I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. "...Đọc Cây Bút Thần, ta không khỏi kinh ngạc trước sự phong phú, bay bổng, kì diệu của trí tưởng tượng nhân dân. Chỉ chưa đầy năm trang sách mà cả một thế giới đậm màu cổ tích với biết bao điều biến hóa kì ảo hiện ra. Tuy nhiên, đằng sau lớp sương mờ cổ tích ấy, ta vẫn bắt gặp bóng dáng của một cuộc đấu tranh quyết liệt giữa cái Thiện và cái Ác.

Cái Thiện sẽ thắng cái Ác. Công lí, lẽ phải sẽ thuộc về nhân dân. Đọc truyện Cây Bút Thần ta càng tin như vậy.

Bây giờ, chúng ta hãy trở lại một chút với hình ảnh "cây bút thần". Không còn nghi ngờ gì nữa, bút thần quả là một báu vật linh thiêng. Những báu vật như thế, đã từng có trong nhiều truyện cổ tích khác, đó là: đũa thân, nước thần, nhẫn thần, thảm thần. Nhưng ở đây, báu vật ấy lại là "cây bút thần".

Sáng tạo nên một cậu bé - họa sĩ tài năng, phải chăng tác giả dân gian còn muốn đề cao sức mạnh của một nền nghệ thuật tài năng trong cuộc đấu tranh vì tự do, hạnh phúc của con người?"

(Phân tích - bình giảng tác phẩm văn học 7)

Chuyện kể về một chú bé họa sĩ nghèo, cha mẹ mất sớm, nhưng rất ham thích học vẽ. Em đã dùng cây bút thần để vẽ thành các đồ dùng cho người nghèo trong làng như cày, cuốc, đèn, thùng... Nhưng em nhất quyết không chịu vẽ bất cứ một thứ gì cho tên địa chủ giàu có, khiến hắn tức giận, nhốt em vào chuồng ngựa. Nhờ cây bút thần, em đã thoát khỏi tay tên địa chủ, và khi hắn đuổi theo, em đã dùng bút thần vẽ cung tên để trừng trị hắn. Đến khi bị bắt vào hoàng cung, vừa dùng trí thông minh kết hợp với sức mạnh của cây bút thần, em đã lừa vua và triều đình ra biển khơi để cho sóng biển dìm chết tên vua tàn ác và cả quần thần của hắn. Em lại trở về với cuộc sống dân dã, đi khắp đó đây để vẽ cho những người nghèo khổ.

2. Truyện dẫn dắt khéo, có nhiều kịch tính, đặc biệt ở hai đoạn khi Mã Lương đối đầu với tên địa chủ và tên vua (chi tiết cò trong tranh bay được đã nối hai đoạn truyện rất khéo và thú vị), lại sử dụng thành công nghệ thuật đối lập (vẽ rồng thành cóc ghẻ, vẽ phượng thành gà trụi lông...) khiến cho truyện sinh động và hấp dẫn.

- Chi tiết hoang đường đan xen với những chi tiết đời thường tạo ra một thế giới đậm màu cổ tích với biết bao điều biến hóa kì ảo nhưng vẫn gần gũi với cuộc sống của người dân lao động (Mã Lương vẽ tranh bán là rất đời thường, nhưng khi đánh rơi giọt mực xuống, con cò mở mắt, xòe cánh bay đi thì lại hoang đường, li kì, thú vị...)

- Trí tưởng tượng phong phú và độc đáo của dân gian đã sáng tạo ra cuộc phiêu lưu - trừng trị kẻ ác của Mã Lương thật thú vị, kì diệu và sống động nên hình ảnh "cây bút thần" càng giàu ý nghĩa nhân văn. Đó là một báu vật linh thiêng giống như đũa thần, gậy thần... là báu vật của nghệ thuật chân chính.

II. TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Mã Lương thuộc kiểu nhân vật nào trong truyện cổ tích? Hãy kể tên một số nhân vật tương tự.

- Mã Lương thuộc kiểu nhân vật tuy nhỏ tuổi nhưng có tài năng kì lạ.

- Một số nhân vật tương tự trong truyện cổ như: chú bé trong truyện Em Bé Thông Minh, Thánh Gióng trong Truyền thuyết Thánh Gióng...

