I. TỔNG KẾT VỀ VĂN HỌC

1. Các văn bản (tác phẩm) đã học (đọc - hiểu) trong năm học:

- Con Rồng cháu Tiên (Truyền thuyết)

- Bánh chưng, bánh giầy (Truyền thuyết)

- Sơn Tinh, Thủy Tinh (Truyền thuyết)

- Sự tích Hồ Gươm (Truyền thuyết)

- Sọ Dừa (Truyện cổ tích)

- Thạch Sanh (Truyện cổ tích)

- Em bé thông minh (Truyện cổ tích)

- Cây bút thần (Truyện cổ tích Trung Quốc)

- Ông lão đánh cá và con cá vàng (Truyện cổ tích Nga)

- Ếch ngồi đáy giếng (Truyện ngụ ngôn)

- Thầy bói xem voi (Truyện ngụ ngôn)

- Đeo nhạc cho mèo (Truyện ngụ ngôn)

- Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng (Truyện ngụ ngôn)

- Treo biển (Truyện cười)

- Lợn cưới áo mới (Truyện cười)

- Con hổ có nghĩa (Truyện Trung đại Việt Nam)

- Mẹ hiền dạy con (Truyện Trung đại Trung Quốc)

- Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng (Truyện Trung đại Việt Nam)

- Bài học đường đời đầu tiên (Truyện dài)

(Trích Dế Mèn phiêu lưu kí)

- Sông nước Cà Mau (Trích truyện Đất rừng phương Nam)

- Bức tranh của em gái tôi (Truyện ngắn)

- Vượt thác (Truyện ngắn)

- Buổi học cuối cùng (Truyện ngắn Pháp)

- Đêm nay Bác không ngủ (Thơ)

- Lượm (Thơ)

- Mưa (Thơ)

- Cô Tô (Kí)

- Cây tre Việt Nam (Kí)

- Lòng yêu nước (Tuỳ bút)

- Lao xao (Hồi kí tự truyện)

- Cầu Long Biên - Chứng nhân lịch sử (Kí)

- Bức thư của thủ lĩnh da đỏ (Văn bản nhật dụng)

- Động Phong Nha (Văn bản nhật dụng)

2. Trả lời câu hỏi (dựa vào các chú thích có dấu sao ở các bài 1, 5, 10, 12, 14, 29):

Truyền thuyết: loại truyện dân gian truyền miệng kể về các nhân vật và sự kiện có liên quan đến lịch sử thời quá khứ, thường có yếu tố tưởng tượng, kì ảo. Truyền thuyết thể hiện thái độ và cách đánh giá của nhân dân đối với các sự kiện và nhân vật lịch sử được kể.

Truyện cổ tích: loại truyện truyền miệng dân gian thời xưa kể về cuộc đời của một số kiểu nhân vật quen thuộc:

- Nhân vật bất hạnh (như người mồ côi, người con riêng, người em út, người có hình dáng xấu xí...)

- Nhân vật dũng sĩ và nhân vật có tài năng kì lạ.

- Nhân vật là động vật (con vật biết nói năng, hoạt động, tính cách như con người).

Truyện cổ tích: thường có yếu tố hoang đường, thể hiện ước mơ, niềm tin của nhân dân về chiến thắng cuối cùng của lòng nhân ái, lẽ phải, sự công bằng đối với gian tham, bất công, của cái thiện đối với cái ác. Truyện ngụ ngôn: loại truyện kể bằng văn xuôi hoặc văn vần, mượn chuyện về loài vật, đồ vật hoặc về chính con người để nói bóng gió, kín đáo chuyện con người, nhằm khuyên nhủ, răn dạy người ta bài học nào đó trong cuộc sống.

Truyện cười: truyện kể về những hiện tượng đáng cười trong cuộc sống nhằm tạo ra tiếng cười mua vui hoặc phê phán những thói hư, thói xấu trong xã hội.

Truyện Trung đại: truyện nhiều khi gần với kí (ghi chép sự việc), với sử (ghi chép chuyện thật) và có thể hư cấu, thường mang tính giáo huấn. Cốt truyện nhìn chung còn đơn giản. Nhân vật thường được miêu tả chủ yếu qua hành động và ngôn ngữ.

