I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Sơn Tinh tượng trưng cho sức mạnh, ý chí, tài năng chiến thắng bão lụt, chinh phục thiên nhiên của người Việt cổ nói riêng và loài người nói chung. Thuỷ Tinh tượng trưng cho hiện tượng bão lụt hàng năm, là sức tàn phá, uy hiếp của các loại thiên tai đối với cuộc sống con người.

Truyện kể về việc Hùng Vương thứ mười tám kén chồng cho Mị Nương và hai thần Sơn Tinh, Thủy Tinh đến cầu hôn. Hai thần đều ngang tài nên vua Hùng phải ra điều kiện thách cưới. Sơn Tinh mang lễ vật đến trước, rước Mị Nương về núi. Thủy Tinh đến sau, đùng đùng nổi giận dâng nước sông lên cuồn cuộn đánh Sơn Tinh. Sơn Tinh dùng phép lạ bốc đồi, dời núi, dựng thành lũy đất, ngăn chặn dòng nước lũ. Nước sông dâng lên bao nhiêu, đồi núi cao lên bấy nhiêu. Hai bên đánh nhau ròng rã mấy tháng trời, cuối cùng Thần Nước đành rút quân về. Nhưng oán nặng, thù sâu, hằng năm Thủy Tinh lại dâng nước lên đánh Sơn Tinh nhưng vẫn không thắng nổi Thần Núi.

2. Truyện được xây dựng bằng nhiều chi tiết hoang đường, kì ảo (cuộc thi tài, việc thách cưới, trận giao tranh), và trí tưởng tượng phong phú của người xưa đã sáng tạo ra "cuộc đánh ghen" có một không hai vừa li kì lại hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc. Truyện kể có kịch tính ngay từ đầu, và kịch tính ngày càng phát triển, dâng cao đến tột đỉnh, khiến cho câu chuyện rất hấp dẫn, gợi được hứng thú cho người đọc (người nghe).

II. TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh gồm mấy đoạn? Mỗi đoạn thể hiện nội dung gì? Truyện được gắn với thời đại nào trong lịch sử Việt Nam?

Gồm ba đoạn:

- Đoạn một: Từ đầu truyện cho đến "một người chồng thật xứng đáng", có nội dung như sau: Vua Hùng thứ mười tám muốn kén rể cho con gái là Mị Nương.

- Đoạn hai: Từ chỗ "Một hôm có hai chàng trai đến cầu hôn" đến chỗ "... Thần Nước đành rút quân": kể lại việc hai thần đến cầu hôn. Sơn Tinh được vợ. Thủy Tinh nổi giận đem quân đánh Sơn Tinh dẫn đến cuộc giao chiến quyết liệt và Sơn Tinh chiến thắng.

- Đoạn ba là phần còn lại của truyện: nói về cuộc giao chiến hàng năm giữa hai thần.

- Truyện được gắn với thời đại các vua Hùng trong lịch sử Việt Nam.

2. Trong truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh nhân vật chính là ai? Mỗi nhân vật có tính chất tưởng tượng, kì ảo như thế nào? Ý nghĩa tượng trưng của các nhân vật đó?

- Nhân vật chính trong truyện là Sơn Tinh, Thủy Tinh.

- Mỗi nhân vật được miêu tả bằng những chi tiết nghệ thuật tưởng tượng, kì ảo:

Sơn Tinh có tài lạ: vẫy tay về phía đông, phía đông nổi cồn bãi; vẫy tay về phía tây, phía tây mọc núi đồi. Khi chống trả Thủy Tinh thì Sơn Tinh bốc từng quả đồi, dời từng dãy núi dựng thành lũy ngăn nước lũ. Nước lên cao, Sơn Tinh cũng hóa phép nâng cao núi đồi (Càng dâng nước, càng cao ngọn núi - Tố Hữu).

Thủy Tinh cũng nhiều phép nhiệm mầu: gọi gió, gió đến, hô mưa, mưa về. Khi đánh Sơn Tinh thì làm thành giông bão rung chuyển cả đất trời, dâng nước sông lên cuồn cuộn làm ngập lụt cả ruộng đồng, nhà cửa...

- Ý nghĩa tượng trưng của mỗi nhân vật:

Thủy Tinh là nhân vật tượng trưng cho hiện tượng lũ lụt vẫn xảy ra hàng năm ở miền Bắc nước ta. Những con sông lớn như sông Lô, sông Chảy, sông Đà, sông Thái Bình... cứ vào mùa mưa nhiều lại dâng lũ lớn đe dọa con người.

Sơn Tinh là nhân vật tượng trưng cho tinh thần quyết chống lũ lụt bảo vệ nhà cửa, ruộng vườn của nhân dân ta.

3. Ý nghĩa của truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh:

Cuộc "đánh ghen" dữ dội và quyết liệt chỉ là cái áo hoang đường bên ngoài để chứa đựng ý nghĩa sâu xa bên trong. Câu truyện hàng năm dâng nước đánh ghen đó đã phản ánh hiện tượng bão lụt hàng năm thường xảy ra ở đồng bằng sông Hồng vào mùa hè. Một cách giải thích mộc mạc, hồn nhiên, nguyên sơ nhưng lại là một sự phản ánh và lí giải độc đáo, tài tình cái hiện tượng thiên nhiên mang tính chu kì đó. Và không chỉ phản ánh và giải thích hiện thực, truyện còn nói lên ước mơ của người Việt thời cổ. "Nước sông dâng lên cao bao nhiêu, đồi núi cao lên bấy nhiêu" - phải chăng đây là ước mơ của người xưa muốn chinh phục tự nhiên, chiến thắng nạn lũ lụt để có cuộc sống bình yên? Một ước mơ đẹp, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc lại được nói lên trong một hình tượng đầy chất thơ. Chúng ta trân trọng ước mơ đó, vì chính chúng ta, trong ngày hôm nay, đã và đang biến ước mơ của người xưa thành những hiện thực đẹp đẽ của đất nước trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

* Truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh có ý nghĩa giải thích hiện tượng bão lụt thường xảy ra hàng năm ở miền Bắc nước ta và quyết tâm cũng như ước vọng chiến thắng thiên tai lũ lụt của người Việt ta.

* Sơn Tinh, Thủy Tinh là câu chuyện tưởng tượng, kì ảo, giải thích hiện tượng lũ lụt và thể hiện sức mạnh, ước mong của người Việt cổ muốn chế ngự thiên tai, đồng thời suy tôn tài trí, ca ngợi công lao dựng nước của các vua Hùng.