I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Truyện Bánh Chưng Bánh Giầy là một truyền thuyết phản ánh thành quả của ông cha ta ngày xưa và giải thích về nguồn gốc sự ra đời của bánh chưng, bánh giầy và tục lệ cúng lễ tổ tiên vào ngày Tết Nguyên Đán. Lang Liêu nhân vật chính trong truyện hiện lên như một anh hùng văn hoá.

Hùng Vương thứ mười tám về già, muốn chọn đứa con tài đức để truyền ngôi, ông mở cuộc thi tài để chọn người xứng đáng (làm cỗ cúng Tiên Vương).

Các lang đua nhau làm cỗ thật hậu, thật ngon đem về lễ Tiên Vương. Riêng Lang Liêu làm nghề nông, trong nhà chỉ có khoai lúa, mà khoai lúa thì tầm thường quá, biết lấy gì làm cỗ lễ Tiên Vương. Được thần báo mộng bày cách lấy gạo làm bánh, Lang Liêu đã sáng tạo ra hai loại bánh hình vuông và hình tròn.

Giữa bao nhiêu sơn hào hải vị của các lang, vua cha đã chọn hai thứ bánh của Lang Liêu để tế Trời, Đất cùng Tiên Vương. Nhà vua đã giải thích ý nghĩa của hai thứ bánh đó cho mọi người biết và truyền ngôi cho Lang Liêu. Từ đó, nước ta chăm nghề trồng trọt, chăn nuôi và có tục làm bánh chưng, bánh giầy trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

2. Cốt truyện diễn biến theo thời gian, xoay quanh nhân vật chính là Lang Liêu. Nhân vật ấy đã trải qua một cuộc thi tài ở ba chặng: ban đầu gặp khó khăn - được thần báo mộng bày cách giúp đỡ đã sáng tạo ra hai loại bánh - bánh được chọn lễ Tiên Vương và chàng được nối ngôi vua.

Truyện mang những nét tiêu biểu của nghệ thuật truyện dân gian, có những chi tiết có ý nghĩa như lời thần báo mộng, lời giải thích của vua về ý nghĩa của hai loại bánh. Những yếu tố tưởng tượng, kì ảo ở đây rất ít (duy nhất chỉ có chi tiết thần báo mộng) còn tất cả đều là những chi tiết đời thường trong cuộc sống lúc bấy giờ như có vua, triều đình, các lang và lại có cả việc đồng áng, lúa khoai...

Ca dao phản ánh nhận thức của người xưa về Trời – Đất ví bằng hình ảnh hai loại bánh:

"Bầu trời tròn cao bát ngát

Mảnh đất vuông xanh ngắt núi rừng”.

II. TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Vua Hùng tìm người nối ngôi (lúc về già):

Hoàn cảnh nhà vua đã già yếu và nhà vua có tới hai mươi người con trai mà chưa biết chọn ai thật vừa ý: có đức, có tài, đảm nhiệm trọng trách lớn, và có thể nối nghiệp, nối chí vua cha, đánh đuổi giặc xâm lăng, giữ gìn đất nước thái bình, thịnh vượng.

Hình thức lựa chọn của nhà vua là đặt ra một cuộc thi thố tài năng, xem ai là người làm vừa ý nhà vua nhất thì sẽ được truyền ngôi báu.

2. Vì sao chỉ có Lang Liêu được thần giúp đỡ?

Lang Liêu được thần giúp đỡ vì chàng là người thiệt thòi nhất, lại là người cần mẫn lao động tự mình làm ra nhiều lúa, nhiều khoai là những thứ cần thiết nhất cho đời sống con người.

Thần giúp Lang Liêu vì chàng là một người lao động chân chính và khi lên làm vua, chàng sẽ giúp ích cho đất nước, nối được chí lớn của ông cha.

3. Hãy nêu ý nghĩa của truyện Bánh Chưng, Bánh Giầy.

- Truyền thuyết Bánh Chưng, Bánh Giầy có ý nghĩa vừa giải thích nguồn gốc của hai loại bánh chưng bánh giầy vừa đề cao nghề nông, đề cao người làm nông nghiệp giỏi, đồng thời thể hiện sự thờ kính Trời, Đất, Tổ tiên của nhân dân ta.

III, GỢI Ý PHẦN LUYỆN TẬP.

Chú ý phát biểu về ý nghĩa của truyện:

Truyền thuyết Bánh Chưng, Bánh Giầy có ý nghĩa giải thích vì sao có sự xuất hiện của bánh chưng, bánh giầy và ngày Tết dân ta có phong tục làm bánh chưng, bánh giầy để nhớ về Tổ tiên, để tỏ lòng thờ kính Đất, Trời và đề cao công việc nhà nông.