I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. "...Trong truyện, cá vàng đóng vai trò rất quan trọng. Vì thế, sẽ rất thiếu sót nếu chúng ta chẳng nói gì đến chú cá này. Cá vàng ở đây là một nhân vật kì ảo, một kiểu nhân vật rất quen thuộc trong nhiều truyện cổ tích. Cá biết nói tiếng người, biết đền ơn trả nghĩa, biết thưởng phạt công minh. Cá vàng chính là nhân vật thể hiện ước mơ của nhân dân về hạnh phúc, về công lí. Và ta thử hình dung, nếu vắng bóng chú cá vàng thì câu chuyện kể sẽ trở nên khô khan, tẻ nhạt, trần trụi đến nhường nào."

(Phân tích - bình giảng tác phẩm văn học 7)

Một hôm ông lão đánh cá ra biển kéo lưới được một con cá vàng, ông đã thả cá xuống biển mà không cần được đền ơn, không đòi hỏi gì cả. Về nhà, ông bị mụ vợ mắng là "đồ ngốc" và bắt ông phải ra biển đòi cá đền ơn. Lần đầu tiên, là một cái máng cho lợn ăn, lần thứ hai là một cái nhà rộng, rồi đòi làm nhất phẩm phu nhân, làm nữ hoàng. Ông lão vẫn kiên trì ra biển gặp cá vàng, và cá vàng đã đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của mụ vợ. Nhưng đến lần thứ năm, khi mụ đòi làm Long Vương để bắt cá vàng phải hầu hạ mụ thì mặt biển nổi sóng ầm ầm, cá vàng không nói gì, quẫy đuôi lặn sâu xuống đáy biển. Về đến nhà, ông lão sửng sốt khi nhìn thấy trước mắt mình vẫn chỉ là túp lều nát ngày xưa, và mụ vợ đang ngồi trước cái máng lợn sứt mẻ.

Ông Lão Đánh Cá Và Con Cá Vàng là truyện cổ tích nổi tiếng do đại thi hào Nga A. Pu-skin sáng tạo dựa theo cốt truyện Con Cá Vàng trong truyện cổ dân gian Nga, được viết bằng thơ với hơn hai trăm câu.

2. Truyện là một sáng tạo nghệ thuật của đại thi hào Nga A. Pu-skin. Nhà thơ đã viết lại bằng thơ trên cơ sở truyện dân gian, tuy vẫn giữ được nét chất phác, dung dị nhưng nghệ thuật rất điêu luyện, tinh tế. Biểu hiện như sau:

- Sử dụng nghệ thuật tăng tiến để bộc lộ tính cách tham lam và bội bạc của mụ vợ.

- Sáng tạo ra quang cảnh biến đổi qua năm lần mụ vợ đòi, năm lần ông lão ra biển, để nói lên ý thiên nhiên cũng nổi cơn thịnh nộ trước thói xấu của con người.

- Nhờ hai biện pháp trên, truyện đã khắc họa tính cách nhân vật rất rõ và đậm nét: mụ vợ thì tham lam vô độ, bội bạc quá mức; ông chồng thì hiền lành đến thành nhu nhược, sợ vợ. (Phải chăng truyện đã xây dựng nhân vật ông lão như thế để càng làm nổi bật tính cách xấu xa, nhẫn tâm của mụ vợ?); còn "cá vàng" ở đây là một môtíp nghệ thuật của truyện dân gian để thể hiện ước mơ của nhân dân trong cổ tích.

Truyện được dẫn dắt khéo, đầy kịch tính mà lại tự nhiên, các yếu tố hoang đường, thần kì đan xen với những chi tiết đời thường khiến cho truyện li kì, hấp dẫn mà lại gần gũi.

II. TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Trong truyện, mấy lần ông lão ra biển gọi cá vàng? Việc kể lại những lần ông lão ra biển gọi cá vàng là biện pháp lặp lại có chủ ý của truyện cổ tích.

Trong truyện, ông lão đánh cá đã ra biển gọi cá vàng năm lần.

- Lần 1: "Thế là ông lão đi ra biển."

- Lần 2: "Thế là ông lão lại đi ra biển."

- Lần 3: "Ông lão lại lóc cóc ra biển."

- Lần 4: "Ông lão lại đành lủi thủi ra biển."

- Lần 5: "Ông lão không dám trái lời mụ. Ông lại đi ra biển."

• Tác dụng của biện pháp lặp lại:

Lặp lại là một biện pháp nghệ thuật mà truyện cổ thường dùng. Qua những lần lặp lại (năm lần ra biển) sự việc cứ tăng tiến thêm thì sự tham lam, sự đòi hỏi, sự bội bạc của mụ vợ cứ ngày mỗi tăng cao thêm.

