I. KIẾN THỨC CƠ BẢN:

Bài thơ ca ngợi một em bé tham gia kháng chiến, say mê làm liên lạc, trước khó khăn hiểm nguy em vẫn hồn nhiên vui vẻ.

Em đã anh dũng hi sinh trên cánh đồng lúa khi đang mang thư thượng khẩn ra mặt trận. Bài thơ đọng lại trong lòng người đọc tình cảm thương yêu, cảm phục đối với em Lượm.

Có hai trường hợp câu thơ 4 chữ có sự cấu tạo đặc biệt:

- "Ra thế, Lượm ơi!" được ngắt ra làm hai. Cách ngắt dòng như vậy tạo ra một khoảng lặng giữa dòng thơ thể hiện một sự xúc động nghẹn ngào!

- "Lượm ơi, còn không...!" cũng được tách ra. Có tác dụng nhấn mạnh, làm cho người đọc suy nghĩ về sự ra đi của Lượm. Cuối bài, hai khổ thơ như nhắc lại hình ảnh vui tươi hồn nhiên của Lượm ở hai khổ thơ đầu, nhằm tái hiện trong lòng người đọc một chú bé Lượm còn sống mãi.

GHI NHỚ:

Lượm - một con người nhỏ bé hi sinh nhưng ý nghĩa to lớn biết bao! Bài thơ có sức truyền cảm mạnh mẽ, làm xúc động lòng người bởi tinh thần yêu nước, say mê kháng chiến của một em bé liên lạc ở cái tuổi còn trẻ măng hồn nhiên, vui vẻ như con chim chích nhảy trên đường vàng.

Lượm đã ngã xuống giữa đồng lúa chín tay nắm chặt bông lúa – con người mãi mãi sống với quê hương. Lượm nằm yên như chìm vào giấc ngủ, trên môi một nụ cười thanh thản ngây thơ. Nhà thơ muốn nói: "Lượm không chết, Lượm bất tử”.

II. TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Sự việc kể và tả về Lượm, lời của ai? Tìm bố cục của bài thơ.

Lượm là bài thơ kể và tả về chú bé Lượm qua những sự việc em làm liên lạc trong chiến đấu, bằng lời nói hồi tưởng của nhà thơ Tố Hữu.

Bài thơ có thể chia làm ba đoạn:

- 5 khổ thơ đầu tiên tả sinh động, khái quát về nhân vật Lượm (trang phục, dáng điệu, cử chỉ, lời nói) và cuộc gặp gỡ tình cờ giữa hai chú cháu.

- 6 khổ thơ tiếp theo, nhà thơ kể được tin Lượm đi làm liên lạc cho mặt. trận, đã hi sinh oanh liệt.

- 2 khổ thơ cuối như điệp khúc nhắc lại hình ảnh Lượm ở mấy khổ thơ đầu. Hình ảnh Lượm sống mãi trong niềm tiếc thương của tác giả.

2. Hình ảnh Lượm trong đoạn thơ (từ khổ thứ hai đến khổ thứ năm) đã được miêu tả như thế nào qua cái nhìn của người kể?

- Trang phục: cái xắc xinh xinh, ca lô đội lệch

Trang phục giống như trang phục vệ quốc đoàn thời kì kháng chiến chống Pháp, thể hiện tư thế hiên ngang, hoạt bát.

- Dáng điệu: cái chân thoăn thoắt cái đầu nghênh nghênh.

Lượm còn nhỏ tuổi có dáng vẻ hiếu động nhưng tháo vát can đảm.

- Cử chỉ: như con chim chích, mồm huýt sáo vang...

Nhanh nhẹn, hồn nhiên, yêu đời

- Lời nói: cháu đi liên lạc... ở đồn Mang Cá, thích hơn ở nhà

Tự nhiên, thật thà

Đoạn thơ dùng thể thơ bốn tiếng có nhiều từ láy (loắt choắt, thoăn thoắt, nghênh nghênh), thể hiện hình ảnh một chú bé vui tươi, say mê công tác, không sợ hi sinh làm cho người đọc rất yêu mến.

