I. Đọc kĩ bài:

- Đọc nhiều lần bài Gà Trống và Cáo, nhớ kĩ nhân vật chính, các hình ảnh và chi tiết nổi bật.

- Đọc với giọng kể chuyện linh hoạt, dí dỏm, bộc lộ tâm trạng và tính cách của từng nhân vật: Gà Trống thông minh, ăn nói ngọt ngào mà hù doạ được Cáo. Cáo tinh ranh, xảo quyệt nhưng cũng bị mắc lỡm Gà Trống đến mức hồn lạc phách xiêu, vội vàng bỏ chạy.

- Chú ý các từ ngữ khó phát âm: lõi đời, ngỏ lời, này, nào, lạc, lòng, vắt vẻo, đon đả, rõ, bạn hữu, loan tin, hồn lạc phách bay,...

II. Tóm tắt nội dung:

Bài thơ kể chuyện về một con Cáo xảo trá định dùng thủ đoạn lừa bịp để ăn thịt Gà Trống. Không ngờ, chú Gà Trống thông minh đã làm cho Cáo phải khiếp vía bỏ chạy.

Bài thơ ngụ ngôn khuyên mọi người hãy nâng cao cảnh giác, chớ nhẹ dạ cả tin vào những lời mê hoặc ngọt ngào của những kẻ xấu xa như Cáo.

III. Gợi ý trả lời câu hỏi:

1. Cáo đã làm gì để dụ Gà Trống xuống đất?

Cáo đon đả mời Gà xuống đất để báo cho Gà biết tin tức mới: Từ nay, muôn loài kết thành bè bạn. Gà hãy xuống đất để Cáo hôn, bày tỏ tình thân ái.

2. Vì sao gà không nghe lời Cáo?

Vì Gà Trống biết sau những lời ngon ngọt ấy là ý định xấu xa của Cáo: muốn ăn thịt Gà.

3. Gà tung tin có cặp chó săn đang chạy đến để làm gì?

Cáo vốn rất sợ chó săn. Gà tung tin là có cặp chó săn đang chạy đến loan tin vui, làm cho Cáo khiếp sợ phải vội vàng bỏ chạy, lộ rõ mưu gian.

4. Theo em, Gà Trống thông minh ở điểm nào?

Gà Trống không vội bóc trần mưu gian của Cáo mà giả bộ tin lời Cáo và tỏ thái độ vui mừng. Sau đó, Gà Trống vờ báo cho Cáo biết là có hai chú chó săn cũng đang chạy lại để loan tin vui, khiến Cáo khiếp sợ quắp đuôi, co cẳng chạy biến.

5. Tác giả viết bài thơ này nhằm mục đích gì?

a) Kể chuyện Cáo gian ngoan mắc mưu Gà Trống.

b) Kể chuyện Gà Trống đã làm Cáo sợ mất vía.

c) Khuyên người ta đừng vội tin những lời ngọt ngào.

Ý c là mục đích của bài thơ.

6. Ý nghĩa câu chuyện là gì?

Con người cần sống trung thực và phải biết xử trí thông minh trước những hành động xấu xa của bọn chuyên lừa đảo, mưu hại người. Gà Trống đáng khen vì đã không ngu ngốc mắc mưu Cáo nhảy xuống đất để bị ăn thịt. Ngược lại, Gà Trống làm cho Cáo bị mắc lừa, phải khiếp sợ bỏ chạy.

IV. Thực hành - Luyện tập:

1/ Học thuộc lòng bài thơ.

Các em học thuộc lần lượt từng bốn câu thơ.

2/ Kể lại nội dung bài thơ theo lời của em.

* Tham khảo cách kể dưới đây:

Ngày xửa ngày xưa, trong khu rừng nọ, có một con cáo già tinh ranh, độc ác. Nó thường nghĩ ra đủ mưu mẹo để lừa những con vật nhẹ dạ, cả tin, biến thành mồi ngon cho nó.

Sáng hôm ấy, trên đường đi kiếm ăn, Cáo nhác trông thấy chú Gà Trống có cái mào đỏ chót rung rinh, bộ lông bóng mượt, đôi chân vàng rực bám chắc vào cành cây. Chú Gà Trống đang mê mải gáy vang, chào đón Mặt Trời, báo hiệu cho tất cả muông thú trong rừng biết một ngày mới đã bắt dầu.

Cáo ta thèm chảy dãi. Nó nghĩ bụng: “Chà! Thịt chú Gà Trống kia chắc là ngon tuyệt! Mình phải dụ cho Gà Trống xuống đất thì mới vồ được!”. Cáo ngoác mồm cười rồi đon đả ngỏ lời:

- Kìa! Xin chào anh bạn quý mến của tôi! Mời anh xuống đây nghe tôi báo tin vui này: Từ giờ trở đi, muôn loài sống trong rừng sẽ kết thành bè bạn. Tôi sung sướng lắm nên muốn bảo cho bạn hữu xa gần đều biết. Nào! Gà Trống! Xin đừng e ngại, hãy xuống nhanh để tôi hôn bạn, bày tỏ tình thân ái!

Nãy giờ, Gà Trống vẫn yên lặng nghe Cáo dụ dỗ nhưng trong lòng thì chẳng lạ gì trò lừa bịp của Cáo. Muốn doạ cho Cáo sợ, Gà Trống nhanh trí bảo:

- Cảm ơn anh Cáo đã có lòng tốt! Từ nay trở đi, Gà và Cáo chung sống hoà bình với nhau thì quả là chẳng có tin mừng nào hơn! Ô kìa! Tôi thấy có hai anh chó săn đang chạy lại phía này. Chắc là họ cũng vội vàng đi loan tin vui như anh vậy!

Nghe thấy thế, Cáo hồn bay phách lạc, quắp đuôi, co cẳng chạy biến. Gà Trống khoái chí cười khì:

- Rõ là phường gian dối, hèn nhát! Ngữ ấy thì làm gì được ai!