2. Mỗi lần ông lão đánh cá đi ra biển gọi cá vàng, cảnh biển lại có những thay đổi rõ rệt:

Lần đầu: biển gợn sóng êm ả.

Lần thứ hai: biển xanh đã nổi sóng.

Lần thứ ba: biển nổi sóng dữ dội.

Lần thứ tư: biển nổi sóng mù mịt.

Lần thứ năm: cơn giông tố kinh khủng kéo đến, mặt biển nổi sóng ẩm ầm.

* Cảnh biển có sự thay đổi như vậy vì biển cũng tham gia vào câu chuyện, thấy mụ vợ ngày càng tỏ ra tham lam, tàn nhẫn hơn, biển cũng nổi giận nhiều hơn. Biểu hiện của biển ở đây trước hết là biểu hiện của qui luật thiên nhiên, song cũng gợi liên tưởng đến thái độ của nhân dân trước thói xấu của con người.

3. Nhận xét về lòng tham của mụ vợ:

Đó là lòng tham cuồng si, càng thêm sung sướng, giàu có càng tham hơn.

Đó là lòng tham không đáy, “có một thì muốn có hai, có ba có bốn lại nài có năm".

Sự bội bạc của mụ vợ cũng cùng với lòng tham cứ tăng mãi lên:

- Lần thứ nhất, mụ mắng chồng:

Đòi chiếc máng lợn mới.

- Lần thứ hai, mụ quát chồng to hơn:

Đòi một cái nhà rộng.

- Lần thứ ba, mụ nhiếc móc chồng là "đồ ngu" và xưng "tao" với chồng:

Đòi làm một bà nhất phẩm phu nhân.

- Lần thứ tư, mụ mắng lão một thôi:

Bắt lão xuống quét dọn chuồng ngựa.

- Lần thứ năm, mụ lại nổi giận:

Đòi làm nữ hoàng và sau đó mụ nổi trận lôi đình tát vào mặt ông lão.

- Lần thứ sáu, mụ không thèm nhìn chồng:

Ra lệnh cho lính hầu đuổi chồng đi.

- Lần thứ bảy, mụ lại nổi cơn thịnh nộ:

Sai người bắt ông lão đến đòi làm Long Vương.

Sự bội bạc của mụ không phải chỉ là đối xử không tốt với chồng mà còn là bội bạc cả với cá vàng, kẻ đã giúp mụ thỏa mãn được nhiều yêu cầu tham lam để trở nên một bà hoàng giàu có sang trọng, quyền quý.

Lòng tham lên tới tột đỉnh khi mụ muốn làm Long Vương để cá vàng phải hầu hạ mụ và phải làm theo mọi ý muốn của mụ.

4. Câu chuyện được kết thúc như thế nào? Ý nghĩa của cách kết thúc đó?

- Câu chuyện đã được kết thúc bằng câu trả lời thực tế đối với những gì vốn có. Hình ảnh "trước mắt ông lão lại thấy túp lều ngày xưa, và trên bục cửa, mụ vợ đang ngồi trước cái máng lợn sứt mẻ" có tính triết lí, nói lên ước mơ về sự công bằng của nhân dân và có nhiều ý nghĩa sâu sắc.

Cá vàng không nói gì, lặn xuống biển sâu. Ông lão đánh cá đợi cá rồi lát sau trở về thì thấy lâu đài cung điện đã biến mất, chỉ còn thấy túp lều nát ngày xưa và mụ vợ đang ngồi trước cái máng lợn sứt mẻ.

- Cảnh kết thúc có ý nghĩa như sau:

+ Với ông lão đánh cá: cuộc sống trở nên bình yên, không phải khổ sở lo lắng để đáp ứng những yêu sách ngày càng quá quắt của mụ vợ.

+ Với mụ vợ: do quá tham lam và bội bạc, mụ vợ đã bị trừng phạt: bị lấy đi tất cả sự giàu sang đã có nhờ quyền phép của cá vàng và bị đẩy trở lại cảnh nghèo khổ ban đầu.

5. Thảo luận để thấy rõ:

Cá vàng trừng trị mụ vì cả hai tội quá tham lam và bội bạc nhưng đặc biệt là tội bội bạc.

Ý nghĩa tượng trưng của hình tượng cá vàng cũng là ý nghĩa chủ đề của truyện:

- Cá vàng là hình tượng tượng trưng cho lòng biết ơn đối với những người hiền lành, nhân hậu đồng thời cũng thể hiện một chân lí ở đời:

"Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác”.

- Cá vàng tượng trưng cho một sức mạnh thần bí sẵn sàng trừng trị kẻ ích kỉ, độc ác, tham lam.