Văn bản nhật dụng: đó là những bài viết có nội dung gần gũi, đề cập đến những vấn đề bức thiết đối với cuộc sống trước mắt của con người và cộng đồng trong xã hội hiện nay như: thiên nhiên, môi trường, năng lượng, dân số, quyền trẻ em, ma tuý và tác hại của các tệ nạn xã hội.

3. Thống kê các văn bản truyện:

1. Con Rồng cháu Tiên:

* Nhân vật chính: Lạc Long Quân, Âu Cơ

* Tính cách và vị trí, ý nghĩa của nhân vật chính: Tính cách khác nhau; ở rừng, ở biển. Câu chuyện kể về nguồn gốc người Việt

2. Bánh chưng bánh giầy:

* Nhân vật chính: Lang Liêu

* Tính cách và vị trí, ý nghĩa của nhân vật chính: Giải thích nguồn gốc sự vật, đề cao nghề nông, sự thờ kính tổ tiên, trời đất vào dịp Tết (tục làm bánh chưng bánh giầy).

3. Thánh Gióng:

* Nhân vật chính: Thánh Gióng

* Tính cách và vị trí, ý nghĩa của nhân vật chính: Biểu hiện ước mơ hòa bình của nhân dân và lòng yêu nước chống ngoại xâm.

4. Sơn Tinh Thủy Tinh:

* Nhân vật chính: Sơn Tinh, Thủy Tinh

* Tính cách và vị trí, ý nghĩa của nhân vật chính: Phản ánh và giải thích hiện tượng lũ lụt hàng năm. Và ước mong của nhân dân trong việc chống thiên tai, chế ngự tự nhiên.

5. Sự tích Hồ Gươm:

* Nhân vật chính: Lê Lợi

* Tính cách và vị trí, ý nghĩa của nhân vật chính: Giữ vai trò phát triển tình tiết của truyện trong bối cảnh chống quân Minh xâm lược và giải thích ý nghĩa hồ "Hoàn Kiếm".

6. Sọ Dừa:

* Nhân vật chính: Sọ Dừa

* Tính cách và vị trí, ý nghĩa của nhân vật chính: Có hình dáng xấu xí nhưng tài giỏi tốt đẹp. Truyện đề cao gía trị nhân bản của những con người bất hạnh.

7. Thạch Sanh:

* Nhân vật chính: Thạch Sanh, Lý Thông

* Tính cách và vị trí, ý nghĩa của nhân vật chính: Có tính cách khác nhau tạo nên cốt truyện nhằm đề cao người dũng sĩ diệt yêu quái cứu dân. Mặt khác lên án kẻ bất lương, và thể hiện lí tưởng nhân đạo của nhân dân.

8. Em bé thông minh:

* Nhân vật chính: Em bé thông minh

* Tính cách và vị trí, ý nghĩa của nhân vật chính: Là một em bé nhưng có trí thông minh kì lạ. Truyện đề cao trí khôn và tạo ra tiếng cười vui vẻ, hồn nhiên.

9. Cây bút thần:

* Nhân vật chính: Mã Lương

* Tính cách và vị trí, ý nghĩa của nhân vật chính: Là một em bé nhưng có tài năng kì lạ vì được thần giúp đỡ. Truyện thể hiện ước mơ con người có những khả năng kì diệu, để xử trí trước những điều bất công, bạo ngược.

10. Ông lão đánh cá và con cá vàng:

* Nhân vật chính: Ông lão và mụ vợ

* Tính cách và vị trí, ý nghĩa của nhân vật chính: Hai nhân vật biểu hiện tính cách khác nhau: hiền lành, nhẫn nhục; tham lam, độc ác. Truyện ca ngợi lòng nhân hậu và lên án kẻ tham lam bội bạc.

11. Ếch ngồi đáy giếng:

* Nhân vật chính: Con ếch

* Tính cách và vị trí, ý nghĩa của nhân vật chính: Hiểu cuộc sống một cách nông cạn, nhỏ hẹp; khoác lác, huênh hoang nên phải trả giá bằng cái chết. Truyện khuyên người ta phải mở rộng sự hiểu biết của mình không được chủ quan kiêu ngạo.

