I. KIẾN THỨC CƠ BẢN: TÌM HIỂU CHUNG VỀ KỂ CHUYỆN TƯỞNG TƯỢNG:

1. Kể tóm tắt truyện ngụ ngôn: Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng:

Chân, Tay, Tai, Mũi ganh tị với lão Miệng là lão chẳng làm gì chỉ ngồi ăn, cuối cùng họ rủ nhau không làm gì nữa để cho lão Miệng phải nhịn đói. Nhưng vài ngày sau cả bọn đều thấy mỏi mệt, rã rời, không muốn cử động nữa.

Sau đó, họ mới vỡ lẽ là lão Miệng không được ăn thì tất cả sẽ mỏi mệt không thể làm gì được.

Thế là chúng lại cho lão Miệng ăn và mọi người lại có sức khoẻ, cả bọn lại hoà thuận với nhau...!

Chi tiết được tưởng tưởng là các bộ phận trên cơ thể được nhân hoá biết suy nghĩ, nói năng như người.

2. Đọc các chuyện sau và suy nghĩ về cách kể một câu chuyện tưởng tượng:

Truyện thứ nhất: Truyện SÁU CON GIA SÚC SO BÌ CÔNG LAO (LỤC SÚC TRANH CÔNG)

Những chỗ tưởng tượng sáng tạo:

- Sáu con gia súc biết nói tiếng người

- Sáu con gia súc kể công và kể khổ

Những tưởng tượng này dựa trên sự thật:

- Trâu cày ruộng

- Chó giữ nhà

- Ngựa kéo xe

Câu chuyện nhằm thể hiện sự tưởng tượng:

"Các giống vật đều có ích cho con người, mỗi con một việc do khả năng hoạt động riêng không nên so bì".

Truyện thứ hai: GIẤC MƠ TRÒ CHUYỆN VỚI LANG LIÊU

(Các em đọc kĩ câu chuyện rồi kể lại tóm tắt như trên)

II. LUYỆN TẬP:

Tìm ý và lập dàn ý cho một trong các đề văn sau:

1. Hãy tưởng tượng cuộc đọ sức giữa Sơn Tinh và Thuỷ Tinh trong điều kiện ngày nay với máy xúc, máy ủi, xi măng cốt thép, máy bay trực thăng, điện thoại di động, xe lội nước...

"Cuộc đọ sức giữa máy bay và ôtô”

Mở bài:

Trên rừng Trường Sơn hai chiếc máy bay và ôtô khoe tài với nhau.

Thân bài:

- Chiếc máy bay thường cho mình là có tài: mỗi khi trên đồi, nhấn ga một cái là bay được hàng ngàn mét, tốc độ khảo sát con đường thật là nhanh.

- Chiếc ôtô lại cho phép mình nói "trạng" mà như thật là hôm qua chui được qua cái hang nhỏ xíu, lội được qua khe suối rồi... để khảo sát một cách chi tiết mặt đất trong rừng

- Thế là hai anh chẳng ai chịu ai, ai cũng muốn mình là người có công đầu trong công việc khảo sát làm đường Trường Sơn.

- Cuộc tranh luận đang sôi nổi thì chú bé "điện thoại di động" đi qua ghé vào tham gia tranh luận. Đại ý chú điện thoại nói:

“Cả hai bác đều có công, không quản nắng mưa khảo sát con đường đúng thời hạn. Mỗi người đều có mặt mạnh của mình, làm sao mà so bì chi li cho được. Ví dụ cháu đây chỉ nhỏ xíu nhưng đã làm thông tin liên lạc, để chỉ huy báo cho các bác tránh thời tiết xấu, cần đi về hướng nào, các bác bảo không quan trọng à?”

Kết luận: Tiếp ngay sau đó là tiếng máy bay hoà lẫn với tiếng ôtô làm vang động cả khu đồi.

