I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

- Cách dẫn dắt truyện rất khéo, truyện có nhiều kịch tính tạo ra những bất ngờ lí thú và hấp dẫn.

- Dựng cảnh hay, mỗi cảnh là một màn kịch nhỏ sinh động (màn kịch đối đáp trên đồng ruộng, màn kịch lừa vua vào bẫy giữa sân rồng,...)

- Xây dựng em bé thành một nhân vật tài trí hoàn hảo với vẻ đẹp lí tưởng. Em bé thông minh là truyện cổ tích sinh hoạt.

Nhân vật em bé thông minh ở đây lại là một "em bé con nhà thợ cày" chỉ mới 7, 8 tuổi. Trên đồng ruộng quê hương, em đã đối đáp như thần làm cho viên quan phải há hốc mồm kinh ngạc; giữa sân rồng, em đã lừa vua vào bẫy để chiến thắng, và sau đó, tại nhà công quán, lại phản ứng cực kì nhanh nhạy khiến vua phải phục lăn.

Cuối cùng, khi cả triều đình đều lắc đầu bó tay trước câu đố "hóc búa" của sứ thần ngoại quốc, thì em đã ung dung giải một cách tuyệt vời như không ngay khi em còn đùa nghịch ở sau nhà. Tài trí của em đã giữ thể diện cho quốc gia dân tộc và làm cho sứ thần ngoại quốc phải thán phục, kính nể.

Đây là truyện cổ tích về nhân vật thông minh - kiểu nhân vật rất phổ biến trong truyện cổ tích Việt Nam và thế giới.

II. TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Hình thức dùng câu đố để thử tài nhân vật rất phổ biến trong nhiều truyện cổ tích ở nước ta mà còn gặp ở nhiều truyện cổ tích của nước ngoài.

Tác dụng của hình thức này là: buộc người bị thách đố phải thật thông minh tài giỏi, suy nghĩ nhanh, đối đáp giỏi và tìm ra được lời giải các câu đố rất khó.

Ví dụ: trong truyện Trạng Quỳnh, sứ Tầu cũng đưa ra nhiều câu đố rất oái oăm nhưng Trạng Quỳnh đều giải đáp được.

2. Sự mưu trí, thông minh của em bé được thử thách qua bốn lần:

- Lần đầu là viên quan hỏi có bao nhiêu đường cày trong một ngày.

- Lần thứ hai: Nhà vua bắt phải nuôi trâu đực cho chúng đẻ con.

- Lần thứ ba: Nhà vua bắt cha con cậu bé phải làm thịt một con chim sẻ rất nhỏ để dọn thành ba mâm cỗ lớn.

- Lần thứ tư là sự thử thách của viên sứ giả nước ngoài: xâu sợi chỉ qua một con ốc dài có ruột xoắn vặn nhiều vòng.

- Lần thử thách sau luôn khó hơn lần thử thách trước làm cho người nghe kể chuyện mỗi lúc càng thấy rõ hơn sự thông minh, tài trí của cậu bé và như thế câu chuyện càng hấp dẫn hơn.

3. Trong mỗi lần thử thách cậu bé đã dùng cách gì để giải những câu đố oái oăm? Những cách ấy lý thú ở chỗ nào?

- Lần thử thách thứ nhất:

Câu đố của viên quan: Trâu cày một ngày được mấy đường.

Cậu bé đã dùng một câu hỏi tương tự để vặn hỏi lại tên quan.

- Lần thử thách thứ hai:

Thách đố của viên quan: nuôi ba con trâu đực cho chúng để thành chín con trong một năm để nộp cho quan

Cậu bé đã bình tĩnh nói để dân làng cứ yên tâm mổ trâu, thổi xôi cùng đánh chén và đã nghĩ sẵn ra cách đối phó với nhà vua bằng cách vào trong sân triều đình khóc đòi nhà vua phán bảo cho cha em đẻ thêm em bé khiến nhà vua phải tự từ bỏ ý định vô lý của mình là bắt trâu đực phải đẻ.

- Lần thử thách thứ ba:

Thách đố của viên quan: từ một con chim sẻ làm thành ba mâm cỗ thức ăn.

Cậu bé đã nhanh trí nêu ra một điều kiện khó khăn không thể giải quyết để buộc nhà vua phải từ bỏ ý định đòi thịt chim sẻ làm ba mâm cỗ của mình.

- Lần thử thách thứ tư:

Thách đố của viên quan: xàu sợi chỉ mảnh qua ruột con ốc vặn rất dài.

Cậu bé đã vận dụng một kinh nghiệm thông thường trong dân gian để giải quyết vấn đề. Dân gian đã có câu "quan thấy kiện - như kiến thấy mỡ". Nắm được đặc điểm của con kiến là rất thích bò tới ăn mỡ nên em bé đã đề ra một phương pháp thật hiệu quả để xỏ chỉ qua mình ốc.

Mỗi lần, mỗi cách giải quyết đều rất lí thú:

- khi thì dùng lý lẽ sắc bén để bắt bẻ lại kẻ thách đố mình,

- khi thì dùng cách lấy gậy ông đập lưng ông,

- khi thì buộc người thách thức phải công nhận sự vô lý của mình,

- khi lại dùng kinh nghiệm dân gian để giải quyết vấn đề.

Các câu đố mỗi lúc một tăng thêm độ khó, nhờ thế sự thông minh tài trí hơn người của cậu bé càng nổi rõ.

4. Ý nghĩa của truyện cổ tích này:

Câu chuyện "Em bé thông minh" cho thấy tài trí Việt Nam xuất hiện từ rất sớm và đó là tài trí dân gian, tài trí của người lao động. Dân tộc ta vốn thông minh, ứng xử nhanh, đối đáp giỏi nên trong truyện cổ tích mới có một nhân vật như vậy. Đây là trí khôn dân gian, là tài trí trong cuộc sống mang ý nghĩa thực tiễn. Đây là những kinh nghiệm sống, những "mẹo lừa", những cách ứng xử nhanh nhạy, những miếng võ dân gian... để giúp họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Và ở đây, cái trí khôn dân gian ấy đã chiến thắng các bộ óc thông thái của triều đình, chiến thắng cả sự thách đố oái oăm của sứ thần ngoại quốc. Tạo ra một sự đối lập như vậy, truyện đã đề cao tài trí của dân gian, đề cao người lao động.

Truyện đề cao sự thông minh và trí khôn của dân gian và đem lại cho mọi người một tiếng cười vui vẻ, hồn nhiên trong cuộc sống.