I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Sự việc trong văn tự sự:

- Tự sự là kể một chuỗi sự việc để thông báo, tìm hiểu, giải thích, thể hiện một điều gì. Do đó sự việc trong tự sự phải được chọn lọc và sắp xếp theo một trật tự có ý nghĩa. Các sự việc trong truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh đã được sắp xếp theo một trật tự có ý nghĩa như thế (có sự việc khởi đầu, sự việc phát triển, sự việc cao trào và sự việc kết thúc).

- Sự việc trong văn tự sự được kể một cách cụ thể, là sự việc xảy ra trong thời gian, địa điểm cụ thể, do nhân vật cụ thể thực hiện, có nguyên nhân, diễn biến, kết quả... Các sự việc trong truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh đều được kể một cách cụ thể như thế (HS tự chứng minh).

- Sự việc trong văn tự sự được lựa chọn và sắp xếp cho phù hợp với chủ đề, tư tưởng của văn bản. Nhân vật phụ chỉ giúp nhân vật chính hoạt động. (Trong Sơn Tinh, Thủy Tinh, Sơn Tinh và Thủy Tinh là hai nhân vật chính, Hùng Vương và Mị Nương là hai nhân vật phụ).

- Nhân vật được thể hiện qua các mặt: tên gọi, lai lịch, tính nết, hình dáng, tài năng, việc làm... (Nêu dẫn chứng qua các nhân vật trong Sơn Tinh, Thủy Tinh, đặc biệt là hai nhân vật chính).

II. LUYỆN TẬP

1. Chỉ ra các việc mà các nhân vật trong truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh đã làm:

- Mị Nương người đẹp như hoa, tính nết hiền dịu.

- Vua Hùng muốn kén rể, và đã chọn được Sơn Tinh để gả con gái Mị Nương.

- Sơn Tinh trổ tài, mang lễ vật tới trước nên đã lấy được Mị Nương. Sơn Tinh dời đồi, dâng núi chống lại sự tấn công quyết liệt của Thủy Tinh và đã chiến thắng.

- Thủy Tinh cũng biểu diễn phép lạ, mang lễ vật tới sau nên không cưới được Mị Nương, do đó đã nổi giận dâng nước và làm nên giông bão đánh Sơn Tinh nhưng cuối cùng đã thất bại lui binh. Mỗi năm một lần, Thủy Tinh vẫn gây chuyện chiến tranh, Sơn Tinh dũng cảm chống đỡ, Thủy Tinh vẫn không thắng nổi.

a. Nhận xét vai trò ý nghĩa của các nhân vật:

- Vua Hùng và Mị Nương đóng vai trò phụ trong truyện và không mang ý nghĩa nào nổi bật. Nhưng việc nhà vua kén rể lại là nguyên nhân dẫn đến cuộc giao chiến giữa hai thần.

- Thủy Tinh và Sơn Tinh là nhân vật chính trong truyện.

Thủy Tinh tượng trưng cho sức mạnh của lũ lụt hàng năm đe dọa cuộc sống của nhân dân ta.

Sơn Tinh là nhân vật có ý nghĩa cao đẹp, tượng trưng cho ý chí, cho sức mạnh và ước vọng của nhân dân ta trong việc ngăn chặn thiên tai để bảo vệ cuộc sống.

b. Tóm tắt truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh theo sự việc của các nhân vật chính:

Hai thần cùng đến cầu hôn Mị Nương. Sơn Tinh trổ tài hóa phép dời chuyển núi đồi. Thủy Tinh cũng biểu diễn phép thuật gọi gió, hô mưa.

Sơn Tinh mang lễ vật đến trước nên đón được Mị Nương về làm vợ. Thủy Tinh đến chậm, nổi giận, dâng nước và làm bão lũ đánh Sơn Tinh. Sơn Tinh hóa phép chống lại. Thủy Tinh không thắng buộc phải lui quân nhưng hàng năm vẫn chưa nguôi giận nên vẫn hăm he gây chiến.

c. Tác phẩm gọi là Sơn Tinh, Thủy Tinh là để làm nổi bật các nhân vật chính và những sự việc cốt lõi của câu truyện

Nếu đổi tên truyện là "Vua Hùng kén rể" thì tên này không bao quát được ý nghĩa chính của câu truyện.

Nếu lấy tên truyện là "Truyện Vua Hùng, Mị Nương, Sơn Tinh, Thủy Tinh" thì quá dài dòng, rườm rà và làm mờ nhạt đi hình ảnh của hai nhân vật chính là Sơn Tinh và Thủy Tinh.

Nếu lấy tên truyện là "Bài ca chiến công của Sơn Tinh" thì cũng làm mờ nhạt nhân vật chính Thủy Tinh.

2. Cho nhan đề truyện: MỘT LẦN KHÔNG VÂNG LỜI.

Em hãy tưởng tượng để kể một câu chuyện theo nhan đề ấy.

Gợi ý: Nhân vật có thể là em, một người bạn của em, hay một đứa em trong gia đình.