I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

Truyện nhắn gửi cho người nghe một bài học triết lí sâu sắc: Cần tránh thái độ chủ quan, phiến diện trong việc tìm hiểu thế giới xung quanh; muốn hiểu đúng bản chất các hiện tượng cần phải xem xét toàn diện.

Truyện kể có năm thầy bói mù, tất cả đều chưa biết con voi như thế nào? Nhân buổi ế hàng, có voi đi qua, bèn rủ nhau đi xem. Cách xem voi của các thầy là dùng tay sờ voi, cho nên mỗi người chỉ sờ được một bộ phận. Thế là họ cãi nhau đưa đến cuộc đánh nhau sứt đầu mẻ trán. Truyện mang tính ngụ ngôn sâu sắc. Tác giả muốn nêu lên bài học về cách nhìn và cách đánh giá sự vật - không được nhận xét phiến diện chủ quan.

Truyện như một màn kịch nhỏ, hấp dẫn người nghe do những tình huống thú vị, do trí tưởng tượng phong phú kết hợp với những chi tiết không xa sự thật. Nhờ vậy mà điều bài học khuyên răn trở nên sinh động, nhẹ nhàng, nhưng vẫn không kém phần sâu sắc. Từ câu chuyện này mà nhân dân ta có câu thành ngữ "Thầy bói xem voi”.

II. TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Cách các thầy bói xem voi, phán về voi, thái độ khi phán về voi:

Truyện có năm nhân vật chính là năm thầy bói - năm người bị mù. Cả năm người đều chưa biết tí gì về con voi và cũng đều muốn biết về con voi.

Cả năm thầy bói đều dùng tay để sờ voi (chỉ có thể dùng tay để "nhận thức" vì các thầy đều mù). Nhưng mỗi thầy lại chỉ sờ mó riêng lẻ từng phần con voi rồi ngồi trao đổi với nhau, phán ra hình thù toàn bộ con voi trên thực tế chỉ là một bộ phận mình đã biết.

Cách "nhận thức" con voi của các thầy: Thực tế là một bộ phận, đây là điều "thú vị" đáng nói. Thầy nào cũng khẳng định ý kiến của mình là đúng: "Không phải...", "Đâu có", "Ai bảo".

2. Sai lầm của các thầy bói:

Tuy ý kiến khác nhau, nhưng tất cả năm thầy bói đều có chung một sai lầm: đó là cách xem voi, là cách nhận thức thế giới hết sức phiến diện

Truyện không chế giễu sự khiếm khuyết về thể chất mà chế giễu sự khiếm khuyết về nhận thức: Tưởng cái bộ phận là cái toàn thể.

3. Bài học của truyện ngụ ngôn "Thầy bói xem voi":

- Nghĩa đen của truyện: Phê phán cách xem voi của năm thầy bói và phê phán thái độ phiến diện chủ quan của các thầy khi rút ra nhận xét về toàn bộ con voi trong khi chỉ biết một bộ phận của nó.

- Nghĩa bóng của truyện: Khi nhận xét sự vật hiện tượng phải có quan điểm toàn diện, đừng dừng lại ở một mặt, một khía cạnh nào đó mà cho rằng đó là đầy đủ, là sai lầm... Truyện có yếu tố gây cười nhưng không phải truyện cười mà chỉ sử dụng cái cười như một biện pháp nghệ thuật.

III. LUYỆN TẬP

Kể một số ví dụ:

Trong đời sống ngoài xã hội và trong nhà trường có nhiều điểm có thể gọi là "Thầy bói xem voi".

Ví dụ: Một cán bộ Đoàn hay Đội thiếu niên không đi sát thực tế, hoặc ngại xuống thực tế, anh ta chỉ cần nghe được một vài thiếu sót nhỏ là phê phán, phân tích kiểm điểm một cách bừa bãi.

Ngược lại vì quá đề cao ưu điểm của người này, người kia mà ca ngợi những con người còn nhiều thiếu sót, nhược điểm.

Ghi nhớ: Ở trên đời có nhiều sự vật hiện tượng rộng lớn gồm nhiều mặt, nhiều khía cạnh khác nhau. Khi nhận xét sự vật hiện tượng phải có quan điểm toàn diện, đừng dừng lại ở một mặt, một khía cạnh nào đó mà cho rằng đó là đầy đủ, là sai lầm... để rồi rơi vào hiện tượng "thầy bói xem voi”. Đây là màn kịch mang tính chất bi - hài kịch. Vì năm thầy bói vừa đánh nhau sứt đầu mẻ trán vừa làm trò cười cho thiên hạ.