I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Thánh Gióng là người anh hùng mang sức mạnh của dân tộc ở buổi đầu dựng nước. Biểu hiện sức mạnh của cộng đồng, sức mạnh của thiên nhiên, văn hoá, kĩ thuật.
Hùng Vương thứ sáu có người anh hùng làng Gióng đánh tan giặc Ân xâm lược. Gióng sinh ra, ba năm không nói, không cười, nhưng khi nghe tiếng rao của sứ giả tìm người tài giỏi cứu nước thì bỗng cất tiếng nói xin đi đánh giặc và sẽ phá tan lũ giặc. Rồi chú bé lớn nhanh như thổi, cả làng góp gạo nuôi chú, vì ai cũng mong chú giết giặc, cứu nước. Khi giặc đến, chú bé vươn vai biến thành một tráng sĩ mình cao hơn trượng, oai phong lẫm liệt. Tráng sĩ nhảy lên ngựa sắt, ngựa phun lửa phi thẳng vào quân giặc, tráng sĩ vung roi đánh chúng chết như rạ, đuổi chúng đến chân núi Sóc, rồi cả người lẫn ngựa bay lên trời. Vua nhớ công ơn phong là Phù Đổng Thiên Vương và lập đền thờ ngay ở quê nhà. Huyền thoại về sự tích người anh hùng Thánh Gióng vẫn còn in dấu trên những nơi ngựa sắt đi qua phun lửa tiêu diệt giặc Ân.
2. Thánh Gióng là truyện cổ thần kì có hình tượng nghệ thuật tuyệt đẹp.
Người anh hùng chống giặc ngoại xâm đã được chiếu sáng bằng một hào quang thần thoại khiến hình tượng Thánh Gióng càng thêm lung linh, rực rỡ. Trí tưởng tượng phong phú của nhân dân ta đã sáng tạo nên một hình tượng Thánh Gióng cực kì hùng tráng với bức tranh tiêu diệt giặc Ân kì vĩ có một không hai bằng nhiều chi tiết hoang đường, kì ảo. Tuy vậy, bên cạnh những yếu tố hoang đường, kì ảo vẫn có những chi tiết đời thường đan xen (tre "đằng ngà" cùng với ngựa sắt "phun lửa" đánh giặc, cả làng góp gạo nuôi Thánh Gióng...) làm cho hình tượng người anh hùng như gần gũi, thân quen với chúng ta hơn.
3. Câu chuyện Thánh Gióng nói lên ước mơ của nhân dân về khả năng quật khởi của dân tộc ta trong kháng chiến chống ngoại xâm.
II. TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. Trong truyện Thánh Gióng có những nhân vật nào?
- Có nhiều nhân vật: Thánh Gióng, hai vợ chồng ông lão, giặc Ân, nhà vua, sứ giả, thợ rèn, bà con hàng xóm.
Trong số đó Thánh Gióng là nhân vật chính.
- Nhân vật chính Thánh Gióng được xây dựng bằng rất nhiều chi tiết tưởng tượng, kì ảo và giàu ý nghĩa như:
Mẹ Thánh Gióng do đặt chân lên ướm thử một vết chân to lạ thường mà đã thụ thai và mãi mười hai tháng sau mới sinh ra Thánh Gióng.
Thánh Gióng đã ba tuổi vẫn không biết nói, cười, đi, chỉ nằm yên một chỗ.
Khi nghe tiếng sứ giả rao tìm người tài giỏi, chú bé (Thánh Gióng) bỗng bật lên tiếng nói nhờ mẹ gọi sứ giả vào và nhờ sứ giả tâu vua sắm cho mình ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt để lên đường đánh giặc.
Chú bé (Thánh Gióng) lớn nhanh như thổi, ăn mấy cũng không no, áo mặc rất mau chật. Dân làng đã cùng gom góp gạo nuôi chú bé.
Khi mọi thứ đồ sắt đã đưa tới, chú bé vùng dậy vươn vai thành một tráng sĩ cao lớn, oai phong.
Tráng sĩ (Thánh Gióng) mặc giáp, cầm roi nhảy lên mình ngựa. Ngựa phun ra lửa và phi thẳng đến nơi có giặc.
