I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. "Sự Tích Hồ Gươm là huyền thoại về người anh hùng cứu nước Lê Lợi đã lãnh đạo nhân dân đánh đuổi giặc Minh đem lại nền độc lập tự chủ cho đất nước. Dân tộc anh hùng đó cũng là dân tộc yêu hòa bình. Lê Lợi đã nhận được gươm thần để chiến thắng giặc Minh nhưng cũng đã trả lại gươm báu khi đất nước thanh bình. Truyện ngời lên ánh sáng của thanh gươm thần - ánh sáng của chính nghĩa, của niềm tin, của chiến thắng - đã điểm tô thêm vẻ đẹp của người anh hùng cứu nước và ngợi ca sức mạnh kháng chiến của nhân dân. Sử dụng một cách sáng tạo môtíp trao gươm thần cho người anh hùng cứu dân, cứu nước nhưng lại có thêm chi tiết trả gươm thần độc đáo và thú vị, các tác giả dân gian đã làm cho câu chuyện thềm li kì, hấp dẫn, chủ đề truyện thêm sâu sắc, trọn vẹn, đã giải thích cái tên Hồ Gươm một cách thật nên thơ và có ý nghĩa. Hồ Gươm vốn đã đẹp lại càng đẹp thêm vì nó gắn với những trang sử vàng chói lọi của cha ông và người anh hùng áo vải đất Lam Sơn. Hồ Gươm đã đi vào lịch sử dân tộc, bởi chính lịch sử dân tộc đã làm đậm thêm tên hồ bằng một truyền thuyết dân gian đẹp và thú vị..."

(Bình giảng truyện dân gian trong nhà trường)

2. Sự Tích Hồ Gươm vẫn còn những yếu tố hoang đường, kì ảo, giàu ý nghĩa như gươm thần, Rùa Vàng nhưng lại đan xen những chi tiết đời thường như kéo lưới dưới sông, chạy giặc trên rừng, dạo thuyền rồng quanh hồ... và ở đây, cái ảo và cái thực đã hòa quyện với nhau để làm nên vẻ đẹp và sức hấp dẫn của truyền thuyết. Cái thực khiến cho truyện theo sát lịch sử hơn, còn cái ảo là để huyền thoại hóa câu chuyện người anh hùng áo vải và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn với mục đích ghi giữ, ngợi ca.

- Truyện đã sử dụng một cách sáng tạo môtíp trao gươm thần cho người anh hùng cứu dân, cứu nước (nhiều truyền thuyết cũng có môtíp này như Truyện Nguyễn Huệ Được Gươm Thần chẳng hạn), nhưng lại có thêm chi tiết trả gươm thần rất độc đáo và thú vị (chi tiết này không thấy ở các truyện khác) khiến cho câu chuyện thêm li kì và chủ đề truyện cũng được mở rộng sâu sắc hơn.

- So với những truyền thuyết về thời bắt đầu dựng nước (Con Rồng, Cháu Tiên; Thánh Gióng; Sơn Tinh, Thủy Tinh), những truyền thuyết thời sau ít yếu tố hoang đường hơn và theo sát lịch sử hơn.

- Bằng trí tưởng tượng phong phú, nhân dân ta đã sáng tạo ra hình tượng "gươm thần tỏa sáng" xuyên suốt câu chuyện, góp phần tô đậm chủ đề của truyền thuyết; và bằng cách giải thích nên thơ và có ý nghĩa cái tên Hồ Gươm, truyện đem lại cho ta một cảm nhận mới mẻ và thiêng liêng về một thắng cảnh của đất nước đã đi vào lịch sử anh hùng của dân tộc.

II. TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Vì sao Đức Long Quân cho nghĩa quân Lam Sơn mượn gươm thần?

- Giặc Minh đô hộ nước ta, chúng hết sức bạo ngược, nhân dân ta hết sức căm giận, ở vùng Lam Sơn nghĩa quân nổi dậy chống lại chúng, nhưng trong buổi đầu thế lực còn yếu, nhiều lần bị thua.

