I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Đặc điểm của danh từ

- Danh từ là những từ chỉ người, vật, hiện tượng, khái niệm,...

- Danh từ có thể kết hợp với từ chỉ số lượng ở phía trước, các từ này, ấy, đó,... ở phía sau và một số từ ngữ khác để lập thành cụm danh từ.

- Chức vụ điển hình trong câu của danh từ là chủ ngữ. Khi làm vị ngữ, danh từ cần có từ là đứng trước.

Ví dụ:

- Trong câu: "Vua sai ban cho làng ấy ba thúng gạo nếp với ba con trâu đực, ra lệnh phải nuôi làm sao cho ba con trâu ấy đẻ thành chín con" có các danh từ: vua, làng, thúng, gạo nếp, con trâu.

- Trong cụm danh từ ba con trâu ấy, ta thấy danh từ con trâu (hoặc danh từ con, danh từ trâu) có khả năng kết hợp như sau:

ba → từ chỉ số lượng

con trâu → danh từ

ấy → chỉ từ

(Từ chỉ số lượng đứng trước; các từ này, ấy, đó, ... và một số từ ngữ khác đứng sau).

- Trong câu trên danh từ vua là chủ ngữ; và nếu xét phần cuối của câu, ta thấy con trâu cũng giữ chức vụ chủ ngữ trong cụm chủ - vị:

ba con trâu ấy → CHỦ NGỮ

đẻ thành chín con → VỊ NGỮ

2. Danh từ chỉ đơn vị và danh từ chỉ sự vật

- Danh từ tiếng Việt được chia thành hai loại lớn là danh từ chỉ đơn vị và danh từ chỉ sự vật.

a. Danh từ chỉ đơn vị nêu tên đơn vị dùng để tính đếm, đo lường sự vật.

Danh từ chỉ đơn vị gồm hai nhóm là:

+ Danh từ chỉ đơn vị tự nhiên (còn gọi là loại từ)

Ví dụ: con (con trâu); viên (viên quan); ông (ông giáo)...

Khi thay thế bằng những từ khác, đơn vị tính đếm, đo lường không thể thay đổi, viên quan cũng như ông quan.

+ Danh từ chỉ đơn vị qui ước:

• Danh từ chỉ đơn vị chính xác: một tạ gạo, ba cân đường.

• Danh từ chỉ đơn vị ước chừng: một thùng thóc, một rá khoai.

Khi thay thế bằng những từ khác, đơn vị tính đếm, đo lường sẽ thay đổi theo, như thay thúng bằng rá, thay rá bằng cân,...

Trong danh từ chỉ đơn vị qui ước, danh từ chỉ đơn vị chính xác không thể được miêu tả về lượng (không nói: một tạ gạo rất nặng); còn danh từ chỉ đơn vị ước chừng có thể được miêu tả bổ sung về lượng (như vẫn thường nói: một thùng gạo rất đầy).

b. Danh từ chỉ sự vật nêu tên từng loại hoặc từng cá thể người, vật, hiện tượng, khái niệm,...

II. GIẢI BÀI TẬP

1. Liệt kê một số danh từ chỉ sự vật:

sách, vở, giấy, bút, mực, kéo, thước , com-pa, phấn, học bạ, trường, lớp, câu lạc bộ, bàn, ghế, nhà, cửa, cầu, đường,...

- Đặt câu với 1 danh từ:

Cái thước của em làm bằng nhựa.

2. Liệt kê các danh từ:

a. Chỉ đơn vị quy ước chính xác: mét, ki-lô-mét, gam, ki-lô-gam, tạ, tấn, mét khối, lít, héc-tô-lít, mét vuông, hec-ta...

b. Chỉ đơn vị quy ước chừng: nắm, mẻ, dúm, mớ, bó, đàn, đám, bọn ...

3. Liệt kê các loại từ:

a. Chuyên đứng trước danh từ chỉ người: cô, thầy, ông, bà, bác, chú, anh, chị,...

b. Chuyên đứng trước danh từ chỉ đồ vật: cái, bức (bình phong), tấm (bản), cục (đá), chiếc (lá), cánh (cửa), que (diêm),...

4. Viết bài chính tả (theo SGK)

5. Lập danh sách các danh từ chỉ đơn vị và danh từ chỉ sự vật trong bài chính tả trên.

- Các danh từ chỉ đơn vị trong bài chính tả trên: que, con, đỉnh, ven, bức.

- Các danh từ chỉ sự vật trong bài chính tả trên: củi, cỏ, bút, lòng, ngày, núi, đất, chim, đầu, sông, tay, nước, tôm, cá, đá, nhà, đồ đạc, tường, hình.