I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Thạch Sanh là truyện cổ tích về người dũng sĩ diệt chằn tinh, đánh đại bàng cứu người bị hại, vạch mặt kẻ vong ân bội nghĩa và chống quân xâm lược.

Nội dung chính của truyện là cuộc đấu tranh xã hội giữa thiện và ác, giữa lao động và bóc lột, giữa chính nghĩa và gian tà. Truyện xoay quanh hai nhân vật chính đối lập với nhau là Thạch Sanh và Lý Thông. Thạch Sanh chém chằn tinh, giết đại bàng, cứu công chúa Quỳnh Nga, nhưng tất cả đều bị Lý Thông cướp công một cách xảo quyệt và tàn nhẫn. Chỉ khi công chúa bị câm và tiếng đàn giải oan vang lên trong ngục tối thì mọi việc mới được tỏ tường. Lý Thông bị trừng trị. Thạch Sanh kết hôn với công chúa, lui binh quân 18 nước chư hầu và được nhà vua truyền ngôi, hưởng hạnh phúc trọn ven.

2. Kết cấu nghệ thuật hoàn chỉnh và chặt chẽ với tính cách nhân vật đối lập nhau rõ nét (Thạch Sanh và Lý Thông).

Những chi tiết thần kì có ý nghĩa (tiếng đàn kì diệu, niêu cơm thần...) xen kẽ hài hòa với những chi tiết đời thường.

Thạch Sanh là một truyện cổ tích thần kì tiêu biểu, nằm trong môtíp kiểu truyện dũng sĩ diệt đại bàng cứu người đẹp khá phổ biến trên thế giới. Cuối cùng người chính nghĩa đã chiến thắng và được hưởng hạnh phúc, kẻ gian tà bị trừng trị.

II. TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Sự ra đời của Thạch Sanh có gì bình thường và khác thường?

- Sự ra đời của Thạch Sanh nhìn bề ngoài rất bình thường: Cậu bé này sinh ra trong một gia đình nghèo, cha mẹ mất sớm chỉ để lại cho con một cái búa. Cậu cũng là một đứa trẻ mồ côi như bao nhiêu trẻ mồ côi khác trong xã hội.

Tuy nhiên sự ra đời của Thạch Sanh lại có những chỗ rất khác thường vì cậu là thái tử ở trên trời, được Ngọc Hoàng sai xuống đầu thai là con trai hai vợ chồng già để thưởng cho tấm lòng thương người của họ.

Bà mẹ Thạch Sanh có thai mấy năm rồi mới sinh ra chàng (trong khi mọi người bình thường chỉ mang thai khoáng chín tháng mười ngày). Khi chàng biết dùng búa, Ngọc Hoàng lại sai thiên thần xuống dạy cho võ nghệ và pháp thuật.

- Kể về Thạch Sanh như vậy, nhân dân đã có ý muốn đề cao nhân vật Thạch Sanh. Chàng là một người lao động nghèo, chuyên nghề đốn củi nuôi thân, nhưng lại có nhiều tài năng để có thể chống chọi lại và tiêu diệt những thế lực hung tàn gian ác làm hại nhân dân.

2. Trước khi được kết hôn với công chúa, Thạch Sanh đã phải trải qua nhiều thử thách lớn lao như đánh nhau với chăn tinh trừ hại cho dân, bắn bị thương đại bàng rồi xuống hang của nó vung búa giết chết nó, cứu được công chúa ra khỏi hang. Chàng còn bị hồn của chăn tinh và đại bàng trả thù, bị giam vào ngục thất. Sự dối trá lừa đảo của tên Lý Thông nham hiểm cũng là những thử thách nghiệt ngã mà Thạch Sanh phải vượt qua.

Qua những thử thách ấy, Thạch Sanh đã bộc lộ những phẩm chất tốt đẹp như: chất phác, thật thà, dễ tin người nhưng cũng rất dũng cảm, có võ nghệ cao cường, có sức chiến đấu phi thường nên không sợ bất cứ một loài yêu ma quỷ quái nào và đã luôn chiến thắng chúng. Chàng còn là một con người trung thực không tham lam nên không nhận vàng bạc do vua Thủy Tề biếu mà chỉ xin một cây đàn.