2. Ước mơ gặp Thánh Gióng có một chi tiết đề ra rất hay, đó là hỏi xem bí quyết làm cho mình lớn nhanh như thế nào? Bí quyết ấy có thể là:

- Do tập vươn vai, luyện võ.

- Do tập thể dục thường xuyên, say mê nên tạo cơ sở cho bí quyết...

- Do lao động và gặp được người hướng dẫn như phép màu để lớn nhanh.

3. Do bị một lỗi lầm em bị phạt biến thành mèo ba ngày:

- Hãy tưởng tượng em bị phạt do lỗi gì?

+ Lười học, nói dối, ăn vụng kẹo, bánh.

+ Gây gổ với người lớn.

- Hãy tưởng tưởng khi em bắt đầu biến thành mèo:

+ Trên người có gì khác?

+ Còn nói được không?

+ Em lo sợ hay thấy thích thú?

- Trong ba ngày làm mèo:

+ Có bắt được con chuột nào không?

+ Có ăn vụng cá rán không?

+ Có ngủ vùi ở bếp, lò sưởi hay với chú bé người nhà (là em, anh, chị..)

Em cảm tưởng lúc đó như thế nào?

4. Ba phương tiện giao thông: xe đạp, xe máy, xe ô tô, kể chuyện về mình.

Cuộc thi kể về mình bắt đầu từ sáng chủ nhật do em làm trọng tài.

+ Xe đạp:

- Giúp chủ nhân đi khắp mọi nơi cả đường ngang, ngõ hẻm, chứ không bị hạn chế như xe máy và ô tô.

- Điểm nổi bật là giúp con người tập thể dục rất tiện (đi nhiều khoẻ người).

- Không tốn tiền xăng dầu.

+ Xe máy:

- Giúp người đi xa, đi nhanh và có khi chở đến 2 người (dĩ nhiên phải bảo đảm luật lệ giao thông).

- Giúp con người làm việc giao dịch rất tiện lợi.

- Dùng ít xăng hơn xe ô tô.

+ Xe ô tô:

- Giúp người đi công tác xa, nhanh chóng và rất hãnh diện khi giao dịch với người cần gặp gỡ.

- Không sợ mưa, nắng, chở được nhiều người.

Nhận xét chung:

- Tất cả các phương tiện đều giúp ích cho con người trong việc di chuyển (đi làm, đi chơi).

- Nhưng tất cả đều phải tuân theo luật giao thông để khỏi bị phạt hoặc nếu không cẩn thận còn gặp tai nạn nữa.

- Việc dùng các phương tiện này đều phải giữ gìn bảo vệ máy móc.

- Mỗi phương tiện đều có ích nhưng không phải không có điểm hạn chế.

5. Các em hãy tưởng tượng là 10 năm sau em trở lại thăm trường mà hiện nay em đang học có những thay đổi xảy ra như thế nào?

- Năm nay em học lớp 6 mới có 12 tuổi, 10 năm nữa em đã ở tuổi 22 – 23 (đã học Đại học hay đã đi làm).

- Em về thăm trường trong hoàn cảnh nào?

- Em có gặp lại các thầy cô dạy mình trước đây không? (Tuổi tác, vóc dáng họ ra sao?) Em được hỏi chuyện như thế nào?

- Ngôi trường bây giờ có gì thay đổi khác lạ (lớp học, trang bị, phong cảnh, sân trường...)

- Cảm nghĩ của em khi được về thăm mái trường xưa.

Đề: Kể chuyện sáng tạo "Đeo nhạc cho Mèo”.

Một con chuột nhắt chỉ nhỏ bằng ngón tay cái người mà nó rất khôn ngoan ranh mãnh! Một hôm đi tìm ăn chẳng may rơi vào tay chú Miu, nhưng chú Miu vừa được "xơi" bữa tiệc cơm với một cái đầu cá rán "thật to", nên còn no.

