I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Từ là đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất dùng để đặt câu

Ví dụ: - Thần / dạy / dân / cách / trồng trọt / chăn nuôi / và / cách / ăn ở. (Con Rồng, Cháu Tiên)

Câu trên có 12 tiếng nhưng chỉ có 9 từ (được phân cách bằng dấu gạch chéo).

- Hãy / lấy / gạo / làm bánh / và / lễ / Tiên Vương.

Câu này có 9 tiếng nhưng chỉ có 7 từ

2. Tiếng là đơn vị cấu tạo nên từ.

Tiếng là đơn vị tạo nên từ, khi nói mỗi tiếng phát ra thành một âm, khi viết mỗi tiếng viết thành một chữ.

* Từ chỉ gồm một tiếng là từ đơn.

Ví dụ: Ở câu trên có:

- 6 từ đơn: thần, dạy, dân, cách, và, cách (mỗi từ gồm 1 tiếng).

* Từ gồm hai hoặc nhiều tiếng là từ phức.

Ví dụ: Ở câu trên có:

- 3 từ phức: trồng trọt, chăn nuôi, ăn ở (mỗi từ gồm 2 tiếng).

3. Những từ phức được tạo ra bằng cách ghép các tiếng có quan hệ với nhau về nghĩa được gọi là từ ghép.

Những từ phức có quan hệ láy âm giữa các tiếng được gọi là từ láy.

Ví dụ: Trong 3 từ phức ở câu trên, có:

- 2 từ ghép:

chăn nuôi (ghép chăn với nuôi có quan hệ về nghĩa)

ăn ở (ghép ăn với ở có quan hệ về nghĩa)

- 1 từ láy: trồng trọt (láy phụ âm đầu tr giữa 2 tiếng)

II. LUYỆN TẬP

1. Đọc câu sau và thực hiện nhiệm vụ nêu ở dưới:

Người Việt Nam ta - con cháu vua Hùng - khi nhắc đến nguồn gốc của mình, thường xưng là con Rồng cháu Tiên.

a. Từ nguồn gốc , con cháu thuộc kiểu cấu tạo nào?

- Từ nguồn gốc , con cháu là từ ghép gồm hai tiếng có nghĩa ghép lại với nhau.

b. Tìm các từ đồng nghĩa với từ nguồn gốc trong câu trên:

Đó là các từ: gốc gác, gốc tích, cội nguồn, tổ tông ...

c. Tìm thêm các từ ghép chỉ quan hệ thân thuộc:

tổ tiên, ông bà, cha mẹ, chú bác, cậu mợ, vợ chồng...

2. Những quy tắc sắp xếp trong từ ghép chỉ quan hệ thân thuộc:

- Theo giới tính (nam nữ): ông bà, chú thím, cha mẹ, cậu mợ, vợ chồng...

- Theo bậc (bậc trên, bậc dưới): mẹ con, ông cha, cha anh, cha con, anh em, chị em, bác cháu, ông cháu, chú cháu, bà cháu...

- Theo quan hệ (gần xa): cô chú, dì dượng, chú bác...

3. Sắp xếp tên các loại bánh vào bảng theo ý nghĩa của những tiếng được ghép với bánh:

- Nêu cách chế biến: (bánh) rán, (bánh) nướng, (bánh) bích quy ...

- Nêu tên chất liệu của bánh: (bánh) nếp, (bánh) tôm, (bánh) gai, (bánh) khúc, (bánh) khoai, (bánh) đậu xanh, (bánh) tẻ ...

- Nêu tính chất của bánh: (bánh) dẻo, (bánh) xốp ...

- Nêu hình dáng của bánh: (bánh) gối, (bánh) tai voi, (bánh) cuốn ...

4. Có thể thay từ láy thút thít trong câu đã cho bằng các từ láy như:

nức nở, sụt sịt, thảm thiết, rưng rức, tỉ ti... (Từ thút thít miêu tả tiếng khóc).

5, Tìm các từ láy:

a. Tả tiếng cười: khanh khách, khúc khích, ha hả, sang sảng, hô hố, tủm tỉm, nắc nẻ, hì hì, ..

b. Tả tiếng nói: ồm ồm, oang oang, lè nhè, chát chúa, lanh lảnh, the thé, dịu dàng, nhỏ nhẹ, êm ái, thủ thỉ, thì thầm...

c. Tả dáng điệu: co ro, lom khom, lênh khênh, khúm núm, nghênh ngang, hùng dũng, khép nép, nhanh nhẹn, nặng nề, chậm chạp, lừ đừ, loắt choắt, bệ vệ, khệnh khạng, thong dong, ung dung, thư thái, lòng khòng...