I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

Không phải đến bây giờ, mà ngay từ ngày xưa, ông cha ta đã rất có ý thức về nguồn gốc dân tộc mình. Họ đã sáng tạo ra câu chuyện Con Rồng, Cháu Tiên để giải thích nguồn gốc dân tộc và thể hiện lòng tự hào dân tộc: một nguồn gốc thật là danh giá, cao sang, đẹp đẽ và thống nhất.

"Con Rồng, cháu Tiên" là truyền thuyết – một loại truyện cổ dân gian kể về câu chuyện lịch sử, các nhân vật lịch sử thời xa xưa

Truyện kể rằng hai vị tổ tiên Lạc Long Quân và Âu Cơ, đã sinh ra dân tộc Việt Nam.

Lạc Long Quân nòi rồng, con trai thần Long Nữ, sức khỏe vô địch, có nhiều phép lạ, đã giúp dân diệt trừ Ngư Tinh, Hồ Tinh, Mộc Tinh - những loài yêu quái bấy lâu làm hại dân lành; lại dạy dân cách trồng trọt, chăn nuôi và cách ăn ở.

Âu Cơ dòng tiên, thuộc dòng họ Thần Nông, xinh đẹp tuyệt trần, tính tình phóng khoáng, tâm hồn thơ mộng: thích đi du ngoạn đến vùng đất có nhiều hoa thơm cỏ lạ.

Họ gặp nhau, thành vợ chồng, sinh ra một cái bọc trăm trứng nở ra một trăm người con trai hồng hào, đẹp đẽ lạ thường, sau đấy, chia con theo bố, mẹ xuống biển và lên núi cai quản các phương. Người con trưởng được tôn lên làm vua, lập ra nước Văn Lang và thời đại Hùng Vương. Nhân dân ta gọi bằng cái tên thân yêu, tôn kính: Bố Rồng, Mẹ Tiện.

Truyện phản ảnh trí tưởng tượng của người xưa nhằm giải thích, khẳng định nguồn cội, ca ngợi dòng giống của người Việt Nam là vô cùng cao quý: CON RỒNG – CHÁU TIÊN

Điểm lại truyện CON RỒNG,CHÁU TIÊN ta thấy có nhiều chi tiết hoang đường, kì ảo do trí tưởng tượng phong phú của người xưa bắt nguồn từ tư duy mộc mạc, nguyên sơ mang đậm tính chất thần thoại mà tiêu biểu nhất là kì tích diệt trừ Ngư Tinh, Hồ Tinh, Mộc Tinh của Lạc Long Quân và hình tượng "bọc trăm trứng nở ra trăm con".

Những chi tiết hoang đường, kì ảo đó không những chứa đựng những ý nghĩa sâu sắc, mà còn làm cho câu chuyện thêm lung linh, huyền ảo. Ở đây, trí tưởng tượng của cha ông ta thật là phong phú, diệu kì, nhưng trí tưởng tượng đó chỉ có thể bay lên từ một lòng tự hào dân tộc mạnh mẽ để sáng tạo ra một hình ảnh tuyệt vời, lớn lao về nguồn gốc dân tộc Việt Nam. Có phải chính cái sắc màu huyền thoại của câu chuyện "bọc trăm trứng" đã tôn vinh nguồn gốc đẹp đẽ của dân tộc ta, làm đậm đà thêm nguồn gốc thiêng liêng của cội nguồn đất nước?

Không chỉ giải thích, suy tôn nguồn gốc cao quý, thiêng liêng của dân tộc Việt Nam, truyện còn biểu hiện ý nguyện đoàn kết, thống nhất của nhân dân ta ở mọi miền đất nước. Cách giải thích như trong truyện thực chất là một sự đề cao dân tộc mình qua việc đề cao nguồn gốc dân tộc, thể hiện lòng tự hào, tự tôn dân tộc của người xưa.

Câu chuyện là một bài ca, là niềm tự hào về nguồn gốc cao quí và khẳng định cội nguồn thống nhất đã làm nên sức mạnh vững bền của dân tộc Việt Nam từ thuở cha ông bắt đầu dựng nước.

Ghi nhớ: Truyền thuyết là loại truyện dân gian truyền miệng kể về các nhân vật và các sự kiện có liên quan đến lịch sử thời quá khứ. Truyền thuyết thường có yếu tố tưởng tượng, kì ảo.

Truyền thuyết có ý nghĩa giải thích một hiện tượng xã hội nào đó hoặc thể hiện thái độ và cách đánh giá của nhân dân đối với sự kiện và nhân vật lịch sử được kể.

II. TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Hãy tìm những chi tiết thể hiện tính chất kì lạ, lớn lao, đẹp đẽ của hình tượng Lạc Long Quân và Âu Cơ:

- Nhân vật Lạc Long Quân là thần thuộc nòi rồng, con trai thần Long Nữ. Thần có mình rồng, luôn ở dưới nước, thỉnh thoảng mới sống trên cạn. Thần dạy dân biết cách trồng trọt, chăn nuôi, ăn ở. Thần có sức khỏe vô địch, phi thường và có nhiều phép lạ nên đã diệt trừ được nhiều yêu quái như: Ngư Tinh, Hồ Tinh, Mộc Tinh để dân lành có thể sống yên vui.

- Nhân vật Âu Cơ cũng là dòng tiên ở trên núi, thuộc họ Thần Nông, có nhan sắc xinh đẹp tuyệt trần.

2. Việc kết duyên của Lạc Long Quân cùng Âu Cơ và chuyện Âu Cơ sinh nở có gì kì lạ?

Vì hai người đều là dòng dõi thần linh (một người là con của Long Nữ, một người là dòng họ Thần Nông) nhưng lại sinh ra ở hai miền khác biệt nhau và có cách sống, tính tình, tập quán khác nhau.

Việc sinh nở của Âu Cơ càng kì lạ hơn bởi vì nàng không sinh con như mọi người bình thường mà lại sinh ra một cái bọc trăm trứng; trăm trứng lại nở ra một trăm người con hồng hào, đẹp đẽ lạ thường, không cần bú mớm và vẫn tự lớn như thổi, đẹp đẽ khôi ngô, khỏe mạnh như thần.

Lạc Long Quân và Âu Cơ chia con làm hai phần đều nhau để năm mươi con theo cha xuống biển và năm mươi người kia theo mẹ lên núi, chia nhau cai quản các phương, khi có việc cần giải quyết thì sẵn sàng giúp đỡ nhau.

Theo truyền thuyết thì khi chia con tôn người con cả (trong 50 người con theo Âu Cơ) lên làm vua lấy hiệu là Hùng Vương. Từ đó nối tiếp được mười mấy đời, xây dựng nên nước Văn Lang trước kia nay là nước Việt Nam. Cho nên người Việt Nam ta đều là CON RỒNG, CHÁU TIÊN.

3. Em hiểu thế nào là chi tiết tưởng tượng, kì ảo? Hãy nói rõ vai trò của các chi tiết này?

Chi tiết tưởng tượng, kì ảo là những chi tiết thật lạ lùng, thật khác thường không có trong thực tế cuộc sống mà do trí óc của con người suy nghĩ và sáng tạo ra.

Các chi tiết tưởng tượng, kì ảo trong truyện có vai trò làm cho các nhân vật được tô đậm trở nên lớn lao, kì vĩ, đẹp đẽ lạ thường và toàn câu chuyện trở nên sinh động, hấp dẫn, cuốn hút người nghe.