I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
Thế giới thiên nhiên trong cơn mưa rào ở làng quê được cảm nhận và miêu tả thật tinh tế. Tiếng mưa rơi được gợi tả nghe rất vui tai. Câu thơ ngắn ít chữ đan cài vào nhau kết hợp với vần đã tạo nên nhạc điệu thơ.
Bài thơ miêu tả trận mưa rất ấn tượng qua cảm nhận của một chú bé đồng quê. Trời đất, cây cỏ, muông thú, côn trùng đã được thể hiện rất sinh động trong cơn mưa. Hình ảnh con người xuất hiện sau cùng đã mang lại ý nghĩa sâu sắc cho bài thơ.
Phép nhân hoá và nghệ thuật sử dụng từ láy (rối rít, cuồn cuộn, tần ngần, đu đưa, khanh khách, hả hê..) đã tạo nên những hình ảnh hồn nhiên, ngộ nghĩnh.
GHI NHỚ:
Mưa là bài thơ hay. Thế giới thiên nhiên trong cơn mưa rào được cảm nhận và miêu tả rất tinh tế. Bài thơ dùng phép nhân hoá tài tình từ "ông trời” đến cỏ cây, muông thú, côn trùng để làm sống động một trận mưa mùa hè.
Hình tượng nhân hoá "ông trời mặc áo giáp đen, cây mía múa gươm, kiến hành quân, bụi tre gỡ tóc, hàng bưởi bế lũ con...” phản ánh cái không khí khẩn trương của đất trời trước cơn mưa to ở thôn quê. Các câu thơ ngắn gồm 1, 2, 3 chữ kết hợp với nhau tạo nên một nét nhạc, gợi tiếng mưa rơi vui tai.
II. TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. Bài thơ miêu tả cơn mưa ở vùng nào? Vào mùa nào? Bố cục của bài thơ?
* Bài thơ miêu tả theo trình tự từ trước (sắp mưa) đến sau cơn mưa ở vùng đồng bằng Bắc bộ vào mùa hè. Cơn mưa ở đây thường có dông, sấm chớp, gió thổi mạnh.
* Bố cục bài thơ có thể chia làm ba phần:
- Phần 1: Từ câu đầu đến "Đầu tròn - Trọc lốc" là quang cảnh bầu trời lúc sắp mưa, mọi hoạt động của cây cối, loài vật đều trong trạng thái xao động.
- Phần 2: Từ "Chớp - Rạch ngang trời" đến "Cây lá hả hê" là cảnh tượng trong mưa.
- Phần 3: Bốn dòng thơ cuối làm nổi bật hình ảnh con người ở trong cơn mưa, bằng một hình ảnh rất ấn tượng "Đội sấm. Đội chớp”.
2. Nhận xét về thể thơ.
* "Mưa" là một bài thơ tự do, câu thơ ngắn, nhịp nhanh, dồn dập
* Các động từ chỉ các hoạt động của cỏ cây, loài vật rất khẩn trương. Tác giả đã tập trung tả lại các hiện tượng và hoạt động của giới tự nhiên:
- Trời thì nổi sấm, chớp, mưa rơi từng giọt, rồi lớn dần.
- Cây cỏ thì xao động, vật vã!
Chính nhờ những trạng thái hoạt động này mà bài thơ làm người đọc nhận ra được cơn mưa cụ thể ở đâu và vào mùa nào.
3. Tìm hiểu sự quan sát và miêu tả mỗi sự vật, mọi hoạt động trước và trong trận mưa.
a. Trước cơn mưa (sắp mưa) đàn mối bay ra, gà con tìm nơi ẩn nấp, trời tối sầm lại, gió thổi mạnh làm cho lá cây mía ngả nghiêng như múa gươm, rồi gió cuốn, bụi bay; bờ tre, cây bưởi, cây dừa, mùng tơi cũng chuyển lay dữ dội.
- Trong trận mưa thì từ giọt mưa nặng hạt, rơi lộp độp, đến đất trời mù trắng nước lẫn trong tiếng sấm chớp. Mưa vạch trên mặt sân những đường thẳng. Chú cóc nhảy ra, chó sủa... Đó là những hình ảnh âm thanh được diễn tả rất ấn tượng và đặc sắc.
b. Phép nhân hoá được sử dụng rộng rãi trong bài thơ. Một số trường hợp mang tính sáng tạo đặc biệt.
