I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Truyện nêu lên một bài học: Trong cuộc sống mọi kế hoạch, dự kiến, sáng kiến phải mang tính thiết thực mới có giá trị nếu không đó chỉ là ý tưởng viển vông, làm trò cười mà thôi.
Họ hàng nhà chuột họp rất đông đủ để tìm cách chống lại nạn bị mèo bắt bất ngờ.
Chuột cống đưa ra sáng kiến đeo nhạc cho mèo để mỗi lần thấy mèo đi đến đâu, nhạc rung đến đó.
Khi cử người đi đeo nhạc cho mèo thì đùn đẩy nhau. Cuối cùng bắt chuột chù đi thay, nhưng khi trông thấy mèo, Chù đã chạy bạt mạng cả làng sợ hãi chạy bán chết bán sống.
"Đeo nhạc cho mèo" là truyện cười pha chất ngụ ngôn hóm hỉnh. Tác giả đã dùng biện pháp nghệ thuật ẩn dụ, hoán dụ để mượn loài vật ám chỉ con người. Truyện vốn là của nước ngoài nhưng nhờ nghệ thuật kể chuyện của tác giả Nguyễn Văn Ngọc đã góp mặt vào kho tàng truyện ngụ ngôn Việt Nam.
Ghi nhớ: Truyện phê phán gay gắt những ý tưởng vu vơ không sát thực tế. Những sáng kiến viển vông dù có vẻ hay ho, lúc đầu được "tán thành ưng thuận” thì rút cục cũng không giải quyết được gì?
Bài học trong truyện nhắc ta về tinh thần thực tiễn và tính khả thi trong mọi dự định kế hoạch, hành động.
II. TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. Tóm tắt truyện:
- Lí do: Xưa nay, chuột bị mèo hại nhiều. Họ hàng nhà chuột họp nhau để bàn cách giữ mình.
- Cảnh họp: Khi làng chuột đã đông đủ, chuột Cống đưa ra sáng kiến: đeo nhạc cho mèo (để khi mèo đến gần, chuột biết đường mà chạy). Cả làng đồng thanh ưng thuận với sáng kiến ấy.
- Cử người. Nhưng khi tìm được nhạc rồi, cần có một người đeo nhạc vào cổ mèo thì cả làng đùn đẩy nhau. Ai cũng có lí do "chính đáng" để thoái thác công việc nguy hiểm này.
- Kết quả: Cuối cùng chuột Chù - đầy tớ của làng - đành phải nhận. Vốn nhút nhát, vừa trông thấy mèo, Chù đã cắm đầu chạy. Làng chuột thấy thế cũng mạnh ai nấy chạy, tán loạn. Thành ra, loài chuột trước sau vẫn sợ và vẫn bị mèo ăn thịt.
2. Lúc đầu, cảnh họp làng chuột rất đông đủ, rất khí thế.
Cả làng thán phục, đồng tâm nhất trí thực hiện sáng kiến ông Cống nêu, ai cũng hớn hở dẩu mõm quật đuôi nghĩ đến ngày không còn bị mèo hại.
Nhưng đến lúc cử đi đeo nhạc cho mèo thì cả làng "im phăng phắc, không một cái tai nào nhích, một cái răng nào nhe cả”. Không ai dám nhận. Bởi thế việc phân công thành một cuộc đùn đẩy, né tránh. Vì ai cũng hiểu rằng đến gặp mèo có nghĩa là tìm đến thần chết.
Điều này chứng tỏ sự sợ hãi cố hữu của họ hàng nhà chuột. Và sáng kiến của ông Cống trở thành viển vông.
3. Việc tả các loài chuột trong truyện rất sinh động, sâu sắc.
Đúng là mỗi loại chuột ám chỉ một loại người trong xã hội cũ. Kẻ chiếu trên, người chiếu dưới, kẻ bệ vệ, oai quyền (ông Cống, ông Đồ), người hèn mọn khúm núm (anh Nhắt, anh Chù là những người cùng đinh mõ làng).
4. Quyền xướng việc, sai khiến ...
Quyền xướng việc, sai bảo trong làng thuộc về các vị chức sắc tai to mặt lớn, có vai vế, quyền lực trong làng như ông Cống... Việc làng một khi đã được xướng ra thì dù viển vông, xa vời đến mấy, dân làng chỉ còn "đồng thanh ưng thuận", không dám trái lời.
5. Mục đích chính của truyện:
Truyện này ngụ ý phê phán sâu cay những hội đồng thường có ở nông thôn Việt Nam thời phong kiến. Hội đồng này bàn "việc làng" thường là viển vông, hão huyền. Trong đó những kẻ tai to mặt lớn ngồi chiếu trên thì đạo đức giả, ham sống sợ chết, trút tất cả công việc khó khăn nguy hiểm cho những người thấp cổ bé họng.
"Đề xuất ra một phương thuốc mà không thể nào kiếm nổi thì có khó gì", đó là lời nói của chuột già.
Nó đúng như kết luận của tác giả Ê- dốp, sáng kiến đã viển vông thì dù nó có vẻ ra hay ho và được tán đồng rốt cuộc cũng không giải quyết được việc gì.
III. LUYỆN TẬP:
Phân tích đánh giá tính cách của chuột Cống.
Nhân vật tiêu biểu nhất cho cái Hội đồng chuột ấy chính là chuột Cống, thực chất Cống chỉ là một kẻ ba hoa.
Thói quen hèn nhát đẩy phần khó khăn , nguy hiểm cho kẻ khác: Cống là người đầu tiên có cái "sáng kiến" đeo nhạc cho mèo, từng nói năng hùng hồn, "chí lí" về cái sáng kiến đó, nhưng cũng là người đầu tiên thoái thác việc thực hiện sáng kiến này.
Chỉ thích "ăn trên ngồi trước", chuyên bắt nạt những kẻ thấp cổ bé họng: Sáng kiến của Cống là sáng kiến viển vông, kế hoạch của Cống là kế hoạch không tưởng. Nhân vật này mang đậm bóng dáng của bọn phong kiến ở nông thôn ngày xưa.