12. Thầy bói xem voi:

* Nhân vật chính: Năm thầy bói

* Tính cách và vị trí, ý nghĩa của nhân vật chính: Chế giễu các thầy bói mù xem voi rồi phán về voi, nên xảy ra đánh nhau sứt đầu mẻ trán. Truyện đưa ra lời khuyên: "Khi nhận xét điều gì cần phải tránh bệnh phiến diện, hời hợt".

13. Đeo nhạc cho mèo:

* Nhân vật chính: Các con chuột

* Tính cách và vị trí, ý nghĩa của nhân vật chính: Truyện phê phán những ý tưởng viển vông của họ hàng nhà chuột họp nhau lại bàn chuyện đeo nhạc vào cổ mèo, nhưng không có khả năng thực hiện. Truyện phê phán những ý tưởng vu vơ không thực tế.

14. Chân, tay, tai, mắt, miệng:

* Nhân vật chính: Chân, tay, tai, mắt, miệng

* Tính cách và vị trí, ý nghĩa của nhân vật chính: Là những bộ phận trên cơ thể con người so bì với nhau dẫn đến hiện tượng rã rời, mệt mỏi, không thể sống nổi. Truyện đưa ra lời khuyên: "Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người".

15. Treo biển:

* Nhân vật chính: Người chủ cửa hàng

* Tính cách và vị trí, ý nghĩa của nhân vật chính: Là nụ cười phê phán nhẹ nhàng người chủ cửa hàng cá thiếu chủ kiến trong việc tiếp thu ý kiến về treo cái biển bán hàng.

16. Lợn cưới áo mới:

* Nhân vật chính: Hai anh chàng khoe của

* Tính cách và vị trí, ý nghĩa của nhân vật chính: Chế giễu những người có tính khoe của, một tính xấu phổ biến trong xã hội.

17. Con hổ có nghĩa:

* Nhân vật chính: Hai con hổ

* Tính cách và vị trí, ý nghĩa của nhân vật chính: Thuộc thể loại truyện Trung đại hư cấu về hai con hổ để đưa ra lời khuyên: "Con người cần sống cho có tình có nghĩa".

18. Mẹ hiền dạy con:

* Nhân vật chính: Người mẹ và người con

* Tính cách và vị trí, ý nghĩa của nhân vật chính: Nêu tấm gương sáng về tình thương con và cách dạy con. Cốt truyện đơn giản nhưng ý nghĩa rất sâu sắc làm xúc động lòng người qua những chi tiết có giá trị giáo dục.

19. Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng:

* Nhân vật chính: Người thầy thuốc, quan trung sứ và Trần Anh Vương.

* Tính cách và vị trí, ý nghĩa của nhân vật chính: Ca ngợi phẩm chất của người thầy thuốc, có tài, có đức cứu chữa người bệnh, không sợ quyền uy và tiền tài, danh vọng.

20. Bài học đường đời đầu tiên (trích Dế Mèn phiêu lưu kí):

* Nhân vật chính: Dế Mèn, Dế Choắt, chị Cốc

* Tính cách và vị trí, ý nghĩa của nhân vật chính: Dế Mèn có ngoại hình đẹp, cường tráng nhưng còn kiêu căng xốc nổi. Dế Choắt thì ốm yếu, gầy còm, sống an phận, chị Cốc thì cao ngạo độc tài. Bài văn kể lại truyện Dế Mèn tinh nghịch đi trêu chị Cốc làm cho Dế Choắt chết oan. Dế Mèn ân hận coi đây là "bài học đường đời đầu tiên".

21. Bức tranh của em gái tôi:

* Nhân vật chính: Kiều Phương và người anh

* Tính cách và vị trí, ý nghĩa của nhân vật chính: Nêu lên tình cảm trong sáng hồn nhiên của Kiều Phương, một em gái có tài hội hoạ. Lúc đầu người anh còn đố kị, ghen tị. Sau đó, người anh nhận ra sai lầm của mình.

