I. KIẾN THỨC CƠ BẢN:

Qua câu chuyện tác giả đã gợi lên sự suy nghĩ để đi đến nhận thức và hành động đúng đắn: cách cư xử trước thành công hoặc tài năng của người khác.

"Bức tranh của em gái tôi" của nhà văn Tạ Duy Anh kể về câu chuyện trong đời sống của một gia đình có hai anh em. Lúc đầu anh hiểu lầm em và ghen tị với em. Sau đó họ rất quý mến nhau.

Qua cách kể chuyện từ ngôi thứ nhất, tác giả đã miêu tả tinh tế, tâm lí nhân vật người anh. Dưới ngòi bút của Tạ Duy Anh, hai anh em thật đáng yêu tuy có lúc còn hiểu lầm.

GHI NHỚ:

Truyện gợi lên nhiều điều khiến ta phải suy nghĩ. Đó là cần xem lại thái độ của mình và cách ứng xử đối với người xung quanh khi họ có tài năng hơn mình. Nhất là anh, chị em trong gia đình và mở rộng ra trong bạn bè, tập thể.

Cần vượt lên lòng tự ái hẹp hòi, thói đố kị tầm thường và phải thực sự vui mừng, quý trọng sự thành công của người khác.

Con người phải biết vươn lên tự khẳng định bằng giá trị, năng lực của chính mình.

II. TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Tóm tắt truyện "Bức tranh của em gái tôi”.

Thấy em gái lục lọi pha chế màu vẽ, người anh bí mật theo dõi.

Thấy tài năng hội hoạ của em được phát hiện, người anh cảm thấy khó chịu, đầy mặc cảm vì bị thua kém. Dần dần người anh tự xa cách em, không còn thân thiết với em gái như trước nữa.

Nhưng khi lén xem những bức tranh của em, anh ta thầm thán phục nhưng trong lòng vẫn ganh tị với tài năng của em mình.

Cho đến khi đứng trước bức tranh đoạt giải nhất do em gái vẽ chính chân dung của mình, người anh mới ngạc nhiên, ngỡ ngàng, hãnh diện rồi xấu hổ, lúc đó mới cảm nhận được cả tâm hồn và tấm lòng nhân hậu của em gái.

2. Suy nghĩ rồi thảo luận với các bạn trong nhóm về những điểm sau:

a. Nhân vật chính trong truyện:

Truyện có hai nhân vật chính: Người anh trai và người em gái.

Cả hai nhân vật người anh và người em gái đều là nhân vật chính, trong đó người anh là nhân vật trung tâm. (Truyện không nhằm vào việc ca ngợi hay khẳng định tài năng của cô em gái mà truyện hướng người đọc tới sự thức tỉnh qua diễn biến tâm trạng của người anh.)

Nội dung chính của truyện diễn tả tâm trạng và thái độ của người anh trai trước tài năng hội hoạ của em gái mình.

b. * Truyện được kể theo lời và ý nghĩ của nhân vật người anh.

* Cách kể này giúp dễ miêu tả tâm trạng của nhân vật ấy.

3. Đọc kĩ truyện, các tâm trạng của người anh (nhân vật kể chuyện) cho ta biết:

* Diễn biến tâm trạng của người anh qua các thời điểm:

- Từ trước cho đến lúc thấy em gái tự chế màu vẽ,

- Khi tài năng hội hoạ ở cô em gái được phát hiện,

- Khi lén xem những bức tranh của em gái đã vẽ,

- Và khi đứng trước bức tranh đạt giải nhất của em trong phòng trưng bày.

* Lúc đầu, khi thấy em gái thích vẽ, mày mò tự chế màu vẽ, người anh chỉ coi đó là trò nghịch ngợm của trẻ con nên không để ý. Gọi em gái mình là Mèo (hay lục lọi đồ vật và mặt mũi luôn bị bôi bẩn...)

Khi cả nhà phát hiện ra tài năng của em thì người anh lại cảm thấy mình bất tài và thấy buồn, muốn khóc. Từ đó nảy sinh ra một thái độ cáu gắt và không thân thiện với em gái mình nữa. Mặc dù vậy, anh ta vẫn lén xem và thầm phục tài năng của em mình. Và rồi đến lúc cậu ta đứng trước bức tranh được tặng giải nhất của em gái mình và điều không ngờ là hình ảnh ấy được cảm nhận qua cái nhìn của em gái: "Một chú bé đang ngồi nhìn ra cửa sổ, nơi bầu trời trong xanh. Một chú bé như toả ra một thứ ánh sáng rất lạ. Toát lên từ cặp mắt, tư thế ngồi của chú không chỉ sự suy tư mà còn rất mơ mộng nữa".

