1. Đây là một đoạn văn tả cảnh mặt trời lên trên biển rất hay và độc đáo. Theo em điều gì đã tạo nên cái hay và độc đáo cho đoạn văn?

" Sau trận bão, chân trời, ngấn bể, sạch như tấm kính lau hết mây, hết bụi. Mặt trời nhú lên, dần dần, rồi lên cho kì hết. Tròn trĩnh phúc hậu như lòng đỏ một quả trứng thiên nhiên đầy đặn. Quả trứng hồng hào thăm thẳm và được bê đặt lên một mâm bạc, đường kính mâm rộng bằng cả một cái chân trời màu ngọc trai nước biển ửng hồng. Y như một mâm lễ phẩm tiến ra từ trong bình minh để mừng cho sự trường thọ của tất cả những người chài lưới trên muôn thuở biển Đông".

(Nguyễn Tuân, Cô Tô)

Phân tích cái hay và cái độc đáo đoạn văn miêu tả trên đây:

- Trước hết là có những hình ảnh được lựa chọn và liên tưởng, so sánh, nhận xét độc đáo:

+ "ngấn bể sạch như tấm kính lau hết mây, hết bụi" (thật tráng lệ)

+ "Tròn trĩnh phúc hậu như lòng đỏ một quả trứng thiên nhiên đầy đặn" (thật gợi tả)

+ "Y như một mâm lễ phẩm tiến ra từ trong bình minh để mừng cho sự trường thọ (...)" (thật trang trọng)

- Sử dụng ngôn ngữ phong phú để diễn đạt một cách sống động.

+ Mặt trời như lên dần dần, rồi lên cho kì hết.

+ Quả trứng hồng hào thăm thẳm và đường bệ...

+ ... chân trời màu ngọc trai nước biển ửng hồng.

- Thể hiện rõ thái độ và tình cảm của người tả với đối tượng được tả.

+ Y như một mâm lễ phẩm tiến ra từ bình minh để mừng cho sự trường thọ của tất cả những người chài lưới trên muôn thuở biển Đông.

2. Nếu tả quang cảnh một đầm sen đang mùa hoa nở em sẽ lập dàn ý cho bài văn như thế nào?

Gợi ý:

Mở bài: Ngoài cánh đồng làng em có một hồ sen thật đẹp. Mùa hè những bông hoa đỏ, trắng nhấp nhô dưới những tấm lá sen màu xanh. Đêm đêm hương thơm ngào ngạt của hoa sen thoang thoảng bay vào làng.

Thân bài:

Sen mọc ở dưới hồ sâu, nước trên lưng người, thế mà lá còn vọt lên trên mặt nước.

- Mùa hè đến sen xoè lá kín hồ, bên cạnh những kẽ lá là nụ hoa, đầu tiên chỉ như những nắm tay nhỏ vài hôm sau đã thành những bông hoa màu trắng, màu đỏ đầy hồ.

- Mùa hè khi đi qua hồ sen người ta có cảm giác mát lạnh và chiều chiều hương thơm ngào ngạt bay vào tận thôn xóm.

- Mùa đông sen tàn đi chỉ còn những cọng lá khô héo, gục xuống mặt nước.

Thuở nhỏ các em thường ra tắm ở hồ sen lấy lá sen làm ô che nắng. Lấy ngó sen ăn rất dòn và ngọt.

Kết bài: Em rất yêu cái hồ sen, nó vừa là cảnh đẹp của xóm làng, vừa cho con người hưởng một không khí trong lành.

3. Nếu miêu tả một em bé ngây thơ bụ bẫm đang tập đi, tập nói thì em sẽ lựa chọn những hình ảnh và chi tiết tiêu biểu, đặc sắc nào? Em sẽ miêu tả theo trình tự nào?

Gợi ý:

Mở bài:

Bé Vi năm nay mới vừa tròn 14 tháng tuổi. Bé đang tập đi, tập nói, cả nhà ai cũng quan tâm, cưng chiều.

Thân bài:

- Dáng người tròn trịa, khỏe mạnh, chân tay bụ bẫm có những ngấn rất đẹp, rất dễ thương.

- Khuôn mặt tròn bầu bĩnh, đôi má phúng phính, đôi mắt to đen, miệng tươi như nụ hoa hồng, làn da trắng mịn, hồng hào.

- Tính tình bé Vi thật dễ mến. Em thường hay nhoẻn miệng cười và không hay vòi vĩnh ăn quà vặt. Em không ăn tham, mỗi khi mẹ đi chợ về có bánh là chia đều cho mọi người.

- Em nói chưa sõi, nhưng rất thích hát theo nhạc trên ti vi.

