I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

Văn tự sự là loại văn mà người viết (nói) nhằm giới thiệu, thuyết minh, miêu tả hành động tâm tư, tình cảm và nhân vật, kể lại câu chuyện trong một không gian, thời gian nhất định... nhằm làm cho người đọc (người nghe) hình dung được diễn biến câu chuyện và ý nghĩa câu chuyện.

1. Trong đời sống thường ngày, có bao nhiêu chuyện mà con người muốn biết.

Một em nhỏ muốn nghe bà kể chuyện cổ tích: - Bà ơi, bà kể chuyện cổ tích cho cháu nghe đi!

Một học sinh muốn biết vì sao bạn mình lại thôi học: - Cậu kể cho mình nghe, gia cảnh Lan như thế nào?

Một bà mẹ muốn biết bạn của con mình là người như thế nào? - Bạn An gặp chuyện gì mà lại thôi học? vv...

Tự sự sẽ đáp ứng yêu cầu muốn hiểu biết một điều gì đó của con người. Khi ta yêu cầu ai đó kể chuyện cho mình nghe là ta chờ đợi một điều mà ta chưa biết và mong muốn hiểu biết điều đó. Điều đó bao gồm sự việc, sự vật. Vì vậy, tự sự là phương thức chủ yếu để thông báo sự việc, tìm hiểu sự vật. Những văn bản được viết theo phương thức này đều là văn tự sự, như các truyện Con Rồng Cháu Tiên; Bánh Chưng, Bánh Giầy; Thánh Gióng vừa học.

2. Tự sự giúp tìm hiểu sự việc bằng phương thức nào?

Truyện Thánh Gióng là một văn bản tự sự, đã cho biết những điều:

- Sự ra đời của Thánh Gióng (bà mẹ ra đồng sớm, ướm vào vết chân lạ, về có thai 12 tháng mới sinh con, đứa bé lên ba vẫn không biết nói cười).

- Ở đời Hùng Vương thứ 6 nước ta có giặc Ân xâm lược.

- Sự việc người anh hùng đánh tan giặc Ân.

Sự việc lớn đó được kể lại bằng một chuỗi sự việc, sự việc này dẫn đến sự việc kia, cuối cùng tạo thành một kết thúc, thể hiện một ý nghĩa:

Bà mẹ thụ thai kì lạ → sinh ra đứa bé kì lạ (3 năm nằm im không nói) → sứ giả đến, bỗng nói lên câu nói đầu tiên kì lạ (xin đi đánh giặc và sẽ thắng giặc) → lớn lên kì lạ (nhanh như thổi) → nhân dân góp gạo nuôi chú bé → giặc đến, vươn vai thành tráng sĩ oai phong lẫm liệt → ra trận, đánh giặc kì lạ (ngựa sắt phun lửa, roi sắt gãy, nhổ tre quật giặc chết như rạ) → bay về trời lại càng kì lạ → vua phong sắc, lập đền thờ, lễ hội hàng năm → dấu ấn chiến công vẫn còn đó.

Như vậy, truyện giúp ta giải thích được sự việc đánh giặc của Thánh Gióng, tìm hiểu tài năng, phẩm chất của Thánh Gióng, nêu lên vấn đề về người anh hùng đánh giặc và bày tỏ sự khâm phục, ngợi ca của nhân dân đối với người anh hùng. Tự sự giúp người ta giải thích sự việc, tìm hiểu con người, nêu vấn đề và bày tỏ thái độ khen, chê.

II. LUYỆN TẬP

1. Trả lời câu hỏi:

- Trong truyện ÔNG GIÀ VÀ THẦN CHẾT, phương thức tự sự được thể hiện: theo phương thức đối thoại.

Các sự việc được trình bày thành chuỗi: việc ông già đẵn củi xong phải mang củi về. Việc mang củi về dẫn đến việc ông già kiệt sức và thốt ra lời nói tỏ ý muốn Thần Chết đến mang lão đi.

Sự việc này dẫn đến sự xuất hiện của Thần Chết và câu hỏi của hắn ta.

