I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

Mẹ hiền dạy con nêu một bài học sinh động sâu sắc, có ấn tượng. Người được xem là mẹ hiền có tình thương con chưa đủ, còn phải dạy con có phương pháp hiệu quả. Bà mẹ thầy Mạnh Tử đã nêu một tấm gương sáng về mặt này.

Bà đã tạo cho con một môi trường sống tốt đẹp, đúng như câu tục ngữ: "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng".

- Nhân vật hai mẹ con thầy Mạnh Tử (nhất là người mẹ) được miêu tả chủ yếu qua ngôn ngữ, hành động bằng những tình huống cụ thể. Do vậy người đọc dễ tiếp thu ý nghĩa của truyện

- Truyện thiên về ghi chép sự việc, gần với kí với sử. Hình tượng bà mẹ thầy Mạnh Tử dạy con nổi lên một ấn tượng sâu sắc với năm việc cụ thể. Tuy cốt truyện đơn giản nhưng mang tính giáo huấn sâu sắc.

- Vấn đề chọn môi trường sống có lợi nhất cho việc hình thành nhân cách của con người.

- Điều này đã được người Việt Nam nêu thành bài học: "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng".

II. TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Tóm tắt năm sự việc diễn ra giữa hai mẹ con thầy Mạnh Tử:

* Sự việc 1:

- Con: Ở gần nghĩa địa, thấy người đào, chôn, lăn, khóc về nhà cũng bắt chước đào, chôn, lăn, khóc.

- Mẹ: Mẹ thấy thế, nói: "Chỗ này không phải chỗ con ta ở được”. Rồi dọn nhà ra gần chợ ở.

* Sự việc 2:

- Con: Ở gần chợ, thấy người buôn bán điên đảo về nhà cũng bắt chước nô nghịch cách buôn bán điên đảo.

- Mẹ: Lại nói: "Chỗ này cũng không phải chỗ con ta ở được". Bèn dọn nhà đến cạnh trường học.

* Sự việc 3:

- Con: Ở gần trường học, thấy trẻ con đua nhau học tập lễ phép, cắp sách vở, về nhà cũng bắt chước học tập lễ phép, cắp sách vở.

- Mẹ: Mẹ vui lòng nói: "Chỗ này là chỗ con ta ở được đây".

* Sự việc 4:

- Con: Thấy nhà hàng xóm giết lợn Mạnh Tử về hỏi mẹ: "Người ta giết lợn làm gì thế?"

- Mẹ: Mẹ nói đùa: "Để cho con ăn đấy", sau biết lỡ mồm, sợ con bắt chước nói dối, bèn đi mua thịt đem về cho con ăn thật.

* Sự việc 5:

- Con: Đang đi học, chợt bỏ lớp học về nhà chơi. (Từ hôm đó thầy Mạnh Tử học tập rất chuyên cần. Rồi sau thành một bậc đại hiền).

- Mẹ: Mẹ đang dệt cửi, bèn cầm dao cắt đứt tấm vải trên khung cửi mà rằng: "Con đang đi học mà bỏ học thì cũng như ta đang dệt tấm vải này mà cắt đứt đi vậy".

2. Ý nghĩa trong ba sự việc đầu? Trong hai sự việc sau? So sánh? Nêu tác dụng.

Qua ba sự việc đầu, là vấn đề chọn môi trường sống có lợi nhất cho việc hình thành nhân cách của con người. Sau là vấn đề giáo dục, dạy dỗ con.

3. Bà mẹ thầy Mạnh Tử là người như thế nào?

Vừa hiền hậu, vừa kiên nghị theo một phương pháp giáo dục nhất định.

Vừa nghiêm khắc với con vừa sẵn lòng hi sinh hay làm tất cả vì sự trưởng thành của con.

4. Về cách viết truyện “Mẹ hiền dạy con”

Đây là một truyện được tuyển dịch từ sách Liệt nữ truyện của Trung Hoa, cũng như truyện “Con hổ có nghĩa”, nó mang những đặc điểm chung của truyện Trung đại nói chung.

III. LUYỆN TẬP:

1. Phát biểu cảm nghĩ về sự việc: Bà mẹ thầy Mạnh Tử đang ngồi dệt vải thấy con bỏ học về nhà chơi liền cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung.

- Hành động của bà mẹ thật bất ngờ (cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung cửi).

- Lời nói của bà thật mạnh mẽ (con đang đi học mà bỏ học...).

- Bà đã tỏ ra thái độ kiên quyết, một hình ảnh trực quan quyết liệt để con phải nhớ đời, buộc con phải tự sửa chữa ngay lỗi lầm.

2. Từ chuyện mẹ con thầy Mạnh Tử, em có suy nghĩ gì?

Truyện giúp em hiểu thêm về tấm lòng thương con và niềm mong mỏi của các bà mẹ hiền, trong đó có mẹ em. Khi người mẹ kiên quyết, không tha lỗi lầm của con cũng chính là xuất phát từ tình thương và niềm mong mỏi con nên người hiền tài. Từ đó em càng thương yêu, kính trọng mẹ nhiều hơn.

3. Trong công tử, hoàng tử, đệ tử: "tử" đều có nghĩa là con.

Trong tử trận, bất tử, cảm tử: "tử" đều có nghĩa là chết.