I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
A. Thế nào là văn miêu tả:
*Văn miêu tả là loại văn dùng ngôn ngữ để tái hiện cảnh vật, sự vật, thế giới nội tâm nhân vật mà mình đã quan sát, nắm bắt được.
* Văn miêu tả giúp người đọc có thể hình dung ra đối tượng mà người viết đã miêu tả.
* Có mấy dạng bài văn miêu tả sau:
- Miêu tả phong cảnh.
- Miêu tả loài vật
- Miêu tả sự vật
- Miêu tả người.
+ Văn miêu tả cần bảo đảm tính chân thật. Chân thật không chỉ được hiểu là trong quan sát và sự thể hiện quan sát ấy, mà còn được hiểu là sự chân thật trong cách cảm, cách nghĩ.
+ Ngôn ngữ trong bài văn miêu tả bao giờ cũng là ngôn ngữ giàu cảm xúc, giàu hình ảnh, giàu nhịp điệu âm thanh xây dựng nên hình tượng văn học. Đây là một trong những điều quan trọng để phân biệt miêu tả văn học với những loại miêu tả khác.
1. Đọc và suy nghĩ về tình huống trên sách GK:
- Tình huống 1: Em phải tả sơ qua về ngôi nhà của em.
- Tình huống 2: Em phải tả chiếc áo cần mua.
- Tình huống 3: Em phải tả hình ảnh người lực sĩ.
Một vài tình huống tương tự khác?
- Em có người anh đi bộ đội đóng quân ở xa. Em muốn khoe với anh về ngôi trường mới em đang học. Em phải làm gì để người anh có thể hình dung ra được ngôi trường đó?
- Đứa em còn nhỏ chưa biết con trâu như thế nào? Nó hỏi em con trâu có giống con bò không? Em làm thế nào để đứa em hình dung ra con trâu?
2. Trong văn bản Bài học đường đời đầu tiên trích chương I cuốn Dế Mèn phiêu lưu kí nêu ở đầu bài học, có hai đoạn văn miêu tả Dế Mèn và Dế Choắt rất sinh động. Hai đoạn văn đó đã giúp em hình dung được đặc điểm nổi bật và hình ảnh của hai chú dế.
+ Dế Mèn:
* Chi tiết miêu tả bộ phận chính của ngoại hình:
- có đôi càng mẫm bóng,
- những cái vuốt nhọn hoắt,
- cái đầu nổi từng tảng, rất bướng,
- hai cái răng đen nhánh nhai ngoàm ngoạp như hai lưỡi liềm máy
- sợi râu dài và uốn cong.
* Tả điệu bộ động tác của Dế Mèn:
- co cẳng lên, đạp phanh phách vào các ngọn cỏ;
- lúc đi bách bộ thì cả người rung rinh một màu nâu bóng mỡ:
- chốc chốc lại trịnh trọng và khoan thai đưa cả hai chân lên vuốt râu.
+ Dế Choắt:
Tả hình dáng: người gầy gò; dài lêu ngêu như một gã nghiện thuốc phiện; cánh ngắn củn, hở cả mạng sườn; đôi càng bè bè, nặng nề; râu cụt, mặt mũi lúc nào cũng ngẩn ngẩn, ngơ ngơ.
II. LUYỆN TẬP:
1. Đọc các đoạn văn và trả lời câu hỏi trên sách GK:
- Mỗi đoạn văn tái hiện lại đặc điểm nổi bật của các nhân vật:
Đoạn 1: Miêu tả Dế Mèn vào độ tuổi thanh niên cường tráng
Đặc điểm nổi bật: to khoẻ và mạnh mẽ
Đoạn 2: Tái hiện lại hình ảnh chú bé liên lạc (Lượm)
Đặc điểm nổi bật: nhanh nhẹn, vui vẻ, hồn nhiên
Đoạn 3: Miêu tả một vùng bãi ven hồ, ao ngập nước sau cơn mưa
Đặc điểm nổi bật: sinh động, ồn ào, huyên náo.
2. Đề luyện tập:
a. Nếu phải viết một đoạn văn miêu tả cảnh mùa đông, thì em sẽ phải nêu lên những đặc điểm nổi bật của phong cảnh.
Ví dụ:
- Bầu trời xám xịt, lạnh lẽo, ẩm thấp, gió bấc và mưa phùn.
- Cây cối: trơ cành, khẳng khiu, chỉ có lá vàng và rụng nhiều...
- Ít người qua lại trên đường phố vào ban đêm. Nếu có ai phải đi ra ngoài đường thì phải mặc áo ấm, quàng khăn ở cổ và đầu.
b. Lúc nào khuôn mặt mẹ cũng hiện lên trong tâm trí em, nếu tả khuôn mặt ấy thì em chú ý tới đặc điểm nổi bật mà em luôn nhớ đến.
Ví dụ:
- Khuôn mặt trái xoan, đôi mắt tươi sáng, mái tóc đã có những sợi bạc...
- Hiền hậu, dịu dàng
- Vui vẻ, thật thà.
Gợi ý: Đoạn văn tả người mẹ:
"Mẹ em năm nay đã ngoài năm mươi tuổi. Gương mặt mẹ hình trái xoan có nhiều nếp nhăn. Đôi mắt mẹ hiền hậu, trong sáng. Đôi môi mẹ tươi tắn luôn tươi cười với em.
Mái tóc mẹ dài buông xuống ngang lưng, đã có nhiều sợi bạc. Mẹ hay nói chuyện về ông bà ngoại, những câu chuyện hồi mẹ còn nhỏ. Những lúc ấy giọng nói của mẹ rất vui. Mẹ thật thà kể lại những chuyện khi bị ông bà ngoại phạt vì có lỗi lầm."