I. KIẾN THỨC CƠ BẢN:

Cái đáng cười trong truyện "Treo biển" là tác giả văn học dân gian đã tạo nên một tình huống trái tự nhiên, vô lí, hụt hẫng. Tấm biển ghi rất hợp lí, nhưng rồi bốn người khác lại lần lượt góp ý kiến một cách phiến diện và người chủ thì tiếp thu một cách "không suy nghĩ" nên làm trò cười cho thiện hạ.

Truyện kể bốn vị khách "góp ý" về tấm biển ở cửa hàng bán cá. Mỗi lần có người góp ý là nhà hàng nghe và bỏ ngay "chữ thừa" đi. Người ta cười vì cửa hàng không suy xét, ngẫm nghĩ gì.

Treo biển là một câu chuyện, một bài học từ nó toát ra những diễn biến tức cười đầy bất ngờ của sự việc. Tính hài hước, dí dỏm giúp cho nội dung bài học được tiếp thu dễ dàng.

Nghệ thuật gây cười của truyện có hai mặt:

- Một mặt là lời góp ý của bốn người qua đường chỉ chú ý đến một thành phần câu cho nên trở nên phiến diện, lệch lạc.

- Mặt khác truyện còn đáng cười hơn là người chủ hiệu treo bảng quảng cáo mà không hiểu treo bảng để làm gì, cho nên chẳng có chủ kiến gì.

Suy cho cùng người góp ý kiến không có lỗi mà lỗi chính là ở người nghe không biết suy xét cứ gật đầu tiếp thu một cách giáo điều...

Nghệ thuật của truyện tạo ra tiếng cười thú vị bởi những kết cấu tài tình ấy.

Ghi nhớ: Làm việc gì được người khác góp ý không nên vội vàng hành động ngay theo sự "phán bảo” của người nếu chưa suy xét kĩ.

Làm việc gì cũng có chủ kiến và biết tiếp thu chọn lọc những ý kiến của người khác.

Đối với học sinh chúng ta có thể rút ra việc viết văn, làm văn cần phải biết dùng từ có nghĩa, có lượng thông tin cần thiết, không có chữ thừa. Và nếu được các bạn góp ý kiến thì bình tĩnh và phải có sự phân tích trong việc tiếp thu.

II. TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Các yếu tố và vai trò của nội dung tấm biển:

* Có bốn yếu tố đó là những thông tin cần thiết cho một cửa hàng buôn bán.

* Vai trò của mỗi yếu tố như sau:

- "Ở đây" thông tin về địa điểm.

- "Có bán" thông tin về hoạt động kinh doanh.

- "Cá" thông tin về đối tượng mua bán.

- "Tươi" thông tin về chất lượng hàng hoá.

2. Số người góp ý, ý kiến của họ?

* Có 4 người "góp ý" về cái biển ở cửa hàng cá.

* Nhận xét các ý kiến:

+ Người thứ nhất: bỏ chữ "tươi". Vì chẳng nhẽ nhà này xưa nay chỉ bán cá ươn hay sao?

+ Người thứ hai: bỏ chữ "ở đây". Vì chẳng nhẽ người ta ra hàng hoa mua cá hay sao?

+ Người thứ ba: bỏ hai chữ "có bán". Vì không lẽ bày cá ra để khoe hay sao?

Rốt cục cái biển quảng cáo chỉ còn lại là "cá".

Đến đây thì chữ nghĩa đã đến mức tối giản và tưởng không ai còn chê được nữa.

Thế nhưng vài hôm sau, người láng giềng góp ý kiến xem ra có lí: "Chưa đi đến đầu phố đã ngửi mùi tanh đến gần thấy đầy những cá, ai chẳng biết mà để biển làm gì nữa?".

Thế là chủ hàng đem cất biển đi.

3. Những chi tiết làm em phải cười, và cái đáng cười bộc lộ rõ nhất là gì?

Đây là truyện hài hước, mua vui. Hiện tượng gây ra cái cười là những lời góp ý của từng người, nếu tách ra thì có vẻ hợp lí, nhưng gộp lại thì dẫn đến kết quả là không còn chữ nào đáng để lại, phải cất cái biển quảng cáo đi! Những người góp ý trở nên "phiến diện, một chiều", còn người chủ trở thành "ba phải". Đó là chỗ đáng cười nhất vì là người chủ mà chẳng có chủ kiến gì cả, một hành động bất bình thường.

III. LUYỆN TẬP:

Nếu em là người được chủ cửa hàng nhờ làm lại cái biển, em sẽ cám ơn sự chân tình của những người góp ý, nhưng vẫn giữ và treo tấm biển quảng cáo đó. Nếu có lí do chính đáng cần phải sửa đổi, thì có lẽ tấm biển chỉ cần ghi bốn chữ:

"CỬA HÀNG BÁN CÁ"

Nhưng như thế thì không còn tiếng cười. Phải có năm nhân vật xoay quanh sáu chữ của tấm biển quảng cáo mà họ lần lượt góp ý kiến vì tưởng rằng mình thông minh nhưng thật ra là rất phiến diện, giáo điều để cuối cùng là xoá bỏ hết.

Qua truyện này, có thể rút ra bài học về cách dùng từ là phải biết chọn lọc sao cho có số lượng từ cung cấp thông tin xác thực.