I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
- Cây tre Việt Nam là một bài tuỳ bút đặc sắc. Nó như một tờ hoa, trang hoa để lại cho đời.
Đất nước Việt Nam có hàng ngàn cây khác nhau. Cây nào cũng đẹp, cũng quý nhưng thân thiết với con người nhất là họ hàng nhà tre: tre, nứa, vầu, mai...
Tre đi vào cuộc sống của con người từ khi "lọt lòng" cho đến lúc "nhắm mắt xuôi tay". Tre cùng người lao động, đánh giặc giữ nước.
- Từ các biện pháp tu từ tác giả đã sáng tạo ra những đoạn văn tráng lệ, mang âm điệu anh hùng ca trong văn xuôi Việt Nam hiện đại.
- Trong bài văn có sử dụng biện pháp nhân hoá. Tre đồng hành với con người trên mỗi bước đường trong cuộc sống và "cánh tay" là hình ảnh hoán dụ: tre bạn thân của người...
GHI NHỚ.
Bài văn đã khẳng định và ca ngợi nhiều phẩm chất của cây tre.
Người đọc sẽ cảm nhận được tình cảm tốt đẹp đó qua hình tượng "cây tre" bằng phép nhân hoá đầy ấn tượng. Đây là sự thể hiện sâu sắc, tài hoa về tình yêu quê hương đất nước của tác giả về người nông dân và nhân dân Việt Nam, về nền văn học lâu đời và niềm tin ngày mai tươi đẹp của Thép Mới.
II. TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. Bố cục bài văn gồm có 4 đoạn:
+ Đoạn một (từ đầu đến "chí khí của người"):
Đây là phần mở bài tả bao quát cây tre và thể hiện những phẩm chất của nó.
Cây tre có mặt ở khắp nơi trên đất nước và có những phẩm chất rất đáng quý.
+ Đoạn 2 (từ "Nhà thơ đã có lần ca ngợi" đến "chung thuỷ"):
Phần này phát triển những ý chính về phẩm chất của họ hàng nhà tre.
Tre gắn bó với con người trong cuộc sống hàng ngày và trong lao động.
+ Đoạn 3 (từ "Như tre mọc thẳng" đến "Tre anh hùng chiến đấu"):
Tre sát cánh với con người trong cuộc sống chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước.
+ Đoạn 4: (từ "Nhạc của trúc" đến hết):
Đây là phần kết bài, nhắc lại ngắn gọn về phẩm chất của tre.
Tre vẫn là người bạn đồng hành của dân tộc ta trong hiện tại và trong tương lai.
2. Để làm rõ ý cây tre là người bạn thân của người nông dân Việt Nam, bạn thân của nhân dân Việt Nam, bài văn đã đưa ra hàng loạt những biểu hiện cụ thể.
a. Những chi tiết, hình ảnh thể hiện sự gắn bó của tre đối với con người trong lao động và cuộc sống hàng ngày để chứng minh rằng "cây tre là người bạn thân thiết với nhân dân Việt Nam":
+ Cây tre và họ nhà tre (nứa, tre, mai, vầu) có mặt ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam. Tre trở thành luỹ bao bọc lấy xóm làng.
+ Dưới bóng tre, người dân làm nhà, dùng tre làm công cụ lao động, công cụ sinh hoạt của con người.
+ Tre gắn bó với con người ở mọi lứa tuổi, làm võng, dùng tre làm đồ chơi, các trai gái thường tâm tình dưới bóng tre, người nông dân và các cụ già dùng tre làm điếu cày hút thuốc trên cái chõng tre gọn nhẹ xinh xắn.
Các dẫn chứng trên được sắp xếp theo trình tự từ khái quát đến cụ thể. Tre đi vào cuộc sống con người từ thuở lọt lòng đến lúc nhắm mắt xuôi tay.
Người ở đâu, tre ở đấy, buổi đầu kháng chiến tre là vũ khí. Đất nước sạch bóng quân thù tre làm lại mái nhà tranh ấm cúng, giúp người giữ đồng lúa chín.
b. Thủ pháp nghệ thuật nổi bật trong bài văn nói về cây tre là phép nhân hoá:
+ "Dáng tre vươn mộc mạc, màu tre tươi nhũn nhặn".
+ "Tre trông thanh cao, giản dị".
+ "Tre xung phong vào xe tăng, đại bác".
+ "Tre giữ làng giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín.”
+ "Tre hi sinh để bảo vệ con người”.
+ "Tre, anh hùng lao động. Tre, anh hùng chiến đấu”.
Tóm lại những phẩm chất đẹp đẽ của con người như sống chất phác, giản dị cũng có trong cây tre: mộc mạc màu tre tươi nhũn nhặn, giản dị. Những hành động cao cả của con người: xung phong, hi sinh, giữ làng, giữ nước cũng được sử dụng để nói về sự cống hiến của cây tre trong cuộc kháng chiến chống xâm lược.
Tác giả đã tôn vinh cây tre bằng những danh hiệu cao quý: "Anh hùng lao động, anh hùng chiến đấu".
3. Ở đoạn kết của bài, tác giả đã hình dung về vị trí cây tre trong tương lai khi đất nước ta đi vào công nghiệp hoá.
Theo em nghĩ tre vẫn có vai trò trong công nghiệp hoá.
Ví dụ: như làm nguyên liệu sản xuất giấy, làm công cụ trong xây dựng, mọc từng bụi lớn ở những con đê để giữ đê.
- Ngày nay đất nước tuy có nhiều sắt thép nhưng tre vẫn cùng ta đi vào cuộc sống mới. Tre vẫn giữ vị trí quan trọng trong lao động, sinh hoạt.
- Đặc biệt tre vẫn cần thiết cho vui chơi, giải trí, vẫn chắp cánh cho con người đi vào cuộc sống hiện đại.
4. Bài văn đã miêu tả cây tre với vẻ đẹp và những phẩm chất cao quý. Có thể nói cây tre là biểu tượng của dân tộc Việt Nam.
Có thể nói cây tre là biểu tượng cao quý của dân tộc Việt Nam, mang phẩm chất, dáng điệu và tâm hồn người Việt Nam.
Bài văn đã khẳng định và ca ngợi phẩm chất của cây tre như: "Dáng tre vươn mộc mạc... màu tre tươi nhũn nhắn. Tre lớn lên cứng cáp dẻo dai. Tre trông thanh cao, giản dị, chí khí như người (...) Tre vốn cùng ta làm ăn, lại vì ta mà cùng đi đánh giặc".
- Những câu văn cuối bài toát lên bóng dáng và hồn của tre trong con người Việt Nam: cây tre xanh, nhũn nhặn, ngay thẳng, thuỷ chung, can đảm.
III. LUYỆN TẬP
Những câu tục ngữ, ca dao, thơ truyện nói về cây tre:
- Sống nhờ tre chết nhờ tre (tục ngữ)
- "Cây tre trăm đốt" truyện cổ tích Việt Nam.
- "Con đóng khố, bố cởi truồng" (câu đố măng, tre)
- "Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương."
- "Thanh Trì cảnh đẹp người đông
Có cây sáo trúc bên đồng lúa xanh."
- " Đêm hè gió mát trăng thanh
Lấy tre chẻ lạt cho anh chắp thừng".
- "Tre già anh đã pha nan
Lớn đan nong mẹ, bé đan giần sàng".
- "Gặp đây anh mới hỏi nàng
Tre non đủ lá đan sàng được chăng?"
(Ca dao - Dân ca)