2. Những điều gì đã giúp cho Mã Lương có tài vẽ giỏi như vậy? Những điều ấy có quan hệ với nhau ra sao?

*Những điều sau đây đã giúp cho Mã Lương vẽ giỏi:

- Mã Lương say mê môn vẽ từ nhỏ.

- Em dốc lòng học vẽ và hàng ngày chăm chỉ luyện tập.

- Em tập vẽ trong khi đang làm các công việc khác nhau như kiếm củi, cắt cỏ...

- Em tận dụng mọi vật dụng để vẽ: dùng que vẽ xuống đất, dùng tay nhúng nước vẽ lên đá, về nhà vẽ lên tường...

- Em học vẽ miệt mài không bỏ phí một ngày nào.

*Mã Lương được thần cho một cây bút thần bằng vàng. Cây bút giúp cho mọi vật em vẽ ra đều trở thành những sinh vật, những vật thể sống động và trở nên có thực có thể dùng để phục vụ cuộc sống con người.

- Hai điều trên có quan hệ chặt chẽ với nhau: niềm say mê vẽ và kiên trì tập luyện của em đã làm cho thần linh cảm động mà hiện ra cho cây bút thần và cũng phải là người có niềm đam mê, có ý chí rèn luyện như em mới có thể tận dụng được sự mầu nhiệm của cây bút thần để vẽ nên những bức tranh kì lạ.

3. Mã Lương đã dùng cây bút thần vẽ cho người nghèo khổ nào là cày, là cuốc, là đàn, là thùng múc nước...

Như thế là Mã Lương đã giúp đỡ những người nghèo vơi bớt đi những khó khăn thiếu thốn trong cuộc sống. Mã Lương không vẽ cho họ thóc, nhà cửa, vàng bạc, châu báu mà chỉ về những vật dụng cần thiết dùng để lao động sản xuất và để thuận lợi trong sinh hoạt. Mã Lương vẫn muốn họ tự cầm cày cầm cuốc để làm ra lúa gạo, tự mình gánh nước để dùng. Như vậy là để tránh cho mọi người tư tưởng ỷ lại và cách sống lười biếng, tham lam. Đó là cách sống lương thiện hợp với đạo lí ở đời.

Những kẻ giàu sang tham lam, độc ác bắt em vẽ theo ý muốn của chúng để chúng có nhiều vàng bạc châu báu, nhưng em cự tuyệt và bỏ trốn. Khi bị tên địa chủ đuổi gấp quá, Mã Lương dùng cây bút thần vẽ ra cung tên để bắn chết hắn.

Khi tên vua hung bạo muốn em vẽ rồng, em vẽ cho nó một con cóc ghẻ. Nó đòi vẽ phượng, em vẽ một con gà trụi lông. Hai con vật xấu xí hôi thối này làm ô uế cả cung vua.

Vua cướp cây bút thần của em để vẽ vàng thì chỉ được toàn đá và rắn.

Khi tên vua này muốn vẽ biển, thuyền và gió cho hắn, Mã Lương đã chiều theo ý hắn nhưng rồi vẽ ra bão táp phong ba để chôn vùi cả bọn vua quan dưới nước biển sâu.

4. Truyện kể này được xây dựng theo trí tưởng tượng rất phong phú và độc đáo của nhân dân.

Truyện có nhiều chi tiết lí thú và gợi cảm như:

- Mã Lương vẽ chim, chim tung cánh bay lên; vẽ cá, cá vẫy đuôi bơi lượn

- Mã Lương bị giam đã vẽ lò lửa để sưởi, bánh nướng để ăn và thang để vượt tường rồi vẽ ngựa để chạy, vẽ cung tên để diệt kẻ gian ác, vẽ ra gió nước và gió giật sóng dâng để dìm chết bọn vua quan...

5. Ý nghĩa của truyện:

Truyện này có ý nghĩa thật sâu xa:

- Muốn có tài năng nghệ thuật thì con người phải ra công rèn luyện, và nghệ thuật phải có một mục đích phục vụ thật tốt đẹp đem lại lợi ích cho đời sống nhân dân.

- Truyện cũng nói lên niềm mơ ước của nhân dân về những khả năng kì diệu của con người đồng thời nói lên quan niệm về công lí ở trên đời. Theo quan niệm này những kẻ có quyền lực nhưng độc ác và gian tham phải bị trừng trị thích đáng.