I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
Bài văn miêu tả các loài chim rất sinh động, tự nhiên và hấp dẫn. Tác giả chỉ nêu những nét nổi bật về màu sắc, hình dáng, hoặc đặc điểm tập tính của chúng.
Qua sự miêu tả các loài chim trong bài văn tác giả đã thể hiện một vốn hiểu biết phong phú, tỉ mỉ về các loài chim và thể hiện tình cảm gắn bó với thiên nhiên làng quê.
Kết hợp tả và kể, miêu tả ngoại hình qua hành động làm cho câu văn thêm sinh động.
Các loài chim được miêu tả một cách tự nhiên; tác giả chọn mỗi loài vật một vài nét nổi bật, đáng chú ý về tiếng kêu hoặc về màu sắc, hình dáng, hoặc về đặc điểm, tập tính của chúng.
GHI NHỚ:
Kết hợp tả với kể, tác giả đã làm cho bài văn rất sinh động khi nói đến các loài chim.
Các loài chim đã được tả theo hai nhóm: nhóm có quan hệ gần gũi cùng họ với nhau. Đó là loại chim lành, mang niềm vui đến cho con người như : bồ các, sáo, tu hú, chim ngói... và nhóm thứ hai là loài chim dữ mà tác giả đã tả chúng trong cuộc giao tranh như: chim cắt, diều hâu, quạ...
Qua bài văn ta thấy mến yêu những con chim làm vui cho cuộc sống. Từ đó thấy được trách nhiệm của mình phải bảo vệ loài chim.
II. TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. Bài văn tả và kể về các loài chim ở làng quê theo một trình tự nào...?
Bài văn tả và kể về các loài chim ở làng quê theo một trình tự tương đối chặt chẽ và hợp lí.
Đoạn văn ngắn mở đầu gợi tả khung cảnh làng quê vào đầu mùa hè với những màu sắc, hương thơm của các loài hoa cùng với vẻ rộn ràng, xôn xao của bướm ong. Từ tiếng kêu con bồ các bay ngang qua sân, tác giả dẫn một cách tự nhiên đoạn tả và kể về các loài chim...
a. Trình tự tên các loài chim được tả và kể trong bài văn:
- Bồ các, chim ri, sáo sậu, sáo đen, tu hú, chim ngói, nhạn, bìm bịp
- Diều hâu, chèo bẻo, quạ đen, quạ khoang, chim sắt
b. Các loài chim được tả theo nhóm có quan hệ gần gũi hoặc cùng họ với nhau.
- Một nhóm là các con chim lành thường mang niềm vui đến cho mọi người như : bồ các, sáo, tu hú, chim ri, chim ngói, bìm bịp.
- Một nhóm là các con chim dữ như: diều hâu, quạ, cắt. Trong các nhóm này, chèo bẻo là loài chim dám đánh loài chim dữ.
c. Cách dẫn dắt lời kể và tả:
Đoạn tả loài chim dữ không tả riêng từng con mà tả chung trong cuộc giao tranh làm hiện lên hình ảnh và đặc điểm của mỗi loài một cách cụ thể, sinh động. Mạch kể giữa loài chim hiền và các loài chim ác được nối tiếp bằng sự xuất hiện các loài chim ngói, bìm bịp...
2. Về nghệ thuật miêu tả các loài chim:
a. Chúng được miêu tả một cách tự nhiên và chọn mỗi loài vật một vài nét nổi bật, đáng chú ý về tiếng kêu hoặc về màu sắc, hình dáng, hoặc về đặc điểm, tập tính của chúng.
Ví dụ: Bồ các thì kêu "các... các", sáo thì hót, học nói, được người nuôi, nên gần người. Các loài chim ác như diều hâu, quạ, cắt thì miêu tả qua hoạt động bắt gà con, bị chèo bẻo đuổi đánh v. v...
b. Kết hợp tả và kể (chuyện con sáo nhà bác Vui học nói tọ tọe, chuyện về sự tích con bìm bịp), miêu tả ngoại hình qua hành động (diều hâu, chèo bẻo, quạ, cắt) làm cho câu văn thêm sinh động.
c. Các loài chim được đặt trong môi trường hoạt động vừa được tả riêng từng loài, tả xen kẽ trong mối quan hệ giữa các loài chim.
- Tả bồ các vừa bay vừa kêu như bị ai đuổi đánh, nhạn vùng vẫy tít mây xanh "chí chóe”, tu hú đỗ ngọn cây mà kêu, bìm bịp suốt ngày đêm rúc trong bụi cây.
- Tả riêng từng loài: chim ri, sáo sậu, sáo đen.
- Tả xen kẽ trong mối quan hệ giữa các loài chim.
"Chim ri là dì sáo sậu. Sáo sậu là cậu sáo đen”. "Cùng họ với diều hâu là quạ, quạ khoang..."
3. Bài văn thấm đượm chất văn hoá dân gian:
- Câu hát đồng dao: "Bồ các là bác chim ri... là chú bồ các".
- Dùng thành ngữ : "Kẻ cắp bà già gặp nhau";
"Lia thia láu láu như quạ vào chuồng lợn";
"Dây mơ rễ má”.
- Truyện cổ tích: "Sự tích con chim bìm bịp".
Cách tả này có điểm đặc sắc là dễ nhớ, sinh động, đó là cách nhìn chúng trong mối quan hệ với con người làm công việc nhà nông. Đó là sự thiện cảm hay ác cảm đối với từng loại chim theo quan niệm lâu đời trong dân gian nên gán cho một con chim có phẩm chất như con người. Vì vậy bên cạnh những nhận xét hồn nhiên, chất phác đáng yêu thì cũng còn những hạn chế về cách nhìn định kiến thiếu căn cứ khoa học. (Bồ các là bác chim ri... chèo bẻo là kẻ cắp... )
4. Bài văn đã cho ta những hiểu biết mới về thiên nhiên:
Trong các loài chim có loài hiền lành mang tiếng hót làm vui cho con người.
Nhưng cũng có loài thì hại cho việc chăn nuôi gia cầm trong gia đình. Có loài như chim sáo rất có ích cho việc trồng lúa (bắt sâu bọ, cào cào, không giẫm lúa).
Không chỉ cho ta trồng trọt, chăn nuôi để lấy lương thực thực phẩm nuôi sống con người, thiên nhiên còn cho ta niềm vui sống như chim cho ta tiếng hót vui tai, cho ta hình ảnh bay nhảy ngoạn mục...
III. LUYỆN TẬP
Quan sát và miêu tả một loài chim quen thuộc ở quê em.
Quê em là một vùng trung du có rất nhiều chim chào mào, chúng sống từng đôi nhưng rất đông. Chúng không ăn lương thực như thóc, gạo mà ăn quả đa, quả thị. Hằng năm cứ mỗi độ xuân về, khi cây gạo nở hoa đỏ rực thì chim bay về, suốt ngày tìm ăn mật ở đài hoa. Vào mùa hè chúng làm tổ trên cây cao rất kín đáo. Gọi là chào mào vì trên đầu nó có cái mào bằng lông màu nâu. Thân hình nó thon thả có lông đuôi rất dài và dưới đuôi có một đám lông màu đỏ. Vì vậy, người ta gọi "chào mào đỏ đuôi".
Sáo đen thì như gà con rất dễ nuôi, cho nó ăn cào cào, châu chấu, chuối cam. Nó ít hót nhưng nuôi lâu ta có thể dạy nó hót. Khác với sáo đen chào mào nuôi lâu quen người nhưng thả ra vẫn bay đi mất.