I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Lập dàn ý truyện "Bức tranh của em gái tôi" theo hai câu hỏi trong sách giáo khoa:

a, Kiều Phương là con người được nhà văn quan sát miêu tả rất đặc sắc. Đặc biệt nổi lên hai phương diện:

- Tính cách, phẩm chất Kiều Phương có những điểm nổi bật: hồn nhiên, tình cảm đôn hậu (không khó chịu khi bị gọi là Mèo).

- Về ngoại hình thì Kiều Phương được anh tặng cho cái tên là "Mèo"! Ừ, đã là Mèo thì phải nghịch ngợm đùa bỡn, có khi làm người khác khó chịu.

b. Người anh của Kiều Phương có tâm trạng luôn thay đổi.

Giữa bức tranh và con người thực như có chỗ khác nhau. Bức tranh thì đẹp lộng lẫy do bút pháp tượng trưng và màu sắc hài hoà, con người thực thì nhỏ nhen, hẹp hòi, tầm thường do đố kị:

- Khi thấy em mày mò tự chế lấy màu vẽ thì tuy có ngạc nhiên nhưng vẫn chỉ xem là đứa nghịch ngợm.

- Khi tài năng của em được phát hiện thì nảy ra tâm trạng đố kị, tự ti, tự tạo ra khoảng cách đối với em gái có lúc còn cáu gắt.

- Nhưng khi được xem bức tranh "Anh trai tôi" thì người anh mới thấu hiểu tình cảm trong sáng và lòng nhân hậu của em gái. Tiếp theo đó là lòng hãnh diện vì thấy bức tranh của mình vừa đẹp vừa trang trọng đặt giữa phòng trưng bày.

- Cuối cùng lại thấy xấu hổ, bởi nhìn vào bức tranh anh ta nhận thấy cái xấu của mình là tự ti, tự ái, đố kị với em...

2. Trình bày cho các bạn nghe về "người anh" của mình:

Dàn ý:

- Anh tôi chỉ hơn tôi có 4 tuổi mà anh đã "chững chạc" vững vàng như người lớn.

- Hàng ngày anh giúp tôi học tập và tắm rửa, thường gọi đùa tôi là "cục cưng".

- Các bạn bè cứ bảo "tôi có người anh luôn là học sinh xuất sắc", tôi vui mừng phấn khởi vì nhìn thấy gương mặt anh đẹp, học hành chăm chỉ, giúp cho mẹ mọi việc đều rất tốt.

- Tuy thế hàng ngày tôi vẫn làm nũng với anh để được chia phần quà nhiều hơn.

3. Dàn ý chi tiết đoạn văn miêu tả đêm trăng:

Nhà em trên bến sông ở đầu làng. Trước cửa là dòng sông và cánh đồng ruộng xa tít tắp. Vào những ngày giữa tháng âm lịch, em thường được nhìn trăng mọc. Đầu tiên trăng chỉ như một quả cầu đỏ tía nấp mình dưới rặng tre. Một lúc sau nó nổi dần lên và chuyển sang màu vàng tươi, rồi nhỏ dần lại khi lên cao.

Những đêm có trăng, sau giờ học các em thường tụ tập nhau ngồi trên bờ hồ sen, vừa xem trăng nhuộm màu lá sen, vừa thích chí ném xuống để làm trăng tan ra từng mảnh như kho vàng trong truyện cổ tích.

Chúng em còn rủ nhau chơi hú tìm dưới gốc cây cổ thụ có ánh trăng chiếu len lỏi qua kẽ lá như những cái ống màu vàng xuyên thủng từ trên trời xuống.

Ánh trăng làm cho đường xóm nhộn nhịp hẳn lên; người ta như bưng ánh trăng đi lễ đình, lễ chùa vào các tối hôm rằm vì ánh trăng dát vàng trên các mâm đầy hoa quả.

Nhìn trăng không chói mắt như mặt trời, nên nhìn lâu càng đẹp, trong vành trăng có hình chú Cuội, một áng mây mỏng lướt qua làm trăng lu mờ chút rồi lại sáng trong...

Ngày mùa trăng soi tỏ ra các sân hình chữ nhật cho người ta đập lúa, quạt thóc.

4. Lập dàn ý và nói trước các bạn trong lớp về quang cảnh một buổi sáng (bình minh) trên biển:

(Trong khi miêu tả em liên tưởng và so sánh các hình ảnh với những gì?)

Dàn ý:

- Mặt trời đỏ rực như quả cầu lửa đang nổi dần trên mặt biển;

- Bầu trời buổi sáng mát dịu;

- Mặt biển xanh thẳm;

- Sóng biển vỗ đều đều vào mạn thuyền như vỗ tay reo hò người ra biển;

- Bãi cát trắng mịn màng như cái lưỡi con trai khổng lồ đang lè ra nếm nước biển;

- Những con thuyền trên biển no gió lướt sóng ra khơi.

5. Từ một truyện cổ đã học, đã đọc, em hãy miêu tả hình ảnh người dũng sĩ theo trí tưởng tượng của mình,

- Gương mặt vuông vức, cương nghị

- Cưỡi ngựa vai đeo cung tên, tay cầm gươm

- Người cao lớn, cường tráng