1. Thống kê các tác phẩm trong các tuần 18 đến 23 và 25, 26, 27:

1. Bài học đường đời đầu tiên (trích Dế Mèn phiêu lưu kí):

* Tác giả: Tô Hoài

* Thể loại: Truyện dài (đoạn trích)

* Tóm tắt nội dung: Truyện kể về chú Dế Mèn có vẻ đẹp cường tráng, nhưng tính tình xốc nổi và nghịch ngợm trêu mụ Cốc để Dế Choắt phải chết. Dế Mèn rất hối hận rút ra bài học đường đời đầu tiên. Nghệ thuật miêu tả và kể chuyện rất lí thú, sinh động.

2. Sông nước Cà Mau (trích Đất rừng phương Nam)

* Tác giả: Đoàn Giỏi

* Thể loại: Truyện ngắn

* Tóm tắt nội dung: Miêu tả vùng Cà Mau với vẻ đẹp hùng vĩ, đầy hấp dẫn. Chợ Năm Căn - một địa điểm nằm trong Cà Mau - trù phú độc đáo nổi lên ở phía Nam Tổ quốc. Sông nước Cà Mau là một bức tranh thiên nhiên được vẽ lên bằng ngòi bút thể hiện sự cảm nhận tinh tế của tác giả.

3. Bức tranh của em gái tôi:

* Tác giả: Tạ Duy Anh

* Thể loại: Truyện ngắn

* Tóm tắt nội dung: Kể lại tài năng hội hoạ của em gái mình nhưng lúc đầu anh hiểu lầm em, đem lòng đố kị với em gái. Sau đó anh nhận ra phần thiếu sót của mình. Truyện toát lên một tình cảm hồn nhiên, nhân hậu.

4. Vượt thác (trích Quê nội):

* Tác giả: Võ Quảng

* Thể loại: Truyện (đoạn trích)

* Tóm tắt nội dung: Miêu tả cảnh vượt thác trên sông Thu Bồn. Tác giả đã làm nổi bật vẻ hung dữ của thác nước để nêu lên tính cách hùng dũng của con người lao động chinh phục thác dữ.

5. Buổi học cuối cùng:

* Tác giả: An-Phongxơ Đô-đê

* Thể loại: Truyện ngắn

* Tóm tắt nội dung: Câu chuyện kể về quân Phổ xâm chiếm nước Pháp, lòng yêu nước của thầy giáo Ha-men và con người ở vùng An-dát. Đặc biệt nổi bật là thầy Ha-men lấy việc bảo vệ tiếng nói dân tộc để nhắc nhở mọi người về lòng yêu nước.

6. Cô Tô (trích):

* Tác giả: Nguyễn Tuân

* Thể loại: Kí

* Tóm tắt nội dung: Miêu tả cảnh vật của Cô Tô thật trong sáng và tươi đẹp. Bài kí đã đặc tả mặt trời mọc trên biến thành bức tranh thơ, và cảnh sinh hoạt trên đảo thật sinh động. Bài văn như vẽ ra trước mắt người đọc cảnh Cô Tô đẹp giàu – ta tự hào với đất nước mến yêu.

7. Cây tre Việt Nam:

* Tác giả: Thép Mới

* Thể loại: Kí

* Tóm tắt nội dung: Thông qua việc tả và kể về cây tre, nhà văn đã cho ta cái nhìn về vai trò của cây tre trong đời sống sinh hoạt và chiến đấu của người Việt Nam. Nhà văn đã lấy cây tre biểu tượng của đất nước và con người Việt Nam: sống cứng cỏi, dẻo dai, chung thủy. Cây tre là bạn thân thiết của con người. Tre và người gắn bó mật thiết “Tre ăn ở với người đời đời kiếp kiếp”.

8. Lòng yêu nước:

* Tác giả: Ê-ren Bua (Thép Mới dịch)

* Thể loại: Tuỳ bút chính luận

* Tóm tắt nội dung: Nói về lòng yêu nước một cách sinh động và đầy tính thuyết phục. Bài văn cho ta một chân lí: "Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất".

9. Lao xao:

* Tác giả: Duy Khán

* Thể loại: Hồi kí

* Tóm tắt nội dung: Miêu tả một cách thật lí thú và sinh động các loài chim ở đồng quê. Đọc bài văn ta thấy hiện lên trước mắt một thế giới loài chim mà bất cứ ai khi còn nhỏ đã có lần làm bạn với chim đều quen thuộc. Tác giả đã thể hiện lòng yêu thiên nhiên của con người qua sự tìm hiểu các loài chim.

2. Yếu tố thường có chung ở cả truyện và kí: có cốt truyện, có nhân vật, có lời kể hoặc tả về thiên nhiên, về con người...

3. Những tác phẩm truyện kí đã để lại cho em những cảm nhận gì về đất nước, về cuộc sống và con người?

Một trong những phương thức tái hiện cuộc sống bằng lời tả và kể đó là Truyện và Kí, đây là loại văn thuộc loại hình tự sự. Những tác phẩm tự sự đều có lời kể hoặc tả những hình ảnh về thiên nhiên, đất nước và cuộc sống của con người qua cách thể hiện cái nhìn của người kể hay tả.

Các truyện và kí giúp chúng ta hình dung và cảm nhận được về cảnh sắc của thiên nhiên đất nước và hoạt động của con người ở những miền, những vùng khác nhau.

Phần lớn truyện dựa vào sự tưởng tượng sáng tạo của người viết để tìm hiểu quan sát, cảm nhận về hiện thực. Do đó truyện thường không luôn thể hiện những việc đã xảy ra đúng như thực tế (mà chỉ tái hiện lại hoặc sáng tạo thêm). Nhưng đối với kí thì có những việc đã xảy ra trong thực tế được nhà văn sắp xếp lại các chi tiết để kể cho phù hợp.

Ví dụ:

+ Cảnh một miền Cà Mau sông nước mênh mông, kênh rạch chạy chằng chịt ở miền Nam tổ quốc.

+ Sông Thu Bồn thì lắm thác ghềnh.

+ Cô Tô thì có vẻ đẹp trong sáng, rực rỡ cùng với cảnh sắc thiên nhiên, con người hoạt động tấp nập trong sản xuất, kinh doanh và bộc lộ đời sống tình cảm trong quan hệ xã hội.

4. Nhân vật nào em thích nhất trong truyện đã học? Em hãy phát biểu cảm nghĩ về nhân vật ấy?

Gợi ý: Các em hãy đọc lại một số truyện có nhân vật như "Dế Mèn", "Bức tranh", "Buổi học cuối cùng" để phát biểu cảm nghĩ về nhân vật.

Có thể chọn một nhân vật là con người cụ thể như "người anh" trong "Bức tranh của em gái tôi" hoặc nhân vật "Phrăng" trong "Buổi học cuối cùng", hoặc có thể chọn nhân vật tưởng tượng là "Dế Mèn" để phát biểu cảm nghĩ của mình.

Phát biểu cảm nghĩ về nhân vật có thể dùng ngôi kể thứ nhất (em thấy, em cảm nghĩ) và cũng có thể dùng ngôi thứ ba (nhân vật Dế Mèn làm cho người ta, người đọc, có cảm nghĩ.).

Khi nêu cảm nghĩ cần phát biểu đúng, chân thực về nhân vật trong truyện và các chi tiết về tính cách nhân vật sao cho phù hợp.