22. Vượt thác:

* Nhân vật chính: Dượng Hương Thư

* Tính cách và vị trí, ý nghĩa của nhân vật chính: Miêu tả cảnh vượt thác của thuyền dượng Hương Thư trên sông Thu Bồn. Nghệ thuật tả cảnh đã làm nổi bật con người dượng Hương Thư đẹp như bức tượng đứng trước cảnh thiên nhiên rộng lớn hùng vĩ.

23. Buổi học cuối cùng:

* Nhân vật chính: Thầy giáo Ha-men và em Phrăng

* Tính cách và vị trí, ý nghĩa của nhân vật chính: Xây dựng thành công hai nhân vật: thầy giáo Ha-men và người học trò lười biếng nghịch ngợm. Và từ hai nhân vật này truyện đã làm nổi bật lên tình yêu nước qua việc học tập và yêu tiếng nói của dân tộc.

24. Đêm nay Bác không ngủ:

* Nhân vật chính: Bác Hồ và anh đội viên (chiến sĩ)

* Tính cách và vị trí, ý nghĩa của nhân vật chính: Hình ảnh Bác Hồ là nhân vật trung tâm qua cái nhìn và cảm nhận của anh đội viên. Qua đó người đọc cảm thấy Bác vừa cao lớn mênh mông lại vừa gần gũi ấm áp tình người.

25. Lượm:

* Nhân vật chính: Em Lượm

* Tính cách và vị trí, ý nghĩa của nhân vật chính: Ca ngợi một em bé hồn nhiên say mê tham gia kháng chiến chống Pháp. Em đã hy sinh anh dũng trên cánh đồng lúa khi đang mang thư "thượng khẩn" ra mặt trận.

4. Trong các nhân vật ở trên chọn ba nhân vật mà em thích nhất:

Gợi ý: Các em có thể chọn các nhân vật:

a. Lang Liêu: suy nghĩ tạo ra bánh chưng bánh giầy gần gũi với người lao động nông nghiệp; là một người con hiếu thảo với cuộc sống giản dị.

b. Sọ Dừa: chuyển hoá hình thức từ xấu đến đẹp, chuyển hóa hoàn cảnh từ nỗi bất hạnh đến niềm hạnh phúc.

c. Mã Lương: sống nghèo nhưng có trí lớn, thông minh, khôn ngoan, nhân hậu, sống gần gũi với mọi người.

Các nhân vật này gần gũi với cuộc sống, với con người bình thường.

5. Giữa các truyện dân gian, truyện trung đại và truyện hiện đại có những điểm giống nhau về phương thức biểu đạt:

- Dùng văn tự sự, miêu tả, biểu cảm: để thể hiện nội dung.

- Sử dụng những chi tiết tiêu biểu để làm nổi bật tính cách nhân vật.

- Có lời kể của tác giả và lời kể của nhân vật.

6 - 7. Các em làm tiếp hai câu này (theo sách giáo khoa).

II. TỔNG KẾT PHẦN TẬP LÀM VĂN

1. Hãy dẫn ra một số bài văn đã học trong chương trình, từ đó phân loại những bài văn theo phương thức biểu đạt, điền vào bảng thống kê.

Mỗi văn bản thường dùng nhiều phương thức biểu đạt, nhưng bao giờ cũng sử dụng một vài phương thức biểu đạt chính. Vì thế người ta căn cứ vào phương thức biểu đạt chính ấy để xác định loại văn bản. Từ cách hiểu này, hãy phân tích xem các tác phẩm nêu ở bài tập này dùng phương thức biểu đạt nào là chính (có thể có tác phẩm dùng hai phương thức biểu đạt chính).

Bảng thống kê dưới đây kể một số văn bản:

1. Tự sự: Con Rồng, cháu Tiên. Bánh chưng bánh giầy. Thánh Gióng. Sơn Tinh, Thuỷ Tinh. Sự tích Hồ Gươm. Sọ Dừa. Thạch Sanh. Cây bút thần. Ông lão đánh cá và con cá vàng. Bài học đường đời đầu tiên. Ếch ngồi đáy giếng.

2. Miêu tả: Bài học đường đời đầu tiên. Vượt thác. Bức tranh của em gái tôi. Đêm nay Bác không ngủ (thơ có yếu tố tự sự). Bức thư của thủ lĩnh da đỏ.

