I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

Đoạn văn kết hợp nhuần nhuyễn giữa chính luận và trữ tình. Lời văn của Ê-ren-bua tuôn trào tình yêu đối với vẻ đẹp của đất nước và tỏ ra khinh miệt bọn xâm lược.

Bài văn thể hiện chân lí phổ biến: “Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê rồi trở nên yêu tổ quốc”. Chân lí này được nhà văn diễn tả đặc sắc bằng những nét đẹp riêng của từng vùng.

Bằng lí lẽ kết hợp với yếu tố chính luận và trữ tình, bài văn đã thể hiện phong phú tình cảm sâu sắc của tác giả đối với Tổ quốc Xô Viết.

Tuy chỉ là bài văn trích từ báo nhưng Lòng yêu nước đã thể hiện nghệ thuật đặc sắc của một bài văn tuỳ bút – chính luận.

GHI NHỚ:

Tác giả đã đưa ra một nhận định có tính chân lí "Lòng yêu nước bắt đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất, như dòng suối đổ vào sông. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu tổ quốc".

Bằng hình tượng văn học và thực tiễn cuộc sống, tác giả đã nói đến lòng yêu nước qua vẻ đẹp của nhiều vùng khác nhau của nước Nga... Chính những hình ảnh thấm đẫm tình cảm của con người này đã dẫn đến lòng yêu nước.

II. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Nếu đại ý bài văn:

Bài viết giải lòng yêu nước bắt nguồn từ tình yêu những gì thân thuộc, như tình yêu gia đình, làng xóm quê hương.

Lòng yêu nước được thể hiện và thử thách trong cuộc chiến đấu chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc.

2. Đọc đoạn văn từ đầu đến "lòng yêu tổ quốc"

a. Câu mở đầu và câu kết đoạn.

+ Câu mở đầu tác giả nêu nhận định rút ra từ thực tiễn: "Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất" sau đó là tác giả lí giải ngọn nguồn của lòng yêu nước.

+ Câu cuối khái quát thành một qui luật mang tính chân lí:

"Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu tổ quốc".

b. Tìm hiểu trình tự lập luận trong đoạn văn

Trình tự lập luận trong đoạn văn chặt chẽ theo một hệ thống lô-gich.

Câu mở đầu nêu nhận định về ngọn nguồn của lòng yêu nước, sau đó được mở rộng và chứng minh, cuối cùng đúc kết thành chân lí.

Khi tổ quốc lâm nguy mỗi người trên những xứ sở khác nhau của đất nước Xô Viết mới có dịp cảm nhận sâu sắc về tình yêu tổ quốc xiết bao gắn bó, thiêng liêng.

3. Nhớ đến quê hương, người dân Xô Viết ở mỗi vùng đều nhớ đến một vài vẻ đẹp tiêu biểu của quê hương mình. Nhận xét về cách chọn lọc miêu tả?

Nhớ đến quê hương, người dân Xô Viết ở mỗi vùng đều nhớ đến một số vẻ đẹp tiêu biểu của quê hương mình.

+ Người vùng Bắc nghĩ đến cánh rừng bên dòng sông Vi-na.

+ Miền Xu-cô-nô nhớ thân cây mọc là là mặt nước.

+ Người xứ U-crai-na nhớ bóng cây thuỳ dương tư lự.

+ Người xứ Gru-di-a ca ngợi khí trời của núi cao, dòng suối óng ánh bạc...

+ Người ở thành Lê-nin-grát nhớ những cốc rượu vang cay sè đến sương mù, nhớ dòng sông Nê-va đường bệ.

+ Người Mát-xcơ-va nhớ phố cũ chạy ngoằn ngoèo, nhớ điện Krem-li ngàn xưa và ngày mai.

Ở mỗi nơi tác giả chỉ chọn miêu tả vài hình ảnh tiêu biểu cho vẻ đẹp riêng biệt độc đáo ở nơi đó, mỗi hình ảnh đều thể hiện nỗi nhớ, tình cảm yêu mến, lòng tự hào của người dân Xô Viết.

4. Bài văn nêu lên một chân lí phổ biến và sâu sắc về lòng yêu nước.

Câu văn thâu tóm một chân lí phổ biến về lòng yêu nước:

"Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất (...) lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc."

II. LUYỆN TẬP

Nếu cần nói về vẻ đẹp tiêu biểu về quê hương mình (hoặc địa phương em đang ở) thì em sẽ nói những gì?

- Các em đọc lại và suy nghĩ để viết trả lời câu hỏi luyện tập này.

Gợi ý:

- Hãy đọc thật kĩ bài văn để thấy nhà văn đã nói như thế nào về nước Nga và các miền của đất nước Liên bang Xô Viết (phong cảnh, con người).

- Chú ý cách nhà văn chọn hình ảnh, biểu tượng của đất nước, của các miền (những ấn tượng về vẻ đẹp, lòng tự hào đối với quê hương).

- Có thể liên hệ về lòng yêu nước của nhân dân ta qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ (dẫn thơ văn).

- Trong hoàn cảnh ngày nay lòng yêu nước là sự thể hiện bằng những nỗ lực học tập, lao động sáng tạo để xây dựng Tổ quốc giàu mạnh.