- Vì không muốn con cháu phải sống mãi dưới ách đô hộ của kẻ thù tàn bạo, đức Long Quân đã quyết định cho nghĩa quân Lam Sơn mượn gươm thần để họ đánh đuổi chúng, đem lại độc lập cho nước nhà, bình yên cho dân chúng.

2. Lê Lợi đã được đức Long Quân cho mượn gươm thần theo một cách đặc biệt:

Long Quân làm cho gươm mắc vào lưới của Lê Thận tới ba lần. Hai lần đầu Thận chỉ coi đó là thanh sắt rỉ, đã cầm ném xuống sông, mãi tới lần thứ ba, Lê Thận mới nhìn kĩ và nhận ra đó là một lưỡi gươm. Đến khi lưỡi gươm phát ra ánh sáng ở trong căn lều tối, Lê Lợi mới phát hiện hai chữ "Thuận Thiên" nhưng vẫn chưa biết đó là kiếm báu. Mãi tới lúc, khi qua khu rừng Lê Lợi thấy có ánh sáng lạ trên ngọn đa mới biết đó là cái chuối gươm nạm ngọc và sau đó mới đem lưỡi gươm tra vào chuỗi thì thấy vừa như in.

- Cách cho mượn gươm khác thường này mang nhiều ý nghĩa:

+ Đây là thanh gươm thần, do thần Long Quân cho mượn nên không thể trao tay theo cách thức thông thường.

+ Cách cho mượn này làm cho ta phải tăng sự chú ý tới thanh gươm để cuối cùng mới nhận thức được giá trị to lớn và linh thiêng, quí giá của gươm thần.

+ Hình ảnh lưỡi gươm thì nằm ở dưới nước, chuôi gươm lại treo ở trên rừng nhưng vẫn gặp nhau và làm thành một thanh gươm hoàn chỉnh như muốn nói lên sự hợp nhất, sự đoàn kết của nhân dân miền đồng bằng sông nước và miền rừng thẳm non cao trong sự nghiệp chống ngoại xâm, đánh giặc cứu nước.

+ Hình ảnh Lê Thận bắt được lưỡi gươm, Lê Lợi tìm thấy chuôi gươm ý nói người cầm gươm chỉ đạo cuộc kháng chiến là Lê Lợi, nhưng sức mạnh đánh giặc là sự đóng góp của nhiều người, nhiều tướng tài trong đó có Lê Thận, một người đánh cá bình thường.

3. Gươm thần đã tỏ rõ sức mạnh của mình trong cuộc chiến đấu của nghĩa quân Lam Sơn:

- Làm cho tinh thần đoàn kết xung quanh Lê Lợi và ý chí chiến đấu đánh quân xâm lược của quân tướng thêm dâng cao.

- Làm cho mọi người thêm tin tưởng ở Lê Lợi vì Lê Lợi đúng là một minh công được Trời phó thác cho việc lớn.

- Làm nhuệ khí của nghĩa quân ngày một tăng. Lưỡi gươm thần trong tay Lê Lợi, tung hoành khắp các trận địa làm quân Minh bạt vía kinh hồn.

- Làm cho uy thanh của nghĩa quân vang dội khắp nơi. Gươm thần như một biểu tượng của lòng tin, của sức mạnh mở đường cho quân ta giành chiến thắng rực rỡ, hào hùng, oanh liệt.

4. Một năm, sau khi đã chiến thắng quân Minh, đất nước ta đã thật sự yên vui thanh bình, Long Quân mới cho đòi lại gươm.

Cảnh đòi gươm và trao trả gươm thiêng đã diễn ra khác lạ. Khi vua Lê cưỡi thuyền rồng dạo trên hồ Tả Vọng thì tự nhiên có con rùa lớn nhô đầu lên rồi bơi nổi hẳn trên mặt nước và nói với nhà vua: "Xin bệ hạ hoàn gươm lại cho Long Quân". Vua nâng gươm hướng về phía Rùa Vàng. Rùa há miệng, đớp lấy thanh gươm và lặn xuống nước. Gươm và Rùa đã chạm đáy nước mà người ta vẫn còn thấy vật gì sáng le lói dưới mặt hồ xanh.

Đó là một cảnh tượng kỳ lạ, đẹp đẽ mang tính chất linh thiêng, thần bí.