3. Biểu cảm: Buổi học cuối cùng. Cô Tô. Lượm. Mưa. Cây tre Việt Nam

4. Nghị luận: Bức thư của thủ lĩnh da đỏ

5. Thuyết minh: Cầu Long Biên - chứng nhân lịch sử. Động Phong Nha.

6. Hành chính công vụ: Cách viết đơn và sửa lỗi về đơn.

2. Hãy xác định và ghi rõ về phương thức biểu đạt chính trong các văn bản sau:

1. Thạch Sanh → Tự sự

2. Lượm → Tự sự - Biểu cảm – Miêu tả

3. Mưa → Miêu tả – Biểu cảm

4. Dế Mèn phiêu lưu kí → Tự sự - Miêu tả

5. Cây tre Việt Nam → Miêu tả - Biểu cảm

II. ĐẶC ĐIỂM VÀ CÁCH LÀM

1. Theo em, các văn bản miêu tả, tự sự (kể chuyện) và đơn từ khác nhau ở chỗ nào? So sánh mục đích, nội dung, hình thức trình bày của ba loại văn bản này.

1. Tự sự:

• Mục đích: Kể lại việc, giúp giải thích sự việc bày tỏ thái độ khen chê.

• Nội dung: Có nhân vật có cốt truyện, địa điểm, diễn biến, kết quả.

• Hình thức: Văn kể chuyện, văn xuôi, tự do. Nhân vật phải lựa chọn cho phù hợp.

2. Miêu tả:

• Mục đích: Giới thiệu miêu tả đặc điểm người, vật.

• Nội dung: Có thể có hoặc không có nhân vật. Nêu tính chất thuộc tính, trạng thái sự vật.

• Hình thức: Văn tả cảnh, tả người, văn xuôi tự do. Lựa chọn các chi tiết quan sát.

3. Đơn từ:

• Mục đích: Giao tiếp trình bày giải quyết sự việc. Đề bạt nguyện vọng.

• Nội dung: Gửi ai? Đề bạt nguyện vọng gì?

• Hình thức: Văn hành chính công vụ, theo mẫu đầy đủ các yếu tố.

2. Mỗi bài văn miêu tả hay tự sự đều có ba phần: Mở bài, Thân bài và Kết bài. Hãy nêu nội dung và những lưu ý trong cách thể hiện của từng phần.

* Tự sự:

- Mở bài: Giới thiệu chung nhân vật, sự vật.

- Thân bài: Kể diễn biến sự việc qua các tình tiết.

- Kết bài: Kết cục của sự việc; nêu suy nghĩ.

* Miêu tả:

- Mở bài: Chọn ý, câu văn để vào đề miêu tả.

- Thân bài: Sắp xếp nội dung theo trình tự nhất định.

- Kết bài: Chọn ý, câu để kết thúc.

3. Em hãy nêu mối quan hệ giữa sự việc, nhân vật và chủ đề trong văn bản tự sự.

Ví dụ:

- Trong văn bản tự sự ba yếu tố có mối quan hệ chặt chẽ với nhau là: sự việc, nhân vật, và chủ đề.

- Sự việc: là yếu tố quan trọng, cốt lõi của văn tự sự, không có sự việc thì không có tự sự.

- Nhân vật: là người làm ra sự việc, là người được nói tới trong tự sự. Như vậy nhân vật là sản phẩm của lời kể.

- Chủ đề: là vấn đề chủ yếu mà sự việc và nhân vật phải thể hiện trong câu chuyện, trong văn tự sự.

Ví dụ: Truyện Tuệ Tĩnh: chữa bệnh ưu tiên cho người bệnh nặng, chứ không ưu tiên cho người giàu sang.

4. Nhân vật trong tự sự thường được kể và miêu tả qua những yếu tố nào? Hãy nêu dẫn chứng:

- Nhân vật trong văn tự sự thường được kể và miêu tả qua những yếu tố:

hiện thực, tưởng tượng, hoang đường, kì ảo.

Cụ thể:

+ Tên gọi, đặt tên

+ Có lai lịch, tính tình, tài năng

+ Có hoạt động (việc làm, hành động, ý nghĩ, lời nói) .

