I. Đọc kĩ bài:

- Đọc nhiều lần bài Thưa chuyện với mẹ, nhớ kĩ nhân vật chính và các hình ảnh, chi tiết nổi bật.

- Tập đọc diễn cảm lời đối thoại. Giọng của Cương lễ phép, nài nỉ, tha thiết, giọng của mẹ ân cần, cảm động. Chú ý các từ ngữ khó phát âm: lò rèn, nuôi, lẽ, làm, nắm lấy, lửa, lớn, nghĩ, ngỏ, đã, rõ, bảo, hỏi, cắt nghĩa, vất vả, dòng dõi, bán buôn, bễ thổi, đỏ hồng,...

II. Tóm tắt nội dung:

Cương xin mẹ cho phép được học nghề thợ rèn để tự kiếm sống. Mẹ không đồng ý. Cương tìm cách thuyết phục mẹ đồng tình với mình, không coi đó là nghề hèn kém. Câu chuyện giúp chúng ta hiểu ra rằng mơ ước của Cương là chính đáng. Trong xã hội, nghề nghiệp nào cũng đáng quý.

III. Gợi ý trả lời câu hỏi:

1. Cương xin học nghề rèn để làm gì?

Cương thương mẹ vất vả nên xin học nghề rèn để kiếm thêm tiền, giúp đỡ mẹ nuôi các em ăn học.

2. Mẹ Cương nêu lí do phản đối như thế nào?

Mẹ Cương không đồng ý, cho là có ai xui dại Cương. Bà nêu lí do là gia đình vốn dòng dõi quan sang, chẳng may sa sút. Sợ bố sẽ không đồng ý cho con làm thợ rèn vì mất thể diện.

3. Cương thuyết phục mẹ bằng cách nào?

Cương nắm tay mẹ, thiết tha bày tỏ suy nghĩ của mình là nghề nào cũng đáng trọng. Chỉ có những kẻ lười biếng, ăn bám hoặc trộm cướp thì mới đáng khinh.

4. Nhận xét cách trò chuyện của hai mẹ con:

- Cách xưng hô:

Đúng quan hệ mẹ con. Cương xưng hô với mẹ lễ phép, kính trọng. Mẹ xưng hô với Cương nhẹ nhàng, ân cần.

- Cử chỉ trong lúc trò chuyện:

Cương khéo léo tìm cách thuyết phục mẹ bằng lời lẽ nhỏ nhẹ, tha thiết, chân thành. Em nắm tay mẹ, cố cắt nghĩa cho mẹ hiểu. Mẹ cảm động xoa đầu Cương, hiểu ý Cương thực sự muốn giúp đỡ mẹ.

IV. Thực hành - Luyện tập:

1/ Đọc nhiều lần bài Thưa chuyện với mẹ.

2/ Kể lại câu chuyện Thưa chuyện với mẹ bằng lời của nhân vật Cương.

* Tham khảo cách kể dưới đây:

Sau trận ốm nặng kéo dài của thầy tôi, cảnh nhà tôi vốn đã nghèo khó giờ lại càng thêm nghèo khó. Một mình mẹ tôi phải lo toan vất vả, đầu tắt mặt tối kiếm tiền nuôi đàn con đông đúc. Tôi thương mẹ lắm!

Từ ngày nghỉ học, tôi đâm ra nhớ cái lò rèn đầu làng. Một hôm, tôi đánh bạo thưa với mẹ:

- Mẹ ơi! Mẹ nói với thầy cho phép con đi học nghề rèn.

Tôi biết là mẹ đã nghe rõ lời tôi nói nhưng mẹ vẫn hỏi lại:

- Con vừa bảo gì cơ?

Tôi nhắc lại:

- Con nhờ mẹ xin với thầy cho con đi học nghề thợ rèn ạ!

Mẹ ngạc nhiên hỏi:

- Ai xui dại con thế?

Tôi cắt nghĩa cho mẹ hiểu:

- Thưa mẹ, đó là tự ý con muốn vậy chứ chẳng phải ai xui. Con thương mẹ vất vả nuôi các em, lại phải nuôi cả con nữa. Con muốn học lấy một nghề để kiếm sống.

Mẹ tôi lấy tay áo lau nước mắt. Chừng như hiểu ý tôi, mẹ cảm động xoa đầu tôi, ngậm ngùi bảo:

- Con muốn giúp mẹ như thế là tốt, nhưng chẳng biết thầy có chịu nghe không? Nhà ta mấy đời dòng dõi quan sang, nay chẳng may sa sút mới phải chịu thế này. Không lẽ thầy mẹ lại để con phải làm đầy tớ cho ông thợ rèn.

Nghe mẹ nói, tôi thấy nghèn nghẹn ở cổ. Tôi nắm lấy tay mẹ, tha thiết giãi bày:

- Mẹ ơi! Ở đời ai cũng phải có một nghề trong tay. Làm ruộng hay buôn bán; làm thầy hay làm thợ đều đáng trọng như nhau. Chỉ có những kẻ lười biếng, ăn bám và trộm cắp mới đáng coi thường.

Mẹ gật đầu khen:

- Nghĩ được như thế là con lớn rồi đấy! Từ từ mẹ sẽ lựa lời nói với thầy để thầy bằng lòng cho con đi học nghề thợ rèn.

Tôi vui lắm! Bất giác, trước mắt tôi hiện ra hình ảnh ba người thợ rèn nhễ nhại mồ hôi mà vẫn vui vẻ làm việc bên chiếc bễ thổi phì phò, tiếng búa con, búa lớn theo nhau đập chí chát và những tàn lửa đỏ hồng bắn toé lên như đốt pháo bông.