I. Nhận xét:

Câu sau đây có 14 từ, mỗi từ được phân cách bằng một dấu gạch chéo:

Nhờ / bạn / giúp đỡ / , lại / có / chí / học hành /, nhiều / năm / liền /, Hanh / là / học sinh / tiên tiến.

1. Hãy chia các từ trên thành hai loại:

- Từ chỉ gồm một tiếng (từ đơn).

nhờ, bạn, lại, có, chí, nhiều, năm, liền, Hanh, là

- Từ gồm nhiều tiếng (từ phức).

giúp đỡ, học hành, học sinh, tiên tiến

2. Theo em:

+ Tiếng dùng để làm gì?

Tiếng dùng để cấu tạo từ:

- Có thể dùng một tiếng để tạo nên 1 từ. Đó là từ đơn.

- Cũng có thể phải dùng từ 2 tiếng trở lên để tạo nên 1 từ. Đó là từ phức.

+ Từ dùng để làm gì?

Từ được dùng để cấu tạo câu. Từ nào cũng có nghĩa.

II. Luyện tập:

Câu 1. Chép vào vở đoạn thơ và dùng dấu gạch chéo để phân cách các từ trong hai câu thơ cuối đoạn. Ghi lại các từ đơn và từ phức trong đoạn thơ:

Chỉ / còn / truyện cổ / thiết tha/

Cho / tôi / nhận mặt / ông cha / của / mình

Rất công bằng, rất thông minh

Vừa độ lượng lại đa tình, đa mang.

+ Phân cách dựa trên chỗ ngắt hơi giữa các từ. Phân cách như sau là đúng:

Rất / công bằng / rất / thông minh /

Vừa / độ lượng / lại / đa tình / đa mang /

+ Danh sách từ đơn, từ phức trong đoạn thơ được trích:

- Từ đơn: chỉ, còn, cho, tôi, của, mình, rất, rất vừa, lại.

- Từ phức: truyện cổ, thiết tha, nhận mặt, ông cha, công bằng, thông minh, độ lượng, đa tình, đa mang.

Câu 2. Hãy tìm trong từ điển và ghi lại:

- 3 từ đơn. (Ví dụ: hoa, nhìn, đẹp)

- 3 từ phức. (Ví dụ: học hành, nhà cửa, xinh xắn)

* Các em thử tìm thêm từ đơn, từ phức trong các bài tập đọc.

Câu 3. Đặt câu với một từ đơn hoặc một từ phức vừa tìm được ở bài tập 2.

M: (Đặt câu với từ đoàn kết)

Đoàn kết là truyền thống quý báu của nhân dân ta.

- Khu vườn của nhà em trồng rất nhiều loại hoa.

- Em bé chăm chú nhìn chùm bóng bay.

- Bức tranh này rất đẹp.

- Cô giáo khuyên chúng em chăm chỉ học hành.

- Hai bên đường, nhà cửa mọc san sát.

- Bầy gà con trông thật xinh xắn.