- Bé tập đi từng bước một. Em đứng dựa vào tường khi mẹ vẫy, giơ hai tay lên rồi cố bước đi, được mấy bước đã uỵch xuống.

Kết bài:

- Bé Vi là niềm vui, là nụ cười của cả nhà. Em rất yêu mến bé Vi. Em sẽ chăm sóc cho bé chóng lớn để dẫn bé đi chơi.

4. Đoạn văn tự sự và đoạn văn miêu tả.

a. Bài học đường đời đầu tiên:

- Đoạn văn tự sự:

"... Một tai hoạ đến mà đứa ích kỷ thì không thể biết trước được. Đó là: không trông thấy tôi, nhưng chị Cốc đã trông thấy Dế Choắt đang loay hoay trong cửa hang. Chị Cốc liên quát lớn:

- Mày nói gì?

- Lạy chị, em nói gì đâu!

Rồi Dế Choắt lủi vào.

- Chối hả? Chối này! Chối này!

Mỗi câu "Chối này” chị Cốc lại giáng một mỏ xuống. Mỏ Cốc như cái dùi sắt, chọc xuyên cả đất. Rúc trong hang mà bị trúng hai mỏ. Choắt quẹo xương sống lăn ra kêu váng. Núp tận đáy đất mà tôi cũng khiếp, nằm in thin thít. Như đã hả cơn tức, chị Cốc đứng rỉa lông cánh một lát nữa rồi lại bay là xuống đầm nước, không chút để ý cảnh khổ đau vừa gây ra.

Biết chị Cốc đã đi rồi, tôi mới mon men bò lên. Trông thấy tôi, Dế Choắt khóc thảm thiết...”.

Các đoạn văn tự sự giúp người đọc theo dõi diễn biến của câu chuyện, nắm được mạch truyện, biết được hành động, tính cách của các nhân vật trong chuyện.

- Đoạn văn miêu tả:

"Cái chàng Dế Choắt người gầy gò và dài lêu nghêu như một gã nghiện thuốc phiện. Đã thanh niên rồi mà cánh ngắn củn đến giữa lưng, hở cả mạn sườn như người cởi trần mặc áo ghi lê. Đôi càng bè bè, nặng nề trông rất xấu. Râu ria gì mà cụt có một mẩu mà mặt mũi thì lúc nào cũng ngẩn ngẩn, ngơ ngơ".

Đoạn văn miêu tả dùng nhiều câu so sánh ví von:

+ “Gầy gò dài lêu nghêu như gã nghiện thuốc phiện”.

+ “Cánh chỉ ngắn củn đến giữa lưng, hở cả mạn sườn như người cởi trần mặc áo ghi lê”.

b. Bài "Buổi học cuối cùng"

Đoạn văn tự sự:

"Tôi bước qua ghế dài và ngồi ngay xuống trước bàn mình. Chỉ đến lúc ấy, đã hơi hoàn hồn, tôi mới nhận ra thầy giáo chúng tôi mặc chiếc áo rơ đanh-gốt màu xanh lục, diềm lá sen gấp nếp và đội cả mũ tròn bằng lụa đen thêu mà thầy chỉ dùng vào những hôm có thanh tra hoặc phát phần thưởng".

Đoạn văn trên đã tái hiện cảnh chú bé Phrăng bước vào lớp học và thấy thầy giáo Ha-men.

Đoạn văn miêu tả:

"Chốc chốc, ngước mắt khỏi trang giấy, tôi thấy thầy Ha-men đứng lặng im trên bục và đăm đăm nhìn những đồ vật quanh mình như muốn mang theo trong ánh mắt toàn bộ ngôi trường nhỏ bé của thầy... Bạn nghĩ mà xem! Từ bốn mươi năm nay, thầy vẫn ngồi ở chỗ ấy, với khoảnh sân trước mặt và lớp học y nguyên không thay đổi. Có chăng những chiếc ghế dài, những bàn học dùng nhiều đã nhẵn bóng, những cây hồ đào ngoài sân đã lớn, và cây hu-blông tự tay thầy trồng giờ đây quấn quýt quanh các khung cửa sổ lên tận mái nhà. Con người tội nghiệp hẳn phải nát lòng biết mấy khi giã từ tất cả những vật ấy, khi nghe thấy tiếng người em gái đi đi lại lại, đóng hòm xiểng, ở gian phòng bên trên, vì ngày mai họ sẽ ra đi, rời khỏi xứ sở này mãi mãi..."

Đoạn văn trên đây đã miêu tả tư thế và thái độ của thầy Ha-men trước những cảnh vật, đồ vật đã gắn bó với thầy suốt hơn 40 năm qua.