+ Được miêu tả chân dung, trang phục, dáng điệu. Có thể lấy truyện "Sơn Tinh Thủy Tinh" làm dẫn chứng. Khi giới thiệu nhân vật Sơn Tinh, người ta viết: “Một hôm có hai chàng đến cầu hôn. Một người ở vùng núi Tản Viên, có tài lạ: vẫy tay về phía đông, phía đông nổi cồn bãi (...). Người ta gọi chàng là Sơn Tinh.”

5. Thứ tự kể và ngôi kể có tác dụng làm cho cách kể thêm linh hoạt như thế nào? Cho thí dụ:

- Thứ tự kể chuyện trong văn tự sự (kể chuyện đời thường, kể chuyện tưởng tượng, hay sáng tạo) thường kể theo trình tự tự nhiên của sự việc.

- Nhưng cũng có thể kể ngược trong dòng hồi tưởng cho linh hoạt, không gò bó.

- Ngôi kể là sự xác định mối quan hệ giữa người kể và sự việc được kể. Người ta có thể kể theo ngôi thứ nhất, ngôi thứ hai hay ngôi thứ ba do yêu cầu của câu chuyện kể.

- Trong yêu cầu kể chuyện đời thường, chuyện tưởng tượng, người kể thường giấu mình để kể theo ngôi thứ ba cho linh hoạt, tự do theo trí tưởng tượng của mình.

Như vậy chọn ngôi kể và thứ tự kể có tác dụng làm cho câu chuyện thêm linh hoạt và người kể không bị gò bó khi thể hiện nội dung câu chuyện.

Ví dụ 1: Ở đoạn 1 truyện Em bé thông minh, người kể theo ngôi thứ ba giấu mình đi nhưng có mặt khắp nơi.

Ví dụ 2: Đoạn 2 truyện "Dế Mèn" tác giả gọi Dế Mèn theo ngôi thứ ba, nhưng mọi cảm nhận đều là của Dế Mèn, nên vẫn tưởng tượng như ngôi thứ nhất.

6. Vì sao miêu tả đòi hỏi phải quan sát sự vật, hiện tượng và con người?

- Quan sát, tưởng tượng, so sánh và nhận xét trong văn miêu tả là những kĩ năng chung, quan trọng trong việc tả cảnh hay tả người.

- Khi viết văn miêu tả người viết thường thể hiện thái độ, tình cảm của mình đối với đối tượng được miêu tả (lựa chọn từ ngữ, thứ tự miêu tả, giọng văn và nhận xét).

7. Các phương pháp miêu tả đã học:

- Để miêu tả cho hay cần phải biết quan sát, tưởng tượng, so sánh và nhận xét đối tượng cần phải tả.

Ví dụ:

- Tả cảnh:

+ Xác định đối tượng cần miêu tả (là gì?)

+ Lựa chọn các hình ảnh tiêu biểu.

+ Trình bày các hình ảnh theo thứ tự.

- Tả người:

+ Xác định đối tượng cần miêu tả (tả ai?)

+ Lựa chọn những nét đặc sắc của đối tượng cần miêu tả, từ đó xây dựng được hình ảnh tiêu biểu của đối tượng

+ Biết trình bày hình ảnh theo thứ tự hợp lí.

- Bố cục của bài văn miêu tả thường có ba phần:

+ Mở bài: giới thiệu khái quát cảnh được tả hay người được tả.

+ Thân bài: tập trung tả cảnh vật hay các chi tiết liên tiếp xảy ra (và tả ngoại hình, hành động, lời nói).

+ Kết bài: phát biểu cảm tưởng, nhận xét về đối tượng được tả.

III. LUYỆN TẬP

1. Từ bài "Đêm nay Bác không ngủ" của Minh Huệ em hãy tưởng tượng mình là anh bộ đội đã được chứng kiến câu chuyện cảm động đó và kể lại bằng một bài văn.

"Một đêm được ở cạnh Bác Hồ"

Mùa Đông năm 1950, thời tiết khắc nghiệt, mưa phùn, gió bấc. Bộ đội ta bước vào chiến dịch chuẩn bị tấn công quân thù, tôi được chọn vào đội bảo vệ Bác đi chiến dịch.

