Cầu Long Biên - Chứng nhân của lịch sử" của tác giả Thuý Lan ghi lại chiến công lịch sử của quân và dân Hà Nội trong việc bảo vệ cây cầu những năm chiến tranh ác liệt, qua đó làm người đọc hiểu rõ quá trình xây dựng và đặc điểm của cầu. Hơn một thế kỉ qua cầu Long Biên đã chứng kiến bao sự đổi thay của Hà Nội. Từ vai trò chứng nhân lịch sử cây cầu khiến ta tự hào về lịch sử đất nước và Hà Nội.

Đây là một cách viết hào hứng say mê, biểu lộ bao tình cảm yêu mến tự hào. Kể xen lẫn với tả và biểu cảm một cách tài hoa cùng với biện pháp nghệ thuật nhân hoá, ẩn dụ.

Ví dụ: Có thể nói nhịp cầu bằng thép của cầu Long Biên lại có thể trở thành nhịp cầu vô hình nối những con tim bởi vì: cầu Long Biên là chứng nhân lịch sử "sống động, đau thương và anh dũng" của người Việt Nam, khiến khách du lịch nước ngoài phải "ngắm nhìn" và ghi lại hình ảnh chiếc cầu mỗi khi đến thăm nơi đây.

GHI NHỚ.

Đây là bài văn nhật dụng được viết chủ yếu bằng văn tự sự và sử dụng phép nhân hóa làm cho sự vật trở nên sống động, gợi cảm.

Bài viết đã nói lên một cách hào hứng về lòng tự hào của nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Hà Nội nói riêng đối với cầu Long Biên - một chứng nhân lịch sử.

Ngày nay chiếc cầu sẽ được chữa lành vết thương chiến tranh và đón khách bốn phương vào du lịch đất thủ đô "ngàn năm văn vật”.

II, TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Bài văn có thể chia làm ba đoạn. Và nội dung ý nghĩa của mỗi đoạn như sau:

- Đoạn 1: Từ câu đầu đến "của thủ đô Hà Nội".

Giới thiệu chung về cây cầu và về việc xây dựng cầu: cây cầu - một nhân chứng sống của thủ đô Hà Nội.

- Đoạn 2: Từ "năm 1945..." đến "khúc ruột mình bị đứt".

Kỉ niệm về chiếc cầu qua hai thời kì chiến đấu với thực dân Pháp và đế quốc Mĩ.

- Đoạn 3: Từ "Rồi những ngày" đến hết.

Cảm nghĩ về chiếc cầu, liên hệ với cuộc sống hiện nay.

2. Em biết được những điều gì về cầu Long Biên qua đoạn văn từ "Cầu Long Biên khi mới hình thành" đến "bị chết trong quá trình làm cầu". So sánh với tư liệu được cung cấp qua hai đoạn đọc thêm về cầu Thăng Long và Chương Dương, em có thể nhận xét thêm về qui mô và tính chất của cầu Long Biên.

- Tác giả đã dùng phương thức diễn đạt theo kiểu thuyết minh ( từ điểm nhìn ở ngôi thứ ba) để nói lên những hiểu biết chứ không phải là những cảm nghĩ về cầu Long Biên, qua đó ta biết được những đặc điểm chủ yếu của cầu.

+ Long Biên: Địa danh nơi xây dựng chiếc cầu.

+ 1898: Năm khởi công xây dựng cầu, 4 năm sau mới xong.

+ Đu-me: Tên cầu lúc đầu cho đến 8-1945 (mang tên viên toàn quyền Pháp).

+ Long Biên: Tên cầu từ sau 8-1945.

+ Cầu dài: 2.290m nặng 17 ngàn tấn, được hoàn thành bởi xương máu hàng ngàn người Việt Nam làm cầu.

+ Cây cầu đã phục vụ cho cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất và được coi là thành tích quan trọng trong thời văn minh "cầu sắt".

+ Cầu được khánh thành bằng bao năm ăn ở khổ cực của dân phu Việt Nam bởi cách đối xử tàn nhẫn của các ông chủ người Pháp.