5. Các em thảo luận để tìm ra "ý nghĩa của truyện Sự Tích Hồ Gươm" xung quanh các ý cơ bản sau đây:

Truyện ca ngợi tính chất chính nghĩa, tính chất nhân dân trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo. Truyện cũng giải thích tên hồ Hoàn Kiếm, một hồ nước đẹp nằm giữa lòng thủ đô Hà Nội mà ngày nay giữa hồ còn có tháp Rùa. Tên hồ Hoàn Kiếm có ý nghĩa đánh dấu sự thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, thể hiện ước vọng hòa bình của dân tộc.

6. Trong kho tàng truyện cổ Việt Nam, ngoài truyền thuyết SỰ TÍCH HỒ GƯƠM còn có truyền thuyết AN DƯƠNG VƯƠNG XÂY LOA THÀNH (hay là truyền thuyết MỊ CHÂU - TRỌNG THỦY) cũng có hình ảnh Rùa Vàng:

Thần Kim Quy tức Rùa Vàng đã hiện lên giúp An Dương Vương trấn áp ma quỷ, xây dựng xong Loa Thành, lại còn cho nhà vua móng vuốt của mình làm lẫy nỏ thần dùng để chống giặc rất hiệu nghiệm. Khi lẫy nỏ bị Trọng Thủy đánh cắp, nhà vua thất trận cùng con gái chạy trốn ra bờ biển, Thần Kim Quy lại hiện lên báo cho nhà vua biết kẻ làm mất nước chính là người đang ngồi sau ngựa của nhà vua (chính Mỵ Châu do ngây thơ và thiếu cảnh giác đã tạo điều kiện cho Trọng Thủy đánh cắp được lẫy nỏ thần dẫn đến cảnh nước mất nhà tan).

Trong truyền thuyết Việt Nam, hình tượng Rùa Vàng tượng trưng cho sức mạnh lớn lao, cho tính chất chính nghĩa, cho lẽ phải, sự công bằng, và ý chí quyết chiến, quyết thắng của nhân dân ta.

III. LUYỆN TẬP

Câu 1. Đọc phần đọc thêm

Câu 2. Cách trao gươm cũng được huyền thoại hóa để tăng thêm vẻ linh thiêng của nó. Đức Long Quân không trực tiếp trao gươm cho Lê Lợi mà để Lê Lợi nhận được gươm thần ở những nơi trong căn cứ địa của nghĩa quân Lam Sơn. Như vậy mới có ý nghĩa, mới là nhận gươm để giết giặc. Lê Lợi chỉ nhận được chuôi gươm trên đường chạy giặc trong rừng, còn lưỡi gươm thì lại do Lê Thận vớt được qua ba lần kéo lưới dưới sông. Và kì lạ biết bao, khi hai lần Lê Thận đã vứt lưỡi gươm xuống sông, nhưng đến lần thứ ba lưỡi gươm vẫn chui vào lưới - Có phải gươm thần đã tìm đến đúng người anh hùng để trao? Còn kì lạ hơn nữa, là chuỗi gươm trên rừng, lưỡi gươm dưới sông, cách xa nhau như vậy, tưởng không có gì liên quan với nhau, nhưng khi khớp lại thì vừa như in, đã nói lên nguyện vọng của dân tộc là nhất trí đánh giặc cứu nước. Cách trao gươm như vậy vừa mang vẻ linh thiêng vừa hàm chứa ý nghĩa sâu sắc.

Câu 3. Nếu Lê Lợi trả kiếm ở Thanh Hóa thì nội dung ý nghĩa của truyền thuyết sẽ giảm đi khá nhiều: Sẽ không còn cảnh trả gươm thần thiêng liêng giữa kinh thành, không có cái tên Hồ Hoàn Kiếm đầy ý nghĩa, và truyện sẽ mất đi cái chất thơ huyền diệu từ tên một thắng cảnh đã đi vào lịch sử dân tộc.

Câu 4. Truyền thuyết là loại truyện kể về các nhân vật lịch sử cổ xưa. Truyện thể hiện sự đánh giá cao của nhân dân đối với các nhân vật lịch sử.