Câu 1. Cho 3 đề bài như sau:
- Đề 1: Lớp em vừa có một bạn theo gia đình chuyển đi xa. Em hãy viết thư thăm bạn và kể tình hình học tập của lớp cho bạn em biết.
- Đề 2: Em hãy kể một câu chuyện về một tấm gương rèn luyện thân thể.
- Đề 3: Em hãy tả chiếc áo hoặc chiếc váy em mặc đến trường hôm nay.
Đề bài nào trong 3 đề trên thuộc loại văn kể chuyện? Vì sao?
- Đề 2 thuộc loại văn kể chuyện: Em hãy kể một câu chuyện về một tấm gương rèn luyện thân thể.
- Đề 1 thuộc loại văn viết thư: “Lớp em vừa có một bạn... Em hãy viết thư thăm bạn...”.
- Đề 3 thuộc loại văn miêu tả : “Em hãy tả chiếc áo hoặc chiếc váy...”.
* Đề 2 là văn kể chuyện vì khi làm đề này, ta phải kể một câu chuyện có nhân vật, cốt truyện, diễn biến, ý nghĩa... Nhân vật này là tấm gương về rèn luyện thân thế. Nghị lực và quyết tâm của nhân vật đáng được ca ngợi, noi theo.
Câu 2. Kể một câu chuyện về một trong các đề tài sau:
- Đoàn kết, thương yêu bạn bè.
- Giúp đỡ người tàn tật.
- Thật thà, trung thực trong đời sống.
- Chiến thắng bệnh tật.
* Tham khảo các đề văn sau đây:
ĐỀ 1: Kể lại một việc làm tốt mà em đã chứng kiến.
* Tham khảo bài viết dưới đây:
Sáng chủ nhật tuần trước, tại địa phương em, các chú các bác trong tổ dân phố đã góp sức lợp lại mái nhà cho chú Thành, một thương binh nặng bị cụt cả hai chân trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn 1975.
Trước đó nửa tháng, bác Năm tổ trưởng và chú Ân, công an khu vực đã đến từng nhà, vận động bà con quyên góp tiền để mua vật liệu. Ai cũng vui lòng giúp đỡ nên sẵn sàng ủng hộ, dù ít, dù nhiều. Mấy ngày sau, các vật liệu cần thiết đã được chuẩn bị đầy đủ.
Sáng sớm, các anh thanh niên trong đội dân phòng đã bắt tay vào việc dưới sự điều khiển của bác Năm và chú Ân. Toàn bộ mái tôn cũ nát được dỡ ra, xếp gọn vào một góc sân. Sau đó, từng tấm tôn mới được chuyển lên mái, sắp kín vào nhau theo hàng ngang, từ thấp lên cao. Người giữ tôn, người đóng đinh ghép chặt tôn vào xà gỗ. Tiếng cười nói vang rộn xen lẫn tiếng búa gõ chan chát. Mọi người làm việc vui vẻ quên cả mệt nhọc.
Hăng hái nhất là đám thanh niên. Các anh làm việc liên tục không nghỉ. Đến trưa thì mái trước đã lợp xong. Bác Năm bảo mọi người dừng tay, về nhà ăn cơm, chiều đến làm tiếp.
Trời vừa tắt nắng thì công việc cũng xong xuôi. Những tấm tôn trắng ngời làm cho căn nhà sáng sủa, khang trang hẳn lên. Ngồi trên chiếc xe lăn, nhìn mọi người làm việc, chú Thành xúc động lắm.
Lúc mọi việc đã đâu vào đấy, bác Năm đại diện bà con trong tổ dân phố nói mấy lời với chú Thành. Chú và gia đình cảm ơn mọi người đã nhiệt tình giúp đỡ. Từ nay, nhà chú đã thoát khỏi cảnh chịu dột trong mùa mưa.
Được chứng kiến cảnh ấy, em càng thấm thía hơn câu nói: Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Em cũng là một hàng xóm nhỏ của chú Thành. Em sẽ giúp đỡ chú những việc hợp với sức khoẻ của mình. Việc làm đầy tình nghĩa của bà con khu phố đã tạo cho chú Thành niềm tin vào con người và cuộc sống.
ĐỀ 2: Em hãy kể một câu chuyện về gương vượt khó để vươn lên trong học tập mà em biết.
* Tham khảo bài viết dưới đây:
Ở con hẻm nhỏ 24/106 thuộc khu phố 5, phường 3, quận Bình Thạnh, nơi gia đình em cư ngụ, ai cũng biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình bạn Đức.
Đức học cùng lớp với em. Bạn ấy theo bố mẹ từ Quảng Ngãi vào thành phố kiếm sống đã được 3 năm. Ngày ngày, bố Đức đi làm thợ xây, mẹ buôn gánh bán bưng, kiếm tiền nuôi bốn đứa con. Đức là con trai lớn nên sớm biết mình phải có trách nhiệm đỡ đần cha mẹ.
Sáu người sống trong gian phòng thuê chỉ rộng độ hơn chục mét vuông. Đồ đạc trong nhà chẳng có gì đáng giá, nhưng nhìn vào, người ngoài sẽ thấy sự ngăn nắp, sạch sẽ của chủ nhân. Việc dọn dẹp nhà cửa, Đức lo hết để ba mẹ yên tâm. Buổi sáng, Đức dậy sớm phụ mẹ nấu bữa sáng cho cả nhà. Sau đó, mẹ gánh rau ra chợ, bố đi làm và Đức đi học. Mấy lần em hỏi Đức là sao bận rộn như thế mà vẫn học giỏi thì bạn ấy chỉ cười hiền lành: “Mình thương ba mẹ lắm!”
Ba năm liền, Đức đều đạt danh hiệu Học sinh giỏi. Điều ấy khiến cho ba mẹ bạn ấy rất tự hào với bà con lối xóm. Tối nào nhà Đức cũng đông “khách”. Đó là đám trẻ con gần đấy sang nhờ anh Đức chỉ cho cách làm bài tập. Đức ân cần chỉ bảo, chẳng tiếc thời gian. Vì thế mà bạn ấy được nhiều người quý mến.
Chưa bao giờ em nghe Đức than vãn về hoàn cảnh nghèo khó của gia đình. Đến lớp, Đức vẫn hoà đồng với các bạn, không hề mặc cảm. Điều mà em thấy rõ nhất ở Đức là sự chăm chỉ, siêng năng cả trong học tập và trong sinh hoạt. Đức thích mang lại niềm vui cho mọi người qua những lời nói, việc làm bình thường hằng ngày.
Một hôm, trên đường đi học về, thấy một cụ già muốn qua đường, Đức bảo em: “Chúng mình giúp bà cụ đi!”. Sang đến bên kia, bà cụ cảm ơn, Đức lễ phép đáp: “Thưa bà, không có chi! Chúng cháu chào bà ạ!”. Sau đó, Đức khẽ nói: “Nhìn bà cụ, mình nhớ bà ngoại ở ngoài quê quá!”. Em hiểu tình cảm của bạn ấy dành cho người thân thật là sâu nặng.
Tuy cùng tuổi, cùng học với nhau mà sao em thấy Đức “lớn” hơn mình nhiều lắm! Mẹ em thường nhắc: “Con chẳng phải học ai cho xa, cứ noi theo bạn Đức ấy. Chăm ngoan, học giỏi như Đức là mẹ vui rồi!”. Được như Đức, chắc em phải cố gắng nhiều!