Tráng sĩ đánh giặc tơi bời. Roi sắt gẫy, tráng sĩ nhổ tre quật vào bọn chúng. Giặc tan, tráng sĩ phi ngựa lên núi, cởi giáp sắt bỏ lại rồi người ngựa từ từ bay lên trời.
2. Ý nghĩa của các chi tiết sau:
a. Tiếng nói đầu tiên của chú bé lên ba là tiếng nói đòi đánh giặc.
- Chi tiết này chứng tỏ rằng toàn thể nhân dân ta từ già đến trẻ luôn có lòng yêu nước và ý chí bảo vệ đất nước, quyết tâm đánh tan mọi kẻ thù xâm lược.
b. Gióng đòi ngựa sắt, roi sắt, giáp sắt để đánh giặc.
- Chi tiết này chứng tỏ thời vua Hùng, nhân dân ta đã biết rèn sắt làm ra vũ khí giết giặc.
Mặt khác, chi tiết này còn phản ánh ước vọng của nhân dân ta là có được những thứ vũ khí thần kì, dùng để đánh tan mọi kẻ thù xâm lược.
c. Bà con làng xóm vui lòng góp gạo nuôi cậu bé.
- Chi tiết này chứng tỏ toàn dân cùng góp công, góp của nuôi quân đánh giặc.
d. Gióng lớn nhanh như thổi, vươn vai thành tráng sĩ.
- Chi tiết này chứng tỏ rằng, khi có giặc xâm lăng kéo tới thì lòng yêu nước sâu kín trong nhân dân bỗng trỗi dậy như bão nổi, nước dâng và tràn lên đánh chìm quân cướp nước để giữ vững non sông gấm vóc.
đ. Gậy sắt gẫy, Gióng nhổ tre bên đường đánh giặc.
- Chi tiết này chứng tỏ nhân dân ta đã biết dùng nhiều thứ vũ khí để đánh giặc, có những thứ vũ khí thần kì như ngựa sắt phun lửa nhưng cũng có vũ khí thô sơ như gậy tre, gậy tầm vông.
Cưỡi lưng ngựa sắt bay phun lửa
Nhổ bụi tre làng đuổi giặc Ân
e. Gióng đánh giặc xong, cởi áo giáp sắt và bay thẳng về trời.
- Chi tiết này chứng tỏ tư cách người anh hùng: vì dân, vì nước mà ra sức đánh đuổi quân thù. Sau chiến thắng lại lặng lẽ lui đi không cần đến sự thưởng công hoặc tri ân của mọi người.
Mặt khác hình ảnh Thánh Gióng bay về trời còn nói lên sự đề cao, sự quý trọng của nhân dân đối với Thánh Gióng. Người anh hùng có công lớn đối với đất nước đang được về ở cõi Trời như một vị thánh đáng tôn vinh, đáng kính.
3. Ý nghĩa của hình tượng Thánh Gióng:
- Hình tượng Thánh Gióng tiêu biểu cho lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chống xâm lăng, tiêu biểu cho sức mạnh phi thường và ý chí quyết chiến, quyết thắng của nhân dân ta.
4. Truyện Thánh Gióng có liên quan đến sự thật lịch sử:
* Đất nước ta luôn bị giặc xâm lăng phương Bắc kéo tới đe dọa và xâm chiếm, chúng đặt nền đô hộ thống trị dân ta hàng ngàn năm. Nhân dân ta luôn luôn phải đứng lên chiến đấu chống lại chúng để giữ gìn nền độc lập và đã nhiều lần chiến thắng kẻ thù. Trong những cuộc chiến đấu như thế thường xuất hiện những người anh hùng tài giỏi, và toàn dân luôn luôn đoàn kết cùng góp sức, góp của đánh giặc cứu nước.
* Hình tượng Thánh Gióng với nhiều màu sắc thần kì là biểu tượng rực rỡ của ý thức và sức mạnh bảo vệ đất nước, đồng thời là sự thể hiện quan niệm và ước mơ của nhân dân ta ngay từ buổi đầu lịch sử về người anh hùng cứu nước chống ngoại xâm.