I. Đọc kĩ bài:

- Đọc nhiều lần bài Ông trạng thả diều, nhớ kĩ nhân vật chính và các chi tiết nổi bật.

- Đọc với giọng kể chậm rãi, rành mạch; nhấn giọng ở những từ ngữ ca ngợi trí thông minh, đức tính cần cù, chăm chỉ và tinh thần vượt khó của Nguyễn Hiền.

- Chú ý các từ ngữ khó phát âm: vào, vua, thả diều, làm, lấy, kinh ngạc, lạ thường, nghe giảng, đèn sách, lưng trâu, mảnh gạch vỡ, vỏ trứng,...

II. Tóm tắt nội dung:

Ca ngợi chú bé Nguyễn Hiền nghèo khó nhưng thông minh và có ý chí nên đã đỗ Trạng nguyên lúc mới mười ba tuổi.

III. Gợi ý trả lời câu hỏi:

1. Tìm những chi tiết nói lên tư chất thông minh của Nguyễn Hiền.

Nguyễn Hiền học đến đâu hiểu ngay đến đấy, có trí nhớ lạ thường. Cậu có thể học thuộc hai mươi trang sách trong một ngày mà vẫn đủ thời gian chơi diều.

2. Nguyễn Hiền ham học và chịu khó như thế nào?

Nhà nghèo, Hiền không được tới trường. Ban ngày đi chăn trâu, Hiền đứng ngoài lớp nghe giảng nhờ. Tối đến, đợi bạn học thuộc bài, Hiền mượn vở của bạn để học. Sách của Hiền là lưng trâu, nền cát; bút là ngón tay, mảnh gạch vỡ, đèn là vỏ trứng thả đom đóm vào trong. Mỗi lần có kì thi, Hiền làm bài vào lá chuối khô rồi nhờ thầy chấm hộ.

3. Vì sao chú bé Hiền được gọi là “ông Trạng thả diều”?

Vì Hiền đỗ Trạng nguyên ở tuổi 13, khi vẫn còn là một cậu bé ham thích chơi diều.

4. Tục ngữ hoặc thành ngữ nào dưới đây nói đúng ý nghĩa của câu chuyện trên?

a) Tuổi trẻ tài cao.

b) Có chí thì nên.

c) Công thành danh toại.

Nguyễn Hiền “tuổi trẻ tài cao”, là người “công thành danh toại”, nhưng điều câu chuyện muốn khuyên ta là “có chí thì nên”. Câu tục ngữ “Có chí thì nên” nói đúng ý nghĩa của câu chuyện trên.

5. Truyện đọc này giúp em hiểu ra điều gì?

- Làm việc gì cũng phải chăm chỉ, chịu khó thì mới thành công.

- Nguyễn Hiền rất tài giỏi và có ý chí. Nhà nghèo nên Nguyễn Hiền không được đi học. Thiếu sách vở, giấy bút nhưng nhờ quyết tâm vượt khó, Nguyễn Hiền đã trở thành Trạng nguyên trẻ nhất nước ta.

- Liên hệ bản thân: Em có điều kiện học tập thuận lợi hơn Nguyễn Hiền ngày xưa rất nhiều, nhưng em chưa thật chăm chỉ học hành.

- Trạng nguyên Nguyễn Hiền là một tấm gương sáng cho chúng em noi theo...

IV. Thực hành - Luyện tập:

1/ Đọc lại nhiều lần truyện Ông trạng thả diều.

2/ Kể lại truyện Ông trạng thả diều theo lời của Nguyễn Hiền.

* Tham khảo cách kể dưới đây:

Tôi tên là Nguyễn Hiền, con của một gia đình nông dân nghèo khó. Giống các bạn cùng trang lứa, tôi rất thích thả diều. Lúc còn bé tí, tôi đã biết làm lấy diều để chơi.

Năm tôi lên sáu tuổi, cha cho tôi theo học một thầy đồ trong làng. Thầy đồ kinh ngạc khi thấy tôi học đến đâu hiểu đến đó và có trí nhớ lạ thường. Có hôm, tôi thuộc làu hai mươi trang sách mà vẫn còn thì giờ chơi diều.

Sau vì nhà túng thiếu quá, tôi đành phải bỏ học. Ban ngày đi chăn trâu, dù mưa gió thế nào, tôi cũng đứng ngoài lớp nghe giảng nhờ. Tối đến, đợi bạn học thuộc bài tôi mới mượn vở về nhà học. Không có tiền mua đèn sách như các bạn nên sách của tôi là lưng trâu, nền cát, bút là ngón tay hay mảnh gạch vỡ và đèn là vỏ trứng thả đom đóm vào trong. Bận làm, bận học như thế mà cánh diều của tôi vẫn bay cao, tiếng sáo vẫn vi vút tầng mây. Mỗi lần có kì thi ở trường, tôi viết bài vào lá chuối khô rồi nhờ bạn xin thầy chấm hộ. Thầy khen bài của tôi chữ tốt văn hay, vượt xa các học trò khác.

Thế rồi vua mở khoa thi. Tôi cũng ghi danh tham dự và đã đỗ Trạng nguyên lúc mới mười ba tuổi. Mọi người gọi tôi là Trạng nguyên trẻ nhất của nước Nam.