Câu 1. Đọc lại bài Kéo co và cho biết bài ấy giới thiệu trò chơi của những địa phương nào. Thuật lại các trò chơi đã được giới thiệu.
Người Việt Nam ai cũng biết trò chơi kéo co. Đây là trò chơi mà bên thắng, bên thua đều vui. Vui vì sự ganh đua, vui vì những tiếng hò reo khuyến khích náo nhiệt của người xem hội.
Tục kéo co ở mỗi vùng một khác. Hội làng Hữu Trấp thuộc huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh thường tổ chức thi kéo co giữa nam và nữ. Có năm bên nam thắng, có năm bên nữ thắng. Làng Tích Sơn thuộc thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc lại có tục thi kéo co giữa trai tráng hai giáp trong làng. Số người của mỗi bên không hạn chế, không nhất thiết phải bằng nhau. Nhiều khi, có giáp thua keo đầu, tới keo thứ hai, đàn ông trong giáp kéo đến đông hơn, thế là chuyển bại thành thắng. Sau cuộc thi, dân làng nổi trống mừng bên thắng. Các cô gái làng cũng không ngớt lời ngợi khen những chàng trai thắng cuộc.
Câu 2. Hãy giới thiệu một trò chơi hoặc một lễ hội ở quê em. (Chú ý: Trong phần mở bài, cần giới thiệu quê em ở đâu, có trò chơi hoặc lễ hội gì thú vị.)
Em phải giới thiệu một trò chơi, một lễ hội ở quê em hoặc một trò chơi, một lễ hội ở nơi em đang sinh sống... Các em hãy quan sát những trò chơi, lễ hội được vẽ trong tranh.
1: Thả chim bồ câu.
2: Đánh đu (đu bay).
3: Hội cồng chiêng.
4: Hội hát quan họ.
5: Hội ném còn,
6: Hội bơi chải.
* Tham khảo các bài viết sau:
+ Bài 1: Trò chơi thi thả chim.
Ở vùng Thuận Thành quê em, mùa xuân thường có rất nhiều lễ hội. Trong lễ hội có nhiều trò chơi. Em thích nhất là trò thi thả chim.
Trò chơi được tổ chức ở bãi cỏ rộng đầu làng. Các gia đình dự thi mang theo lồng chim bồ câu đã được huấn luyện kĩ càng. Lần lượt, từng đàn được thả ra. Đàn nào bay cao, bay xa và lượn đẹp nhất sẽ được Ban giám khảo trao giải. Hàng trăm cặp mắt háo hức ngước nhìn theo những cánh chim vun vút chao liệng giữa bầu trời mùa xuân trong sáng.
+ Bài 2: Trò chơi đánh đu.
Làng Phương Chiểu huyện Phúc Thọ quê em nằm ven sông Hồng. Hàng năm, sau Tết Nguyên Đán, làng thường mở hội xuân với những trò chơi dân gian như kéo co, đấu vật, thổi cơm thi, cờ người, đánh đu,...
Trước sân đình, mấy cột đu bằng tre đã được trồng rất chắc chắn. Mỗi cột có một chiếc đu. Mặt đu là một tấm ván dày, đủ chỗ cho hai người đứng. Các anh chị thanh niên từng cặp lên đánh đu. Nhún càng mạnh, đu càng bay bổng giữa tiếng hò reo, cổ vũ của dân làng.
+ Bài 3: Lễ hội cồng chiêng.
Là lễ hội tưng bừng nhất của bà con dân tộc Mường ở Mai Châu, Hoà Bình và ở nhiều địa phương vùng cao Tây Bắc. Mỗi bản có một đội văn nghệ chuyên biểu diễn cồng chiêng và những bài dân ca được lưu truyền đã bao đời. Các chị đánh cồng trông thật xinh xắn, trẻ trung trong bộ quần áo đẹp nhất của dân tộc mình. Tiếng cồng, tiếng chiêng nhịp nhàng vang lên, hoà cùng tiếng suối róc rách, tiếng chim hót líu lo tạo thành một bản nhạc làm say đắm lòng người.
+ Bài 4: Hát quan họ.
Nói đến Bắc Ninh là nói đến xứ sở của những phong tục tập quán tốt đẹp có từ lâu đời, mà nổi tiếng nhất là hội Lim thi hát quan họ thường mở trong dịp đầu năm mới.
Giữa khung cảnh tươi đẹp của mùa xuân, hội thi hát quan họ được tổ chức trong sân đình, sân chùa, trên đồi, hay dưới bến sông. Các liền anh đầu đội khăn xếp, mặc áo the, quần trắng. Các liền chị đội nón quai thao, chít khăn mỏ quạ, mặc áo tứ thân mớ ba mớ bảy, yếm đào, thắt lưng hoa lí trông thật xinh tươi. Bên nam, bên nữ hoặc từng cặp hát đối đáp với nhau những làn điệu dân ca ngọt ngào, say đắm như Trao duyên, Trúc xinh, Ngồi tựa mạn thuyền, Lên chùa,... để bày tỏ tình cảm. Kết thúc buổi hát, trước lúc chia tay, bài Người ơi người ở đừng về cất lên tha thiết như muốn níu bước chân du khách.
+ Bài 5: Trò chơi ném còn.
Ở vùng cao Tây Bắc, ném còn là một trò chơi phổ biến của các dân tộc Thái, Tày, Mường,... Mùa xuân, hoa ban nở trắng rừng. Các bản làng tưng bừng trong không khí lễ hội mừng năm mới.
Thanh niên nam nữ chia làm hai bên. Giữa khoảng đất rộng, trồng một cây cột tre khá cao. Đỉnh cột là vòng tròn trang trí rất đẹp mắt. Quả còn bằng vải, tròn như trái bóng nhỏ, đuôi dài chừng bốn năm tấc bằng vải ngũ sắc. Người chơi lấy đà ném quả còn sao cho bay lọt qua khung tròn trên đỉnh cột là được. Trò chơi ném còn đòi hỏi sự tinh mắt, khéo tay, rất hợp với tuổi trẻ và mùa xuân tươi đẹp, đầy sức sống.
+ Bài 6: Hội bơi chải.
Trong lễ mừng năm mới của người Khơ-me Nam Bộ, trò đua ghe ngoi được dân chúng yêu thích nhất.
Từ sáng sớm, hai bên bờ sông đã đông nghịt khán giả. Các đội đua sẵn sàng vào cuộc. Trên mỗi chiếc ghe dài từ sáu đến bảy mét là hai hàng vận động viên ngồi song song, mỗi người cầm một mái chèo. Đứng ở mũi thuyền là người chỉ huy với lá cờ nhỏ trong tay. Hiệu lệnh xuất phát vừa dứt, hàng chục con thuyền đua nhau rẽ sóng, vun vút lao lên phía trước. Mặt sông dậy sóng trắng xoá. Tiếng reo hò động viên, cổ vũ vang lên không ngớt. Khí thế bừng bừng sôi nổi của cuộc đua đem lại niềm vui to lớn cho mọi người tham gia lễ hội.