I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Đề văn tự sự
- Đề văn tự sự thường có đề nghiêng về kể người như đề (2), (6); có đề nghiêng về kể việc như đề (1), (3); có đề nghiêng về tường thuật lại sự việc như đề (4), (5). Biết được điều này là do các từ trọng tâm trong mỗi đề đã thông báo cho ta yêu cầu đó.
Có từ kể (hay kể lại, kể về) như đề (1) và (2) trong SGK. Nhưng có khi không có từ kể, nó vẫn là đề tự sự như các đề (3), (4), (5), (6) bởi bản thân đề đã chứa đựng nội dung tự sự: một kỉ niệm ngày thơ ấu, một ngày sinh nhật, một miền quê đổi mới...
Ví dụ:
+ Đề (1) có cụm từ "một câu chuyện em thích", đề (3) có từ "kỉ niệm" cho ta biết đây là đề về kể việc.
+ Đề (2) có cụm từ "một người bạn tốt", đề (6) có từ "em" cho ta biết đây là đề về kể người.
+ Em hãy tìm những từ trọng tâm trong đề (4), (5) để xác định đây là đề tường thuật lại sự việc.
- Mỗi đề bài đều có một yêu cầu cụ thể được nói lên trong câu văn của đề. Đọc đề (1), ta thấy nổi lên hai yêu cầu:
1. Kể một câu chuyện em thích (nội dung kể).
2. (Kể) bằng lời văn của em (hình thức kể).
Như vậy, em có thể biết nhiều câu chuyện, nhưng phải kể một câu chuyện mà em thích, và không phải kể bằng lời văn của người khác (người ghi chép truyện) mà phải kể bằng chính lời văn của mình.
2. Cách làm bài văn tự sự
Cách làm bài văn tự sự qua một đề cụ thể: "Kể một câu chuyện em thích bằng lời văn của em".
Phải tiến hành qua bốn bước tìm hiểu đề, lập ý, lập dàn ý, viết thành văn với những thao tác cụ thể trong từng bước:
a. Tìm hiểu đề:
Đọc kĩ đề, gạch dưới những từ trọng tâm, từ đó xác định yêu cầu của đề bài:
- Đề bài chủ yếu là kể người, kể việc hay tường thuật? Ở đây là kể việc (một câu chuyện).
- Yêu cầu về nội dung là gì?
- Một câu chuyện em thích.
- Yêu cầu về hình thức là gì?
- Kể bằng lời văn của em.
b. Lập ý:
Từ yêu cầu trên, em suy nghĩ để xác định nội dung sẽ viết trong bài làm theo đúng yêu cầu đó. Cụ thể là:
- Em sẽ chọn chuyện nào (mà em thích)?
Ví dụ: Thánh Gióng.
- Em thích nhân vật, sự việc nào?
Ví dụ: Thánh Gióng xin đi đánh giặc, đánh tan giặc Ân và bay lên trời.
- Em chọn chuyện đó nhằm biểu hiện chủ đề gì?
Ví dụ: Ca ngợi người anh hùng chống xâm lăng trong buổi đầu dựng nước của dân tộc.
c. Lập dàn ý:
Cũng tức là lập dàn bài theo ba phần: mở bài, thân bài, kết bài. Em trả lời ba câu hỏi sau đây để định ra dàn bài đại cương:
- Em dự định mở đầu như thế nào?
Ví dụ: Trong nhiều truyện đã học, thích nhất là Thánh Gióng (mở bài).
- Em sẽ kể chuyện như thế nào?
Ví dụ: Kể tóm tắt, gọn hơn, chú ý các sự việc quan trọng (thân bài).
- Em sẽ kết thúc ra sao?
Ví dụ: Nêu cảm nghĩ về người anh hùng chống xâm lăng (kết bài).
Sau đó sắp xếp các ý trong phần thân bài theo một trật tự hợp lí thành dàn bài chi tiết.
d. Viết thành văn:
Dựa vào dàn bài chi tiết, em viết thành văn bài làm của mình theo bố cục ba phần:
Mở bài - Thân bài - Kết bài.
Cần chú ý viết "bằng lời văn của em", có nghĩa là không sao chép nguyên xi như trong văn bản truyện mà phải kể lại truyện bằng chính ngôn ngữ, lời văn của mình một cách sáng tạo.
II. LUYỆN TẬP
Lập dàn ý theo yêu cầu của đề tập làm văn trên.
Quan trọng nhất là việc sắp xếp các ý trong phần thân bài theo một trật tự hợp lí. Có thể tham khảo phần thân bài (kể chuyện Thánh Gióng) dưới dây:
1. Thánh Gióng ra đời kì lạ.
2, Câu nói đầu tiên kì lạ.
3. Lớn lên kì lạ.
4. Đánh tan giặc Ân càng kì lạ.
5. Bay lên trời lại càng kì lạ hơn nữa.
6. Dấu tích chiến công còn in trên quê hương người anh hùng.