* Các hình ảnh nhân hóa đều đã góp phần tạo nên một khung cảnh như sắp bước vào cuộc chiến đấu mạnh mẽ, khẩn trương:
- Ông trời mặc áo giáp đen là cảnh mây đen phủ kín bầu trời.
- Những lá mía sắc nhọn lay động trong gió có thể hình dung như những lưỡi gươm múa lên trong tay các chiến sĩ.
- Kiến đi từng đàn có hàng lối như một đoàn quân đang hành quân.
* Phép nhân hoá ở đây làm cho câu thơ thêm sinh động, cụ thể, cho người đọc một cảm nhận thế giới cỏ cây gần gũi với con người.
"Bụi tre tần ngần gỡ tóc, hàng bưởi đu đưa bế lũ con đầu tròn trọc lốc, sấm ghé xuống sân khanh khách cười, cây dừa sải tay, ngọn mùng tơi nhảy múa".
- Đây là kết quả của sự quan sát tinh tế kết hợp với khả năng liên tưởng phong phú ngộ nghĩnh nơi tác giả nhỏ tuổi Trần Đăng Khoa.
* Tâm hồn trẻ thơ được phả vào thiên nhiên một cách độc đáo, hồn nhiên. Cảm nhận thiên nhiên của Trần Đăng Khoa trong bài thơ này rất hồn nhiên, thơ trẻ. Nhà thơ nhân hoá một cách tài tình cảnh vật, biến cỏ cây, côn trùng thành những nhân vật sống động.
4. Gần hết bài thơ miêu tả thiên nhiên, mới xuất hiện hình ảnh con người.
- Hình ảnh bốn câu thơ:
Bố em đi cày về
Đội sấm.
Đội chớp
Đội cả trời mưa
Nhằm tôn vinh, và thông cảm với sự lao động vất vả của người cha.
Người cha đi cày về dưới trời mưa đã được nhà thơ miêu tả như đội cả sấm, chớp, cả trời mưa. Các câu thơ này đã dựng nên một hình ảnh con người có tầm vóc lớn lao, tư thế hiên ngang, sức mạnh to lớn ngang tầm với thiên nhiên, vũ trụ.
Những câu thơ trên được miêu tả theo phương pháp "ẩn dụ".
II. LUYỆN TẬP:
1. Học thuộc lòng đoạn thơ trong sách giáo khoa.
2. Quan sát và miêu tả cảnh mưa rào ở thành phố, vùng núi, vùng biển hoặc mưa xuân ở làng quê.
Cảnh mưa xuân ở làng quê.
"Đợt gió mùa đông bắc vừa chấm dứt thì những trận mưa xuân bắt đầu...
Những ngày gần Tết, đều có mưa, mưa không to, mà chỉ có những giọt nước li ti rắc xuống đồng ruộng, mái nhà, đường sá.
Trên con đường trong làng, bùn đất nhão nhẹt, trơn như đổ mỡ. Hai bên vệ đường cỏ mọc xanh rì như giơ tay lên đỡ lấy mưa xuân.
Trên những mái nhà màu vàng sẫm, những làn khói mỏng pha lẫn với mưa xuân thành một lớp màu trắng phủ lấy cảnh vật. Trời chỉ hé nắng một lúc rồi lại sẫm lại, nhưng cỏ cây hoa lá trong vườn thì tươi xanh, nở hoa, nẩy lộc.
Cây đào ở góc vườn như khoe sắc, nó phô ra một màu hồng nhạt trước gió xuân. Thỉnh thoảng một cánh hoa nhỏ bay theo gió vào gốc cây cau hoà lẫn với màu trắng của hoa cau rụng đầy mặt đất.
Ngoài kia cánh đồng hoa màu phơi sắc xanh biếc. Những cây ngô, cây mía, loáng thoáng trổ bông như dựng cờ đón mưa xuân.
Trời không rét buốt nữa, tuy vẫn còn lạnh, nên ai ra đường vẫn phải mặc áo ấm, nhưng không phải quàng áo mưa vì mưa xuân không ướt quần áo”.