Tâm lí của cậu lúc này chuyển từ ngạc nhiên đến hãnh diện rồi xấu hổ.

4. Đoạn kết của truyện nói về sự cảm nhận của người anh, khi thấy chân dung của mình được vẽ bằng tấm lòng nhân hậu của cô em gái dành cho mình.

Người anh đã thấy được những sai lầm trong thái độ và cách cư xử của mình với em gái. Từ đó nhận ra em gái mình là người có tấm lòng nhân hậu và độ lượng.

5. Em gái trong truyện là một người hồn nhiên, hiếu động, thích tìm tòi, khám phá.

Là người có tài năng hội hoạ. Nhưng điều đáng trân trọng là em có một tâm hồn bao dung và tấm lòng nhân hậu. Chính tấm lòng đó giúp anh vượt lên được những hạn chế của mình.

II. LUYỆN TẬP:

1. Viết một đoạn văn thuật lại tâm trạng của người anh trong truyện khi đứng trước bức tranh được giải nhất của em gái.

(Em có thể dựa vào diễn biến tâm trạng của người anh từ ngỡ ngàng - hãnh diện đến xấu hổ để tạo nên một đoạn văn của mình.)

2. Bài văn tham khảo viết theo hướng truyện "Bức tranh của em gái tôi".

Nhà tôi có 3 anh chị em. Chị tôi học lớp 9, tôi học lớp 6, còn em trai tôi học lớp 5.

Chúng tôi đang sống rất vui vẻ với nhau thì có một chuyện xảy ra làm chúng tôi đã có lúc xa nhau, thậm chí ghét nhau nữa.

Đó là vào cuối năm học, ba đứa con trong một nhà đều là học sinh mà chỉ có một đứa được "khen là học sinh xuất sắc". Đó là em tôi, tên nó là Văn.

Tôi còn nhớ như in, buổi chiều hôm ấy thằng Văn ôm bọc quà được nhà trường tặng về nhà với vẻ mặt kiêu hãnh. Tôi đã thấy bực mình ngay từ hôm nó khoe với bố mẹ về thành tích học tập. Hôm nay nó lại khệnh khạng bê về một gói quà tặng của trường.

Nó ngồi ngay trên hè có bố mẹ đang ngồi nói chuyện và giở ngay gói quà trong có 20 quyển vở 100 trang, đưa cho tôi 5 quyển và chị Nga 5 quyển. Nó nói:

- Em xin chia chút quà thưởng của "Học sinh xuất sắc" với chị và anh.

Trời ơi, tôi liếc xem thái độ của chị Nga, thấy tôi nhìn mắt chị long lanh, mặt đỏ tía lên. Còn tôi như ứ nghẹn trong cổ, phẩy tay bảo nó:

- Thôi, mày được thưởng, của mày dùng...

Bố mẹ tôi chỉ lắc đầu rồi mỉm cười. Bữa cơm chiều hôm ấy thật nặng nề, chị Nga và tôi không nói gì, còn nó, cái thằng Văn thì huyên thuyên hết chuyện nọ đến chuyện kia.

Thế nhưng nó vẫn vui vẻ lại hay bắt chuyện với anh chị. Đặc biệt nó gởi mẹ tôi 300.000 đồng để may quần áo ấm cho cả ba chị em... Có một buổi trưa tôi ngủ quên, nó đi chăn bò hộ tôi rét thâm tím cả người. Tôi bắt đầu thấy ân hận vì thái độ lạnh nhạt đối với nó. Chị Nga cũng bảo tôi:

- Dù sao nó cũng là đứa em tốt.

Đêm hôm ấy tôi lại nằm chung với nó, hai anh em nói chuyện mãi, nó tâm sự:

- Sang năm em không muốn được biểu dương là học sinh xuất sắc nữa!

- Tại sao vậy? – tôi vội hỏi.

- Vì làm cả chị Nga và anh buồn.

Tôi suýt kêu trời vì tưởng rằng nó không biết gì về sự đố kị của chị em tôi.

Tôi không ngủ được nữa nằm nghĩ mãi về câu nói của chị Nga và em Văn. Tại sao tôi không vui, không đặt vấn đề cùng với em phấn đấu là học sinh xuất sắc vào năm học mới mà lại khó chịu với em?

Tôi đã nhỏ nhen và tầm thường quá.