3. Hai nhân vật Thạch Sanh và Lý Thông luôn đối lập nhau về tính cách và hành động:

THẠCH SANH

- Ngay thẳng, thật thà dũng cảm

- Lập nên nhiều công tích lớn

- Có tấm lòng khoan dung

LÝ THÔNG

- Dối trá, lừa đảo, hèn nhát

- Cướp công người khác

- Nham hiểm, độc ác

4. Truyện Thạch Sanh có nhiều chi tiết thần kỳ mà đặc sắc nhất là chi tiết tiếng đàn và niêu cơm đãi quân sĩ mười tám nước.

- Không cần phải dàn quân đánh giặc, Thạch Sanh dùng tiếng đàn để phân trần lẽ phải trái ở đời, đánh vào tâm lý, lên án chiến tranh xâm lược, nói lên nỗi khổ của những cánh quân phải bỏ làng mạc, gia đình vợ con để đi sang đánh nước người. Đó là tiếng nói chính nghĩa khiến quân địch thấy rõ sự sai trái của kẻ đi xâm lược. Đó là tiếng nói gợi nhớ quê hương khiến quân địch thấy rã rời mất hết ý chí chiến đấu.

Vì thế Thạch Sanh chỉ gảy đàn lên là quân địch đã phải tan rã, đầu hàng. Tất nhiên đó là cây đàn thần mà âm thanh của nó có một sức mạnh thần kì giúp cho Thạch Sanh chiến thắng.

-Niêu cơm của Thạch Sanh cũng là một niêu cơm thần: một niêu cơm nhỏ mà quân sĩ của mười tám nước ăn mãi vẫn không vơi.

Tiếng đàn Thạch Sanh thể hiện ước mơ: mùa màng tươi tốt, lương thực dư thừa, đủ cho hàng ngàn vạn người ăn mà kho vựa vẫn không vơi.

5. Thảo luận:

Qua cách kết thúc "Mẹ con Lý Thông phải chết, Thạch Sanh thì được kết hôn cùng công chúa và lên ngôi vua", nhân dân ta muốn thể hiện lẽ công bằng trong xã hội: công lý phải được thực hiện, cụ thể là người tài đức như Thạch Sanh phải có vị trí cao trong xã hội, phải được hưởng hạnh phúc và vinh hoa phú quý còn kẻ gian xảo lọc lừa, dối trá nham hiểm như mẹ con Lý Thông thì phải bị trừng phạt một cách thích đáng.

Kết thúc này khá phổ biến trong truyện cổ tích. Ví dụ:

- Trong truyện Sọ Dừa cô út hiền lành, giàu lòng thương người cũng được hưởng hạnh phúc bên người chồng khôi ngô tuấn tú, tài giỏi còn hai người chị kiêu kỳ, độc ác thì phải chịu hình phạt bỏ đi biệt xứ.

- Trong truyện Tấm Cám thì Tấm là người hiền lành, chăm chỉ, tốt bụng đã được làm hoàng hậu, sống hạnh phúc với nhà vua, còn mẹ con mụ Cám độc ác, tham lam, lắm mưu nhiều kế thì đã bị trừng phạt.

III. LUYỆN TẬP

1. Nếu vẽ một tranh minh họa cho truyện Thạch Sanh em có thể chọn một trong nhiều chi tiết:

- Thạch Sanh ở dưới gốc cây đa (con người Thạch Sanh)

- Cảnh Thạch Sanh đánh nhau với Chăn Tinh (sức mạnh Thạch Sanh)

- Cảnh Thạch Sanh đánh nhau với Đại Bàng (tên thần bắn gãy cánh đại bàng)

- Cảnh Thạch Sanh đang ngồi gẩy đàn thần ( cây đàn Tam Huyền)

- Cảnh Thạch Sanh cưới nàng công chúa vv...

2. Kể diễn cảm truyện Thạch Sanh:

Các em cần nắm được tất cả các chi tiết quan trọng trong truyện và kể lại được bằng cách nói truyền cảm, lôi cuốn người nghe.

Truyện Thạch Sanh có hai chi tiết thần kì đặc biệt:

- Tiếng đàn giúp nhân vật giải oan, giải thoát: tiếng đàn công lí

Tiếng đàn làm cho quân sĩ 18 nước chư hầu phải cởi giáp xin hàng: tiếng đàn đại diện cho cái thiện, yêu chuộng hoà bình đồng thời là vũ khí cảm hoá kẻ thù.

- Niêu cơm thần kì, ăn hết lại đầy: tượng trưng cho tấm lòng nhân đạo, tư tưởng hoà bình, biểu tượng sự tài giỏi của Thạch Sanh.