Miu nghĩ cách hành hạ con chuột nhắt bằng cách tung lên, vất xuống mà người ta thường gọi cái đó là "mèo vờn chuột" chuột nhắt vừa sợ dúm người lại vừa đau đớn, nó liền tìm cách "lừa chú Miu". Nó kêu thật to:

- Ôi trời đất ơi, nếu đeo được cái nhạc vào cổ "Cụ mèo" thì đâu đến nỗi này! - Nó gọi mèo bằng cụ để nịnh hót.

Mèo nghe chuyện "đeo cái nhạc vào cổ" lấy làm lạ, liền dừng lại hỏi:

- Nhạc là cái gì, sao lại đeo vào cổ tao?

- Bẩm nhạc là cái thứ tiếng kêu leng keng, người ta thường đeo cho ngựa và thỉnh thoảng còn đem cả chó nữa!

Mèo thắc mắc thêm liền hỏi:

- Ai bảo đem nhạc buộc vào cổ tao?

- Bẩm cụ, xin cụ cho phép, con xin thuật lại buổi hội họp của họ hàng nhà chuột chúng con bàn chuyện "đeo nhạc vào cổ" cụ ạ!

Mèo càng thấy lạ lùng thêm nên hỏi dồn:

- Nói mau lên, bàn bạc như thế nào? Đứa nào dám đeo nhạc vào cổ tao?

- Bẩm đây là sáng kiến của cụ Cống, đứng đầu họ hàng nhà chuột. Chúng con thấy đời sống chúng con mỗi ngày bị đe dọa, nên cụ Cống nghĩ ra một cách thật hay là tìm lấy một cái nhạc, rồi đeo vào cổ cụ, để mỗi khi cụ đi đâu thì tiếng nhạc kêu leng keng, chúng con sẽ tìm đường lẩn tránh.

- Nhạc lấy ở đâu?

- Thưa cụ con xuống chuồng ngựa cắn đứt dây buộc rồi tha lên...

- Sao nữa?

- Bẩm mọi người vui sướng reo hò vì từ nay tránh được cái họa "chết bất thình lình".

- Rồi sao nữa, nói nhanh lên?

- Bẩm cụ vui sướng reo hò, nhưng khi cắt cử người đi đeo vào cổ cụ thì ai cũng sợ...

- Hừm!

- Vì sợ trước khi đeo được vào cổ cụ thì chúng con đã nằm trong dạ dày của cụ rồi...

- Ha ha... đúng...

- Cụ Cống sợ, giao nhiệm vụ cho con, con cũng sợ mất vía nên đùn cho chú chuột Chù đi thay, nhưng khi chuột Chù trở về thì mọi người nháo nhác sợ hãi. Xin cụ cho con bước ra mấy bước để con tả lại cái cảnh nhốn nháo buồn cười ấy. Đang thích thú nghe chuyện Mèo liền phán:

- Được cho mi ra xa để diễn tả cái trò "khỉ gió" ấy ta xem. Được lời chuột nhắt bỏ ra xa khi gần đến cái lỗ nhỏ chui qua vách nó mới dừng lại hai tay múa lên:

- Thưa cụ họ nói chuột Chù thì "cụ chê hôi không xơi", nhưng nó vẫn sợ mất vía, nên chạy về làm mọi người sợ cuống cuồng lên...

- Ha... ha...

- Bẩm cụ câu chuyện đến đây là hết, con xin phép nói rằng chuyện "đeo nhạc cho mèo" chỉ là để chế giễu những ai không lường hết sức mình mà mơ tưởng hão huyền... kết quả thực tế chỉ có nghĩa là làm người ta thích thú nghe chuyện. Ví như cụ hôm nay cụ đã mải mê đến say sưa về câu chuyện nên đã thả cho con đi... xin chào cụ... !

Nói xong và rúc ngay vào cái lỗ nhỏ xuyên qua vách. Mèo vội vàng đứng lên chạy đến nhưng không kịp nữa! Chuột nhắt đã thoát thân...