1. Dựa vào tranh và lời kể dưới tranh, kể lại cốt truyện Ba lưỡi rìu:

a) Truyện có mấy nhân vật?

- Hai nhân vật: chàng tiều phu và một ông già chính là Tiên ông.

b) Nội dung truyện nói về điều gì?

- Chàng trai được Tiên ông thử thách tính thật thà, trung thực qua những lưỡi rìu.

2. Phát triển ý nêu dưới mỗi tranh thành một đoạn văn kể chuyện.

* Chú ý:

a) Hình dung đầy đủ diễn biến trong mỗi đoạn:

- Các nhân vật làm gì?

- Các nhân vật nói gì?

b) Miêu tả:

- Ngoại hình của các nhân vật.

- Lưỡi rìu vàng, rìu bạc, rìu sắt.

* Tham khảo cách làm dưới đây:

+ Tranh 1:

- Mở đoạn: Nhân vật trong tranh là ai? Hình dáng nhân vật như thế nào?

Một anh tiều phu nghèo, ở trần, đóng khố, đầu quấn khăn mỏ rìu.

- Thân đoạn: Anh tiều phu đang làm gì? Lưỡi rìu của anh bằng gì?

Anh tiều phu đang đốn củi thì lưỡi rìu bằng sắt gãy cán văng xuống sông.

- Kết đoạn: Bị mất rìu, thái độ của anh ra sao? Anh nói gì?

Anh tiều phu than vãn: Cả nhà ta chỉ trông vào lưỡi rìu này. Nay rìu mất thì lấy gì mà chặt củi kiếm sống đây!

• Phát triển thành một đoạn truyện:

Có một chàng tiều phu nghèo khổ, sống bằng nghề kiếm củi đổi gạo nuôi thân. Một hôm, chàng vào rừng lựa được một cây thông khá lớn. Chàng hăm hở chặt nhưng chẳng may chiếc rìu sắt tuột khỏi tay văng xuống sông. Không biết làm thế nào, chàng tiều phu buồn rầu ngồi ôm mặt khóc.

+ Tranh 2:

- Mở đoạn: Ai đã đến để giúp anh tiều phu? Hình dáng người đó như thế nào?

- Thân đoạn: Cụ già đã nói gì để an ủi anh tiều phu? Sau đó cụ làm gì?

- Kết đoạn: Thái độ của anh tiều phu lúc đó thế nào?

• Phát triển thành một đoạn truyện: Bỗng nhiên, có tiếng nói hiền từ, ấm áp vang lên bên tai chàng tiều phu:

- Chuyện gì làm cho cháu khóc? Hãy nói ta nghe, xem ta có giúp được gì chăng?

Chàng tiều phu ngẩng lên nhìn, thấy một cụ già râu tóc bạc phơ, vẻ mặt phúc hậu đang đứng trước mặt. Chàng kể lại đầu đuôi chuyện mất rìu. Cụ già vui vẻ hứa sẽ tìm giúp.

+ Tranh 3:

- Mở đoạn: Ông cụ đã làm được việc gì?

- Thân đoạn: Chiếc rìu cụ vớt được trông như thế nào? Cụ già nói gì với anh tiều phu? Anh trả lời ra sao?

- Kết đoạn: Cụ già tiếp tục làm việc gì?

• Phát triển thành một đoạn truyện: Lần thứ nhất, cụ già vớt lên một lưỡi rìu bằng vàng đẹp tuyệt vời, toả ánh hào quang lấp lánh. Cụ ôn tồn hỏi:

- Có phải lưỡi rìu này của cháu không?

Sau phút ngạc nhiên, chàng tiều phu buồn bã lắc đầu:

- Thưa cụ, lưỡi rìu này không phải là của cháu!

+ Tranh 4:

- Mở đoạn: Cụ già đã làm được việc gì?

- Thân đoạn: Chiếc rìu cụ vớt trông như thế nào? Cụ già nói gì với anh tiều phu? Anh trả lời ra sao?

- Kết đoạn: Cụ già lại tiếp tục làm việc gì?

• Phát triển thành một đoạn truyện: Lần thứ hai, cụ già vớt lên một chiếc rìu bạc. Chàng trai vẫn buồn bã lắc đầu không nhận.

+ Tranh 5:

- Mở đoạn: Cụ già đã làm được việc gì?

- Thân đoạn: Chiếc rìu cụ vớt trông như thế nào? Cụ già nói gì với anh tiều phu? Anh trả lời ra sao?

- Kết đoạn: Chàng trai làm gì với chiếc rìu cụ già trao cho?

• Phát triển thành một đoạn truyện: Lần thứ ba, cụ già vớt lên một lưỡi rìu bằng sắt đã cũ. Chàng tiều phu sung sướng thốt lên:

- Đây mới đúng là lưỡi rìu của cháu! Cám ơn cụ ạ!

+ Tranh 6:

- Mở đoạn: Cụ già đã nói gì để khen chàng trai thật thà?.

- Thân đoạn: Cụ già ban thưởng cho chàng trai những gì? Vì sao cụ làm như vậy?

- Kết đoạn: Chàng trai nói gì với cụ?

• Phát triển thành một đoạn truyện: Cụ già khen chàng trai thật thà, không tham lam và vui vẻ tặng chàng cả ba lưỡi rìu. Chàng tiều phu vòng tay lạy tạ. Chàng không biết rằng cụ già đó chính là Tiên ông đã hiện ra để thử lòng chàng và chàng đã được nhận một phần thưởng xứng đáng cho đức tính trung thực đáng quý của mình.

* Đặt tên cho câu chuyện:

Ba lưỡi rìu. / Những lưỡi rìu. / Chàng trai và những lưỡi rìu. / Chàng tiều phu thật thà và những lưỡi rìu...

* Muốn phát triển câu chuyện trong bài học, ta phải làm thế nào?

- Quan sát tranh, đọc gợi ý trong tranh để nắm cốt truyện.

- Phát triển ý dưới mỗi tranh thành một đoạn truyện bằng cách cụ thể hoá ngoại hình, hành động, lời nói của nhân vật...; làm cho mỗi đoạn có đầy đủ các phần Mở đoạn, Thân đoạn, Kết đoạn.

- Liên kết các đoạn, ta sẽ được một câu chuyện hoàn chỉnh. Các em tập kể diễn cảm toàn bộ câu chuyện đó.