3. Hình dung, miêu tả chuyến đi và sự hi sinh của Lượm? Hình ảnh Lượm?

Chuyến liên lạc cuối cùng đã diễn ra trong hoàn cảnh Lượm mang thư "thượng khẩn" vụt qua mặt trận bị trúng đạn hi sinh:

Bỗng loè chớp đỏ,

Thôi rồi, Lượm ơi!
Tác giả đã miêu tả sự hi sinh ấy bằng một câu hỏi vừa đau xót, vừa ngỡ ngàng, không muốn tin rằng Lượm không còn nữa:

Lượm ơi, còn không?

Người đọc sẽ nghiêng mình thương tiếc bởi hình ảnh của sự hi sinh dũng cảm. Hình ảnh ấy còn sống mãi với quê hương đất nước

4. Trong bài thơ, người kể chuyện đã gọi Lượm bằng nhiều từ xưng hô khác nhau. Ý nghĩa, tác dụng của nó trong việc biểu hiện cảm xúc của tác giả.

- "Cháu", "chú bé loắt choắt" - Tác giả miêu tả một em bé "loắt choắt" hoạt bát, tinh nhanh.

"Ca lô đội lệch, như con chim chích nhảy trên đường vàng" - Tác giả coi chú bé như một vệ quốc quân - thời chống Pháp; câu thơ đặc tả cái vui tươi hồn nhiên của người chiến binh nhỏ tuổi.

- "Lượm ơi, chú đồng chí nhỏ": Nhà thơ coi chú bé là đồng chí với mình, tình chú cháu được thay bằng tình đồng chí.

5. “Lượm ơi, còn không?" đặt gần cuối như một câu hỏi đầy đau xót. Lặp lại hai khổ thơ ở đoạn đầu nhằm mục đích gì?

Trong bài có những câu thơ được cấu tạo đặc biệt để tách ra, có ý nghĩa, tác dụng trong việc biểu hiện cảm xúc của tác giả:

Câu thơ như gãy đôi đặc tả nỗi đau khi biết tin Lượm đã hi sinh.

+ Ra thế,

+ Lượm ơi!

Câu thơ ngắt làm hai diễn tả, bày tỏ một thái độ, tình cảm đau xót, ngỡ ngàng.

Lượm ơi, còn không?

Nhà thơ gọi đồng chí nhỏ để tỏ thái độ vừa tiếc thương vừa tôn kính. Một câu hỏi không phải để trả lời nhưng là một câu hỏi tu từ nói lên tấm lòng của nhà thơ đối với người đồng chí nhỏ.

Tiếp sau đó là hai khổ thơ tái hiện lại hình ảnh Lượm nhanh nhẹn, vui tươi, hồn nhiên để khẳng định: Lượm vẫn còn sống mãi trong lòng nhà thơ và còn mãi với quê hương, đất nước.

II. LUYỆN TẬP:

1. Học thuộc lòng đoạn thơ theo yêu cầu của SGK.

2. Đoạn văn miêu tả chuyến đi liên lạc cuối cùng và sự hi sinh của Lượm.

Như mọi lần Lượm nhận bức thư thượng khẩn, không chần chừ Lượm ra đi dù trên mặt trận cuộc chiến đang diễn ra, đạn bay vèo vèo...

Lượm phải vượt băng qua một cánh đồng lúa đang chín, bỗng một tia chớp loé lên, Lượm đã bị trúng đạn, lặng lẽ ngã xuống giữa đồng, dường như trên môi vẫn đọng lại nụ cười thanh thản.

Lượm đã hi sinh, nằm trên thảm lúa vàng, hai tay nắm chặt mấy bông lúa đang chín, hương lúa còn bay ngào ngạt quanh thân mình. Hình ảnh hi sinh anh dũng ấy còn mãi trong lòng chúng ta...