I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

A. Phương pháp viết văn tả cảnh:

1. Đọc 3 văn bản:

a. Văn bản 1:

Bằng thủ pháp nghệ thuật so sánh trong việc miêu tả ngoại hình và động tác của nhân vật (dượng Hương Thư), tác giả đã thể hiện hình ảnh một con người lao động gân guốc, vững chắc, dũng mãnh trước thiên nhiên và qua nhân vật này người đọc hình dung được con thuyền đã phải chèo chống với mọi khó khăn để vượt qua nhiều thác ghềnh nguy hiểm.

b. Văn bản 2:

Người viết đã miêu tả cảnh vật sông nước Năm Căn theo thứ tự: từ dưới sông, lên trên bờ, từ gần đến xa.

Đầu tiên là tả dòng sông Năm Căn mênh mông rộng lớn tiếp đến là tả hai bên bờ sông có rừng đước, dựng lên cao ngất rồi tiếp tục tả cụ thể cây đước.

Ấn tượng nổi bật là cảm giác về màu xanh.

c. Văn bản 3: Bài văn miêu tả luỹ tre làng có thể chia ra làm 3 phần.

* Phần mở đầu: giới thiệu khái quát về luỹ tre làng (hình dáng, màu sắc)

* Phần thứ hai: từ "luỹ ngoài cùng" đến "lúc nào không rõ", tả ba vòng tre của luỹ tre làng.

* Phần ba: còn lại, phát biểu cảm nghĩ và nhận xét về loại tre. Bài văn miêu tả theo thứ tự ngoài vào trong, từ khái quát đến cụ thể.

Tóm lại, muốn viết một bài văn tả cảnh cần ghi nhớ:

- Xác định đối tượng miêu tả

- Quan sát lựa chọn những hình ảnh tiêu biểu

- Trình bày những điều quan sát được theo thứ tự: từ dưới lên trên, từ gần đến xa...

* Bố cục bài tả cảnh thường có 3 phần (SGK)

B. Luyện tập phương pháp viết văn tả cảnh và bố cục bài văn tả cảnh

1. Nếu phải tả quang cảnh lớp học trong giờ viết bài tập làm văn thì em phải thực hiện các bước:

a. Quan sát lựa chọn những hình ảnh cụ thể:

* Quan sát quang cảnh chung của lớp học, không khí lớp

* Quan sát thầy (cô) giáo, các bạn trong lớp (tư thế, thái độ, công việc chuẩn bị viết bài...)

* Cảnh viết bài, cảnh ngoài sân trường...

b. Miêu tả theo thứ tự: từ ngoài vào trong; từ trên bảng đến dưới lớp; từ không khí chung lớp học đến bản thân người viết.

c. Viết phần mở bài và kết thúc cho đề văn này.

Mở bài:

Trời vừa tờ mờ sáng, khí trời mát mẻ, xa xa nơi luỹ tre đầu làng thỉnh thoảng có tiếng gà gáy sáng. Thế mà lớp 6A của em đã tập trung đông đủ vì hôm nay có thầy cô đến dự giờ và thăm lớp . Ba tiếng trống vang lên chúng em nhanh chóng ổn định chỗ ngồi chờ các thầy cô đến. Thầy cô bước vào lớp tươi cười với chúng em và tiết học cũng bắt đầu.

Kết luận:

Thời gian của hai tiết giảng văn trôi qua nhanh chóng, chúng em đã được nghe cô giáo giảng kĩ về phương pháp viết văn tả cảnh thật thú vị.

2. Nếu phải tả quang cảnh sân trường trong giờ ra chơi, thì trong phần thân bài em sẽ miêu tả theo thứ tự.

- Từ xa đến gần (thứ tự không gian)

- Tả trước giờ ra chơi, trong giờ ra chơi và sau giờ ra chơi (thứ tự thời gian)

- Tả quang cảnh chung rồi nói về bản thân mình trong giờ ra chơi (theo thứ tự từ khái quát đến cụ thể hoặc ngược lại)

- Một cảnh nổi bật của sân trường trong giờ ra chơi.

"Các bạn nam đứng thành vòng tròn, đôi chân uyển chuyển khéo léo đỡ lấy quả cầu làm bằng vòng cao su đủ màu, bên trên có cắm mấy chiếc lông ngỗng, quả cầu bay "vèo" từ chân bạn này qua chân bạn khác. Các bạn nam đang say sưa đá cầu, không khí trở nên ồn ào náo nhiệt. Mỗi lần chạm xuống mu bàn chân là quả cầu kêu "tách tách" nghe thật vui tai.”

3. Dàn ý của bài Biển đẹp:

- Mở bài:

Giới thiệu cảnh biển buổi sáng...

- Thân bài: Tả vẻ đẹp với những sắc màu khác nhau của biển theo một trật tự thời gian và ở nhiều góc độ khác nhau:

+ Buổi sáng: Có những cánh buồm nâu no gió và ánh nắng chiếu vào hồng rực rỡ lên, như đàn bướm lượn.

+ Buổi chiều: Gió mùa đông bắc vừa dừng, biển lặng, chiều lạnh, nắng tắt, nước biển dâng đầy đặc một màu trắng bạc...

+ Ngày mưa rào: Mưa dăng dăng bốn phía, hạt mưa xuyên xuống biển có quãng thâm sì, nặng trịch.

+ Ngày nắng:

• Nắng sớm mờ, biển bốc hơi nước, chỉ có màu trắng đục.

• Nắng tàn mát dịu, biển xanh trong veo, đảo xa tím pha hồng.

• Xế trưa: Nắng dát vàng một vùng biển.

- Kết bài: (đoạn cuối từ Biển nhiều khi rất đẹp đến ánh sáng tạo nên).