Câu 1. Nghe – viết: Cánh diều tuổi thơ (từ đầu... đến những vì sao sớm.)

- Các em nghe thầy cô đọc hết câu mới viết.

- Khi viết xong, cần kiểm tra lại những chữ phải viết hoa, những chữ có âm đầu, âm cuối, dấu thanh thường sai chính tả: tuổi thơ, cánh diều, chiều chiều, bãi thả, cánh bướm, phát dại, trầm bổng, sáo đơn, sáo kép, sáo bè,...

Câu 2. Tìm tên các đồ chơi hoặc trò chơi:

a) Chứa tiếng bắt đầu bằng tr hoặc ch.

- chong chóng, chó bông, chọi dế, chọi gà, chơi chuyền, chi chi chành chành, chơi ô ăn quan,...

- trống cơm, trống ếch, trồng nụ trồng hoa, trận giả, trượt cầu, trượt nước,...

b) Chứa tiếng có thanh hỏi hoặc thanh ngã.

- ô tô cứu hoả, tàu hoả, tàu thuỷ, nhảy ngựa, nhảy dây, nhảy lò cò, dung dăng dung dẻ, thả chim, thả diều,...

- ngựa gỗ, bày cỗ,...

Câu 3. Miêu tả một trong các đồ chơi hoặc trò chơi nói trên.

* Tham khảo bài viết sau:

Tu... tu... tu...! Xình xịch! Xình xịch! Xình xịch... Đoàn tàu cất lên tiếng còi lanh lảnh chào tạm biệt sân ga để bắt đầu vào hành trình mới. Đó là chiếc tàu hoả đồ chơi mà ba mua cho em trong dịp lên tham quan thành phố Hồ Chí Minh.

Trông thứ đồ chơi xinh xắn ấy, ai cũng phải mê. Nó như một đoàn tàu thật thu nhỏ lại, chỉ dài độ sáu mươi phân và được làm bằng nhựa. Chiếc đầu máy sơn màu xám bạc có gắn huy hiệu của ngành đường sắt. Hai bên thành vẽ hai lá cờ đỏ sao vàng. Chiếc ống khói nhô cao trên nóc tàu. Trước tay lái, người lái tàu trong bộ đồng phục đang chăm chú nhìn về phía trước.

Mười toa tàu màu xanh nối tiếp nhau. Dưới gầm toa là hai dây bánh đều tăm tắp. Tàu chạy bằng pin. Mỗi khi chơi, em chỉ cần lắp hai cục pin vào một chiếc ngăn nhỏ dưới đầu tàu rồi bật công tắc là tàu chạy trên đường ray đã lắp sẵn. Đường ray bằng nhựa màu đen, có thể kéo ra và gấp vào rất dễ dàng.

Chiều chiều, sau lúc học bài, em thường rủ bạn Quân sang chơi trò lái tàu hoả. Chúng em say mê chơi. Em ao ước sau này lớn lên sẽ trở thành một người lái tàu giỏi, để ngày ngày được lái con tàu băng băng trên đường sắt xuyên suốt chiều dài của đất nước Việt Nam yêu dấu.