I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Câu chuyện ngụ ý phê phán những kẻ hiểu biết hạn hẹp mà lại huênh hoang, khuyên nhủ người ta phải mở rộng tầm hiểu biết của mình, không được chủ quan, kiêu ngạo.
Ếch ngồi đáy giếng là một truyện ngụ ngôn rất hóm hỉnh.
Một con ếch sống lâu ngày trong giếng, tầm nhìn của nó với thiên nhiên chỉ bó hẹp ở đáy giếng nhìn lên bầu trời - Thế giới của ếch rất nhỏ bé.
Hàng ngày ếch kêu "ồm ộp" làm vang động khiến các con vật khác sợ hãi.
Lâu ngày nó sống trong hoàn cảnh ấy trở nên chủ quan, kiêu ngạo, nên có một lần lên khỏi mặt đất nghênh ngang bị trâu đi qua dẫm bẹp.
Truyện ngụ ngôn này nêu một bài học lí thú sâu sắc về cách nhìn cuộc sống.
Truyện ngụ ngôn "Ếch ngồi đáy giếng" đã sáng tạo hàng loạt ẩn dụ, để tạo nên một cốt truyện hấp dẫn về hình tượng con ếch. Các nhân vật khác như: nhái, cua, ốc và con trâu đã tham gia vào câu truyện với vai trò phụ nhưng rất quan trọng đối với việc phát triển chủ đề của truyện.
II. TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. Con ếch tưởng "bầu trời trên đầu chỉ bé bằng chiếc vung" còn nó thì lại "oai nghi như một vị chúa tể", vì:
- Cảm nhận của nó về thế giới xung quanh rất hạn hẹp: Nó đã sống quá lâu ngày (trong lòng một cái giếng), không hề biết chỗ nào khác nữa.
- Sự giao tiếp và tìm hiểu cuộc sống cũng bị hạn chế: Xung quanh chỗ ở của nó chỉ toàn những con vật bé nhỏ về kích cỡ (nhái, cua, ốc), ít ỏi về số lượng (vài con).
- Ra oai với những hàng xóm nhỏ xíu: Hằng ngày nó cất tiếng kêu "ồm ộp làm vang động cả giếng" (đặc tính tự nhiên của loài ếch) khiến lũ vật xung quanh hoảng sợ. (Sự kiện này hẳn do người dựng truyện tưởng tượng ra cốt để dẫn đến chi tiết tiếp sau).
Nó chứng tỏ sự kiêu ngạo ngỡ mình như một vị chúa tể (do sự ngu ngốc của con ếch): Cuối cùng cái ý tưởng sai lầm về thế giới nhỏ bé ấy gây ra nơi con ếch một sự ảo tưởng về bản thân. (Đây là chi tiết rất có ý nghĩa.)
2. Một trận mưa to, nước giếng dềnh lên, đưa ếch ra khỏi giếng. Thế là xảy ra chuyện bất ngờ ếch bị trâu giẫm bẹp.
- Nó nhâng nháo chả coi ai ra gì, chả thèm để mắt đến xung quanh. Đây là kết quả tất nhiên của thói kiêu căng, tự phụ đã thành bản chất của con ếch.
- Thật ra đây là một trường hợp vừa đáng ghét vừa đáng thương. Vì nó sống ở môi trường hạn hẹp, tầm quan sát bị hạn chế, thế là bất ngờ ếch bị trâu giẫm chết.
3. Bài học rút ra từ truyện này:
* Nghĩa đen của truyện: Con ếch bị giẫm chết bởi con trâu.
* Nghĩa bóng của truyện là một bài học triết lí sâu và rộng:
- Dù điều kiện sống có hạn chế thì ta vẫn nên cố gắng tìm cách mở rộng tầm hiểu biết của mình, cần biết nhìn xa trông rộng.
- Mặt khác bất kì sống trong hoàn cảnh nào cũng không nên kiêu ngạo, chủ quan, coi thường xung quanh mà có thể chuốc về những tai hại cho bản thân.
III. LUYỆN TẬP
1. Hai câu văn quan trọng nhất trong văn bản:
- "Ếch cứ tưởng bầu trời trên đầu chỉ bé bằng chiếc vung và nó thì oai như một chúa tể".
- "Nó nhâng nháo đưa cặp mắt nhìn lên bầu trời, chả thèm để ý đến xung quanh nên đã bị một con trâu đi qua giẫm bẹp...".
2. Một số hiện tượng trong cuộc sống ứng với thành ngữ "Ếch ngồi đáy giếng".
- Ví dụ: Trong học sinh thì có sự biểu hiện là:
Coi thường bạn bè, khoe khoang, khoác lác về thành tích học tập của mình, nhưng bài kiểm tra làm rất kém vì không chịu học hỏi thêm.
Trong gia đình hay lớn tiếng tự đề cao mình với anh chị em rằng mình luôn luôn là học sinh giỏi. Luôn biện bạch cho khuyết điểm của bản thân...
- Ghi nhớ: Dù môi trường, hoàn cảnh sống có giới hạn, khó khăn vẫn phải tìm cách mở rộng sự hiểu biết của mình bằng những hình thức phù hợp. Phải biết khiêm tốn, thấy được hạn chế của mình và phải biết nhìn xa trông rộng.