I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

- Đây là kiểu bài thực hành. Tuy vậy, để có thể luyện nói tốt, biết cách diễn đạt miệng một câu chuyện đời thường, cần nắm được dàn bài nói các đề thông thường như tự kể về mình và gia đình mình.

1. Tự giới thiệu về bản thân

Tuy chỉ là lời tự giới thiệu về bản thân mình, nhưng bài nói cũng phải đầy đủ cả ba phần: mở bài, thân bài, kết bài.

Mở bài là lời chào và lí do tự giới thiệu, kết bài là lời cảm ơn, còn thân bài chính là nội dung tự giới thiệu. Nội dung tự giới thiệu phải gồm những điều thiết yếu của bản thân để qua đó người nghe có thể hiểu được em, biết được em là người như thế nào. Vì vậy, nó phải thông báo với người nghe những thông tin sau đây của bản thân em:

- Tên, tuổi; học lớp, trường;

- Nhà ở đâu; gia đình gồm những ai;

- Công việc hàng ngày;

- Sở thích và nguyện vọng.

Ngoài những điều chủ yếu trên đây, em có thể giới thiệu thêm những nét đặc biệt của riêng em cho người nghe biết (Xem bài tham khảo 1: Tự giới thiệu về mình trong SGK).

2. Kể về gia đình mình

Mở bài cũng giống như trong lời tự giới thiệu về bản thân nhưng kết bài có thể không cần cám ơn người nghe mà nói lên tình cảm của mình đối với gia đình.

Phần thân bài (nội dung kể) có thể kể theo trình tự:

- Giới thiệu chung về gia đình;

- Kể về bố;

- Kể về mẹ;

- Kể về anh, chị, em

hoặc kể một cách tự do theo những điều mà em thích nhất như trong bài tham khảo 2: Giới thiệu về mình và gia đình. (Theo em, có nên giới thiệu như cách kể của bạn Tạ Ngọc Ánh không?)

II. GỢI Ý GIẢI BÀI TẬP

Lập dàn bài để kể miệng trên lớp theo một đề bài của SGK

- Đây là bài luyện nói về văn kể chuyện. Vì vậy cần phải đạt được các yêu cầu:

1. Nội dung kể phải đầy đủ;

2. Các ý phải được sắp xếp hợp lí;

3. Lời kể phải rõ ràng, trong sáng,

4. Cách nói phải trôi chảy, tự nhiên, diễn cảm.

- Để đạt yêu cầu 1 và 2, phải từ dàn bài chung trong SGK cụ thể hóa thành dàn bài chi tiết của mình (có thêm bớt cho phù hợp); để đạt yêu cầu 3 và 4, phải tập luyện nói nhiều lần.

Hướng dẫn cụ thể cách làm:

Đề: Tự giới thiệu.

* Bước 1: Nếu em chấp nhận dàn bài trong SGK, thì chỉ việc cụ thể hóa nó ra thành dàn bài chi tiết phù hợp với mình, chẳng hạn như dàn bài chi tiết sau:

- Mở bài: Chào các bạn lớp 6A. Tôi xin tự giới thiệu nhân buổi họp lớp đầu năm học.

- Thân bài:

+ Tên là Nguyễn Hồng Sơn, 11 tuổi, tốt nghiệp trường tiểu học Lê Hồng Phong tháng 5/2005.

+ Gia đình gồm 4 người: bố là công nhân nhà máy Dệt, mẹ là giáo viên tiểu học, chị là học sinh lớp 10 trường THPT Lê Quý Đôn, và tôi.

+ Công việc hàng ngày: sáng đi học, chiều làm bài tập và chơi thể thao, tối học bài và xem tivi. Ngoài ra còn giúp mẹ và chị những công việc vặt trong nhà như nấu cơm, nhặt rau, quét nhà ...

+ Sở thích là hội hoạ. Nguyện vọng: được tham gia nhóm hội hoạ của trường.

- Kết bài: Xin cảm ơn các bạn đã chú ý nghe và hân hạnh được nghe tiếp các bạn giới thiệu về bản thân mình.

* Bước 2: Luyện nói. Căn cứ vào dàn bài chi tiết, tập luyện nói nhiều lần. Cố gắng nhớ dàn bài đó để nói một cách tự nhiên, trôi chảy, diễn cảm (không cần phải nhìn vào dàn bài).

(Các đề b, c, d cũng luyện tập theo 2 bước như đề a trên đây)