I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

A. Đặc điểm tính từ:

1. Tính từ trong các câu:

- Trong câu a): bé, oai

- Trong câu b): nhạt, vàng hoe, vàng lim, vàng ối, héo, vàng tươi

2. Kể thêm một số tính từ:

Cao, thấp, mạnh, yếu, dữ dội, dịu êm, đẹp, âm u, mờ nhạt, rực rỡ, tươi thắm, lễ phép, ngoan ngoãn, chăm chỉ, bất khuất, trung kiên, xanh ngắt, đỏ chói...

(Các em tìm tiếp)

Nói chung, các tính từ đều có chung ý nghĩa khái quát là chỉ đặc điểm, tính chất của sự vật, hành động, trạng thái.

3. So sánh tính từ với động từ:

- Về khả năng kết hợp, cũng như động từ, tính từ thường có khả năng kết hợp với các từ đã, sẽ, đang, cũng, vẫn... để tạo thành cụm tính từ. Nhưng khả năng kết hợp với hãy, đừng, chớ rất hạn chế.

- Tính từ có thể làm vị ngữ, chủ ngữ trong câu, nhưng khả năng làm vị ngữ của tính từ hạn chế hơn động từ.

B. Các loại tính từ:

1. Trong các tính từ vừa tìm được ở phần I thì những tính từ có khả năng kết hợp với các từ chỉ mức độ (rất, hơi, khá, lắm, quá): cao, thấp, mạnh, yếu, dữ dội, dịu êm, đẹp, rực rỡ, tươi thắm, lễ phép, ngoan ngoãn, chăm chỉ...

Những tính từ không có khả năng kết hợp với các từ chỉ mức độ (rất, hơi, khá, lắm, quá): xanh ngắt, đỏ chói, vàng tươi...

2. Giải thích hiện tượng:

Các tính từ kết hợp được với các từ chỉ mức độ phải là các tính từ chỉ đặc điểm tương đối như bé, oai, nhạt. Trái lại, các tính từ chỉ đặc điểm tuyệt đối thì không có khả năng này như vàng lịm, đỏ tươi...

C. Cụm tính từ

1. Mô hình cấu tạo của cụm tính từ:

(thành phố) vốn đã yên tĩnh, sáng vằng vặc ở trên không:

Phần đầu → Phần trung gian → Phần cuối

vốn / đã / rất → yên tĩnh, sáng → vằng vặc ở trên không
2. Tìm thêm các từ ngữ có thể làm thành tố phụ phần đầu, phần cuối cụm tính từ:

- Làm thành tố phụ phần đầu: hơi, rất, vô cùng (các tính từ chỉ đặc điểm tương đối), vẫn, không, chưa, cũng...

- Làm thành tố phụ phần cuối: lắm, quá, tuyệt vời, vô cùng (với các tính từ chỉ đặc điểm tương đối), hoặc một cụm từ biểu thị ý so sánh nào đó (ví dụ: đẹp như tiên, xấu như ma...)

Tác dụng bổ sung ý nghĩa cho tính từ trung tâm của các thành tố phụ này như sau:

- Các thành tố phụ ở phần đầu: biểu thị ý về thời gian (đã, sẽ, đang...), sự tiếp diễn tương tự (vẫn, cũng), mức độ của đặc điểm, tính chất (rất, hơi...), sự khẳng định hay phủ định (không, chưa ...)

- Các thành tố phụ ở phần cuối: biểu thị ý về thời gian (rồi), mức độ (lắm, quá, vô cùng...), sự so sánh (như tiên, như thần,...)

II. LUYỆN TẬP:

1. Những cụm tính từ trong các câu nói của năm ông thầy bói:

a. Nó sun sun như con đỉa.

b. Nó chần chẫn như cái đòn càn.

c. Nó bè bè như cái quạt thóc.

d. Nó sừng sững như cái cột đình.

e. Nó tun tủn như cái chổi sể cùn

Để tìm ra cụm tính từ, cần xác định đúng tính từ trung tâm. Từ đó tìm bổ ngữ đứng trước, bổ ngữ đứng sau nghĩa và vạch ra ranh giới của các cụm tính từ.

Cụ thể là:

- sun sun như con đỉa;

- chân chẫn như cái đòn càn;

- bè bè như cái quạt thóc;

- sừng sững như cái cột đình;

- tun tủn như cái chổi sể.

2. Về mặt cấu tạo, các tính từ trên đều là các từ láy tượng hình.

Loại tính từ này thường chỉ gợi được một cảm giác cụ thể là kết quả của sự sờ mó, ước đoán chủ quan về một bộ phận nào đó, không thể nào bao quát được toàn thể con vật.

Vì vậy các sự vật được đem ra so sánh với con voi thường quá nhỏ bé:

- mềm nhũn (con đỉa),

- hoặc dài, thanh mảnh (cái đòn càn),

- hoặc mỏng manh (cái quạt),

- hoặc cứng nhắc, bất động (cái cột đình) đều khác xa với toàn thân con voi.

Điều này cho thấy các ông thầy bói rờ rẫm và đoán mò nhưng lại hết sức chủ quan, bảo thủ nên dẫn đến sai lầm.

3. So sánh cách dùng động từ và tính từ trong năm câu tả biển trong "Ông lão đánh cá và con cá vàng":

Các động từ và tính từ trong truyện "Ông lão đánh cá và con cá vàng" có sự thay đổi tinh tế, rõ rệt về mức độ. Sự khác biệt như vậy nói lên phản ứng của cá vàng trước đòi hỏi ngày càng cao, càng quá quắt của vợ ông lão.

- gợn sóng êm ả (lần 1)

- nổi sóng (lần 2)

- nổi sóng dữ dội (lần 3)

- nổi sóng mù mịt (lần 4)

- nổi sóng ầm ầm (lần 5)

4. Sự thay đổi trong quá trình từ không đến có rồi từ có trở lại không được thể hiện qua cách dùng các tính từ trong các cụm danh từ.

a. sứt mẻ - mới - sứt mẻ

b.nát – đẹp – to lớn – nguy nga – nát

Các tính từ này tương phản nhau (sứt mẻ / mới; nát / nguy nga) và được lặp lại, tất cả quay về với điểm xuất phát nghèo khó thảm hại sau khi đã qua bao nhiêu biến đổi tốt đẹp, có lúc đạt tới đỉnh cao giàu sang phú quý. Cách thể hiện sự thay đổi như vậy (từ không đến có, rồi từ có trở lại không) trong đời sống vợ chồng ông lão đánh cá, có ý nghĩa như sau: làm việc thiện, được trả ơn, nhưng tham lam và lợi dụng lòng biết ơn của người khác thì có thể biến ân thành oán và sẽ bị trừng phạt.