I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

A. Hoán dụ là gì?

Hoán dụ là biện pháp nghệ thuật gọi tên sự vật, hiện tượng, khái niệm bằng tên của một sự vật hiện tượng có quan hệ gần gũi nhằm gợi hình gợi cảm cho sự diễn đạt.

1. Các từ ngữ in đậm trong câu thơ sau chỉ ai?

"Áo nâu liền với áo xanh

Nông thôn cùng với thị thành đứng lên”.

- áo nâu → chỉ người nông dân

- áo xanh → chỉ người ở thành thị

- nông thôn → chỉ những người nông dân

- thành thị → chỉ những người ở thành thị.

2. Mối quan hệ giữa áo nâu, áo xanh, nông thôn, thị thành với sự vật được chỉ:

áo nâu → người nông dân (thường mặc áo nâu)

Sự vật được gọi tên → Sự vật được biểu thị

áo xanh → người thành thị (thường mặc áo màu xanh của giới công nhân)

Sự vật được gọi tên → Sự vật được biểu thị

Quan hệ: vật chứa đựng → vật bị chứa đựng (nông thôn - người nông dân).

3. Tác dụng của cảnh diễn đạt:

Cách dùng từ ngữ diễn đạt theo cách này rất ngắn gọn tăng tính hình ảnh và hàm súc cho câu văn, nêu được đặc điểm nổi bật của những người được nói đến.

B. Các kiểu hoán dụ:

1. Tìm hiểu các từ ngữ in đậm theo sách giáo khoa

a. Bàn tay: dùng một bộ phận của con người để thay cho "người lao động".

b. Một, ba: dùng từ ngữ chỉ số lượng cụ thể, để thay thế cho "số ít" và "số nhiều" nói chung.

c. Đổ máu: một dấu hiệu thường dùng để chỉ sự hi sinh mất mát trong "chiến tranh". Trong khổ thơ này, nhà thơ Tố Hữu dùng từ "đổ máu" dấu hiệu của chiến tranh.

2. Trong các hoán dụ trên, giữa các sự vật, hiện tượng chỉ ra mối quan hệ là:

a. Quan hệ giữa bộ phận với toàn thể (bàn tay người lao động).

b. Quan hệ giữa cụ thể với trừu tượng (một ba - số ít – số nhiều).

c. Quan hệ giữa dấu hiệu của sự vật - sự vật (đổ máu – chiến tranh).

d. Lấy vật chứa đựng để gọi vật bị chứa đựng.

3. Từ những ví dụ phân tích ở phần I và II hãy liệt kê một số quan hệ thường được sử dụng để tạo ra phép hoán dụ (các em đọc lại phần ghi nhớ).

II. LUYỆN TẬP:

1. Các hoán dụ trong những câu thơ văn sau và mối quan hệ giữa các sự vật trong mỗi phép hoán dụ (trong sách giáo khoa).

a. Làng xóm - người lao động nông nghiệp: là quan hệ giữa vật chứa đựng với vật bị chứa đựng.

b. Mười năm – thời gian trước mắt, trăm năm – thời gian lâu dài là mối quan hệ giữa cái cụ thể với cái trừu tượng.

c. Áo chàm - người Việt Bắc là mối quan hệ giữa dấu hiệu của sự vật với sự vật.

d. Trái đất – những người sống trên trái đất là mối quan hệ giữa vật chứa đựng với vật bị chứa đựng.

2. So sánh hoán dụ với ẩn dụ:

* Giống nhau: Gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác.

*Khác nhau:

• Ẩn dụ: - Dựa vào quan hệ tương đồng, cụ thể là:

+ hình thức

+ cách thức thực hiện

+ phẩm chất

+ cảm giác

• Hoán dụ:

- Dựa vào quan hệ tương cận, cụ thể là:

+ bộ phận – toàn thể.

+ vật chứa đựng - vật bị chứa đựng

+ dấu hiệu sự vật – sự vật

+ cụ thể - trừu tượng

Ví dụ minh hoạt

+ Lấy bộ phận để chỉ toàn thể:

Ví dụ:

Đầu xanh đã tội tình gì?

Má hồng đến quá nửa thì chưa thôi!

(Nguyễn Du)

Đầu xanh và má hồng đều là chỉ nàng Kiều.

+ Lấy vật chứa đựng để chỉ sự vật được chứa đựng:

Ví dụ:

Cả làng quê đường phố

Cả lớn nhỏ gái trai

Đám càng đi càng dài

Càng dài càng đông mãi

(Thanh Hải)

Lấy làng quê, đường phố để chỉ đồng bào nông thôn và đồng bào thành thị.

+ Lấy vật dùng để chỉ người dùng: (lấy y phục để chỉ người có y phục đó)

Ví dụ:

Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay

(Tố Hữu)

Lấy áo chàm để nói lên đồng bào Việt Bắc.

+ Lấy số cụ thể để chỉ số nhiều, số tổng quát:

Ví dụ:

Đảng ta đó trăm tay nghìn mắt

Đảng ta đây xương sắt da đồng.

(Tố Hữu)

Trăm và nghìn đều là những số cụ thể được dùng để thay cho số nhiều.

Phép hoán dụ chính là một loại phát hiện ra đặc điểm có thực, tiêu biểu nhất cho sự vật hiện tượng được miêu tả mà người khác chưa nghĩ đến gây cho người đọc những suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ, bất ngờ đến thú vị về những hình ảnh cảm xúc đặc sắc.