3. Đọc đoạn văn từ sau 1945 đến "nhưng vẫn dẻo dai vững chắc":

a. Cảnh vật và sự việc đã được ghi lại trong đoạn văn này chủ yếu bằng phương pháp tự sự có nhiều sắc thái biểu cảm.

Cầu Long Biên có tuyến đường đường sắt chạy qua, "hai bên là đường ôtô và hành lang, ngoài cùng là tuyến dành cho người đi bộ".

Cầu bắc qua một bãi rộng: mía, ngô, vườn chuối về phía Gia Lâm.

Nơi đây, mùa đông năm 1946 Trung đoàn Thủ đô đã được nhân dân Thủ đô tiễn ra đi bí mật vào cuộc kháng chiến chống Pháp.

Thời kì đánh Mĩ, cầu bị ném bom dữ dội nhiều lần, lần cuối cùng, quân Mĩ đánh bằng bom la-de, chiếc cầu bị rách nát tả tơi nhưng vẫn "sừng sững giữa mênh mông trời nước".

Bao năm qua, dưới cầu là nước sông Hồng đỏ rực, "chiếc cầu như chiếc võng đu đưa, nhưng vẫn dẻo dai, vững chắc".

Như vậy việc kể lại những cảnh vật và sự việc giúp ta thấy rõ cầu Long Biên là chứng nhân lịch sử.

b. Việc trích dẫn một bài thơ và lời một bản nhạc trong đoạn văn có tác dụng nhấn mạnh thêm dấu ấn lịch sử của Trung đoàn Thủ đô với những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. (Một đơn vị quân đội được tổ chức gồm các chàng trai người Hà Nội, được gọi là Trung đoàn Thủ đô).

c. Cách kể của đoạn này so với đoạn từ "Cầu Long Biên khi mới khánh thành" đến "hàng nghìn người Việt Nam bị chết trong quá trình làm cầu" khác nhau.

- Về ngôi kể: đoạn trước tác giả dùng ngôi thứ ba để kể, đoạn này tác giả trực tiếp xưng "tôi" (ngôi thứ nhất).

- Về phương thức diễn tả: đoạn trước chủ yếu tác giả dùng phương thức thuyết minh. Đoạn này dùng phương thức biểu cảm.

- Về cách sử dụng từ ngữ: ở đoạn này tác giả sử dụng các từ ngữ có sắc thái biểu cảm mạnh mẽ như: nhớ như in, trang trọng, nằm sâu trong trí óc, say mê ngắm nhìn, yêu thương, quyến rũ, khát khao, bi thương, hùng tráng, nhói đau, oanh liệt, oai hùng, thân thương, tả tơi, ứa máu...

Vì vậy , trong đoạn này, tình cảm của tác giả bộc lộ rõ ràng và tha thiết hơn so với ở đoạn trên.

4. Đọc đoạn đầu và đoạn cuối của bài văn:

a. Tác giả đặt tên cho bài viết là Cầu Long Biên - chứng nhân lịch sử, không thể thay chứng nhân bằng chứng tích, bởi vì: cách dùng chứng nhân là dùng thủ pháp nhân hoá. Cách này giúp người đọc có cảm giác tác giả đã thổi hồn vào sự vật, gọi cầu Long Biên là người đương thời của những thăng trầm lịch sử.

Những sự kiện lịch sử mà cầu Long Biên đã "chứng kiến":

- Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với sự kiện đầu năm 1947 - khi Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Hà Nội hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ.

- Năm 1972, cầu Long Biên bị máy bay Mỹ trút bom đánh phá. Cầu Long Biên trong quá trình tồn tại của mình là chứng nhân sống động, đau thương và anh dũng của lịch sử dân tộc Việt Nam nói chung và của Thủ đô Hà Nội nói riêng.

b. So sánh câu cuối bài văn với câu rút gọn: Còn tôi, tôi cố gắng truyền tình yêu cây cầu của mình vào trái tim họ, để du khách ngày càng xích lại gần với đất nước Việt Nam. Câu cuối trong bài văn tuy dài hơn nhưng có sắc thái biểu cảm rõ hơn nhờ cách diễn đạt gợi những liên tưởng thú vị (nhịp cầu vô hình).