Sự việc Thần Chết hỏi ý kiến; lão già sợ và lại nói: muốn nhờ Thần Chết nhấc hộ bó củi lên.

- Truyện này có ý nghĩa là: con người dù ở hoàn cảnh nào vẫn muốn được sống.

2. Bài thơ SA BẪY là một bài thơ tự sự.

Kể lại câu chuyện bằng miệng cần lưu ý các chi tiết: Bé Mây và mèo con rủ nhau đánh bẫy chuột nhắt bằng cách dùng cạm sắt, trong cạm có cá nướng ngon gài làm mồi nhử chuột bò vào. Hai bạn chắc mẩm chuột sẽ mắc bẫy vì chúng ngốc nghếch, tham ăn. Hai bạn cười đắc chí.

Đêm nằm ngủ Bé Mây mơ thấy trong lồng có rất nhiều chuột và mèo con đem chúng ra xử khiến chúng khóc sướt mướt xin tha chết.

Sáng mai vào bếp Mây thấy bẫy đã sập nhưng trong lồng cá mồi đã hết mà chẳng có con chuột nào, chỉ có mèo con nằm ngủ! (kết thúc thật bất ngờ, thú vị).

3. Văn bản “Huế khai mạc Trại Điêu khắc Quốc tế lần thứ ba”

Có nội dung tự sự vì nó kể lại sự việc về Trại Điêu khắc Quốc tế lần thứ ba tại Huế: thời gian khai mạc, các thành phần tham gia, thời gian bế mạc, mục đích của trại.

- Văn bản NGƯỜI ÂU LẠC ĐÁNH TAN QUÂN XÂM LƯỢC cũng có nội dung tự sự vì văn bản này kể lại quá trình dân Âu Lạc đánh tan quân Tần: thời gian quân Tần sang xâm lược, lực lượng của quân Tần, sự đô hộ của quân Tần. Người Lạc Việt chống lại quân Tần bằng cách đánh lâu dài với những căn cứ lập trong rừng sâu, núi cao. Thục Phán là người tài giỏi được tôn làm người chỉ huy. Quân Tần luôn bị đánh tỉa, bị tiêu hao dần lực lượng.

Qua nhiều năm chiến đấu, người Âu Lạc giết được nhiều địch quân, tướng Đồ Thư của chúng cũng phải bỏ mạng, sau cùng chúng phải rút chạy.

Tự sự ở đây có vai trò trình bày diễn biến của sự việc dẫn đến một kết thúc.

4. Kể câu chuyện và cho biết vì sao người Việt Nam tự xưng là con Rồng, cháu Tiên:

Lạc Long Quân là con của thần Long Nữ. Thần sinh ra ở miền đất Lạc Việt, quen ở dưới nước, nhưng có lúc cũng lên trên cạn sống. Thần khỏe mạnh khác thường, lại có nhiều phép lạ nên trừ diệt được nhiều loài yêu quái làm hại dân lành. Thần lại biết dạy dân trồng trọt, chăn nuôi, ăn ở.

Khi Lạc Long Quân gặp được nàng Âu Cơ thuộc dòng họ Thần Nông, một người con gái đẹp tuyệt trần, thì hai người đã kết duyên chồng vợ.

Âu Cơ có thai rồi đẻ ra một bọc trăm trứng. Trăm trứng nở thành một trăm người con trai hồng hào, đẹp đẽ, khỏe mạnh như thần.

Khi các con đã khôn lớn hai người từ biệt nhau. Âu Cơ cùng năm mươi người con trai ở lại chốn non cao vì nàng vốn dòng tiên. Còn Lạc Long Quân thuộc nòi rồng thì dẫn năm mươi con xuống biển. Tuy kẻ miền núi, người vùng biển nhưng vẫn luôn hỗ trợ lẫn nhau.

Người con trưởng theo Âu Cơ lên làm vua lấy hiệu là Hùng Vương. Các vua Hùng là tổ tiên của người Việt Nam ta.

Người Việt Nam tự xem nguồn gốc của mình là con Rồng, cháu Tiên, cũng là thể hiện niềm tự hào và tôn kính tổ tiên, nhắc nhở tình đoàn kết, gắn bó giữa các miền.