Đêm ấy, Bác cháu nghỉ chân ở một cái lán đơn sơ của đơn vị đi trước dựng tạm để trú chân.

Cái lán trống tuềnh, trống toàng, ban đêm gió bấc ngoài rừng cứ hun hút thổi vào rất lạnh.

Thấy thế, Bác bảo mọi người đi lấy củi đốt một đống lửa thật to ở giữa lán, cho đỡ lạnh.

Khi mọi người đã đi ngủ, Bác vẫn ngồi bên đống lửa, đẩy củi cho lửa không bị tắt.

Tôi nằm phía ngoài gần đống lửa nên được nhìn Bác rất rõ ...

Bác đi lại in bóng cao lồng lộng lên nền vách nứa, người nhẹ nhàng dém chăn cho từng chiến sĩ... rồi lại ngồi xuống bên đống lửa.

Tôi ngủ thiếp đi lúc nào không rõ, bỗng tỉnh dậy thấy Bác vẫn ngồi yên lặng. Tôi thương Bác quá, Bác như người cha già, đã nhiều tuổi mà còn đi chiến dịch không biết có đủ sức khoẻ không? Tôi nhỏm dậy nói nhỏ:

- Thưa Bác, trời về khuya rất lạnh, cháu mời Bác ngả lưng cho đỡ mệt?

Bác nhìn tôi bằng đôi mắt thân thương rồi trả lời:

- Thôi, chú cứ việc ngủ đi, ngày mai là vào chiến dịch rồi đấy. Vâng lời Bác, tôi nằm xuống, nhưng trong lòng nôn nao, hình ảnh của Bác cứ chập chờn trước mặt. Tôi vẫn lo nếu Bác không ngủ thì làm sao có sức đi với bộ đội vào chiến dịch.

Tôi nghĩ mãi, và thiếp đi một lát.

Lần thứ ba tôi thức dậy, vẫn thấy Bác đang ngồi bên đống lửa như có gì đang suy nghĩ. Chòm râu của Người bạc trắng im phăng phắc.

Lần này tôi nói lớn hơn một chút:

- Thưa Bác, trời sắp sáng rồi, mời Bác đi ngủ.

- Chú cứ việc ngủ ngon, ngày mai còn hành quân, Bác thức thì mặc Bác. Bác ngủ không yên lòng...

Lần này tôi hiểu lí do tại sao Bác không ngủ. Thì ra Bác thương đoàn dân công đêm nay ngủ ngoài rừng chẳng có chiếu chăn gì, trời lại mưa lâm thâm, chắc là ướt và rét lắm.

Lòng thương Bác trào lên, tôi nhỏm dậy và tỉnh táo hẳn, rón rén ra đống lửa ngồi cạnh Bác... Ôi! Thật là vui sướng được thức cùng Bác và hiểu thêm rằng Bác là Hồ Chí Minh, lãnh tụ của đất nước, cha già của dân tộc.

2. Từ bài Mưa của Trần Đăng Khoa em hãy viết bài văn miêu tả theo quan sát và tưởng tượng của em:

Gợi ý:

Theo yêu cầu của câu 2: "Em miêu tả lại trận mưa theo quan sát và tưởng tượng của em".

Như vậy câu này khác với câu 1: không phải miêu tả lại bài thơ Mưa bằng văn xuôi, mà chỉ dựa vào cách miêu tả để tả trận mưa theo trí tưởng tượng của mình.

Em xem lại bản tổng kết trên rồi viết dựa vào dàn ý sau:

Mở bài: Chọn ý và câu văn vào đề:

Cơn mưa xảy ra ở đâu, bao giờ, em dùng ngôi kể thứ mấy?

Thân bài: Sắp xếp nội dung theo trình tự nào? (Tả từ đầu cơn mưa đến khi trời tạnh. Đầu cơn mưa cần có những chi tiết gì để tả? Giữa và cuối cơn mưa, lấy những hình ảnh nào để tả?)

Kết bài: Chọn ý và câu để kết thúc "Cơn mưa đã có ý nghĩa gì đối với em, gia đình em hay người nông dân nói chung".