I. Đọc kĩ bài:
- Đọc nhiều lần bài Chị em tôi, nhớ kĩ nhân vật chính, các hình ảnh và chi tiết nổi bật.
- Diễn tả đúng ngữ điệu lễ phép trong câu nói của người con và ân cần trong lời đáp của người cha. Đoạn đối thoại giữa hai chị em phải thể hiện rõ tính cách của từng nhân vật: chị nóng nảy, bực bội, em mỉa mai, cười cợt. Lời khuyên của cha vừa nhẹ nhàng, vừa nghiêm khắc.
- Chú ý các từ ngữ khó phát âm: lễ phép, lần, lướt, năn nỉ, nó, nãy, cửa, tặc lưỡi, giận dữ, giả bộ, sững sờ, vô bổ,...
II. Tóm tắt nội dung:
Cô chị có tật xấu là hay nói dối. Một lần, cô nói với ba là đi học nhóm nhưng thực ra là đi xem phim. Cô em biết chuyện nên đã lập mưu để giúp chị mình tỉnh ngộ. Người cha khuyên các con phải bảo ban nhau để học hành cho nên người. Từ đó, người chị đã tự sửa mình.
Câu chuyện là lời khuyên các em không nên nói dối. Nói dối là một tính xấu làm mất lòng tin, sự tín nhiệm và thái độ tôn trọng của mọi người đối với mình.
III. Gợi ý trả lời câu hỏi:
1. Cô chị nói dối ba để đi đâu?
Cô chị nói dối ba là đi học nhóm để lén đi xem phim.
2. Cô có đi học nhóm thật không? Em đoán xem cô đi đâu?
Cô không đi học nhóm mà đi chơi với bạn bè, đi xem phim hoặc la cà ngoài đường...
3. Cô nói dối ba như vậy đã nhiều lần chưa? Vì sao cô lại nói dối được nhiều lần như vậy?
Cô nói dối ba nhiều lần đến nỗi không biết lần nói dối này là lần thứ bao nhiêu. Cô nói dối nhiều lần như vậy vì ba tin cô.
4. Vì sao mỗi lần nói dối, cô chị lại thấy ân hận?
Vì cô thương ba, biết mình đã phụ lòng tin của ba nhưng vẫn tặc lưỡi vì cô đã quen nói dối.
5. Cô em đã làm gì để chị mình thôi nói dối?
- Cô em cố tình bắt chước chị, cũng nói dối ba là đi tập văn nghệ, rồi rủ bạn vào rạp chiếu bóng, lướt qua trước mặt chị, và làm như không thấy chị. Chị thấy em nói dối thì tức giận bỏ về.
- Bị chị mắng, em thủng thẳng đáp là em đi tập văn nghệ khiến chị càng tức, hỏi: “Mày tập văn nghệ ở rạp chiếu bóng à?”. Em giả bộ ngây thơ, hỏi lại: “Chị nói đi học nhóm sao lại ở rạp chiếu bóng?”. Vì phải ở rạp chiếu bóng thì chị mới biết em không đi tập văn nghệ. Chị sững sờ vì bị lộ.
6. Vì sao cách làm của cô em giúp được chị tỉnh ngộ?
Vì cô em nói dối hệt như chị khiến chị nhận ra thói xấu của mình. Chị lo em sao nhãng học hành và hiểu mình đã nêu gương xấu cho em. Ba biết chuyện, khuyên hai chị em nên bảo ban nhau. Vẻ buồn rầu của ba cũng tác động đến cô chị.
7. Cô chị đã thay đổi như thế nào?
Cô không bao giờ nói dối ba để đi chơi nữa. Cô bật cười mỗi khi nhớ lại cái cách em gái đã chọc tức mình, làm cho mình tỉnh ngộ.
8. Câu chuyện muốn nói với các em điều gì?
Không được nói dối. / Nói dối là đi học để đi chơi rất có hại. / Nói dối là tính xấu vì sẽ làm mất lòng tin của cha mẹ, anh em, bạn bè. Anh chị mà nói dối sẽ nêu gương xấu cho các em...
9. Hãy đặt tên cho cô em và cô chị theo đặc điểm tính cách.
Ví dụ: Cô em thông minh. / Cô bé ngoan. / Cô bé biết giúp chị tỉnh ngộ...
Cô chị biết hối lỗi. / Cô chị biết nghe lời...
IV. Thực hành - Luyện tập:
1/ Đọc nhiều lần bài văn.
2/ Kể lại bài Chị em tôi theo lời của cô con gái lớn.
* Tham khảo cách kể dưới đây:
Tôi vốn ham chơi hơn ham học nên thường nói dối ba để được đi chơi. Một hôm, tôi dắt chiếc xe đạp ra cửa rồi lễ phép chào ba:
- Thưa ba, con đi học nhóm ạ!
Ba tôi mỉm cười, ân cần bảo:
- Ừ! Nhớ học xong, về nhà ngay con nhé!
Thế là tôi vù đến rạp chiếu bóng. Mấy cô bạn thân đã chờ sẵn ở đó. Chúng tôi mua vé vào xem phim Chúa tể rừng xanh.
Đang mải mê theo dõi thì chợt có ai đó lướt ngang qua, quệt nhẹ vào vai tôi. Tôi ngước nhìn và nhận ra đó chính là em gái mình. Rõ ràng lúc nãy nó xin phép ba đến trường tập văn nghệ cơ mà? Hừ! Con bé này ghê thật! Tức giận, tôi bỏ về trước sự ngạc nhiên của đám bạn.
Tôi về đến nhà được một lúc thì em tôi cũng về. Không kìm được tức giận, tôi liền mắng nó là dám nói dối ba. Tưởng nó sợ, ai dè nó thủng thẳng đáp:
- Em đi tập văn nghệ.
- Mày tập văn nghệ ở rạp chiếu bóng à? Tôi hét lên.
Nó vẫn giả bộ ngây thơ:
- Ủa? Sao chị biết? Sáng nay, chị đi học nhóm cơ mà?
Tôi sững sờ, đứng chết trân, chờ đợi cơn giận dữ của ba. Nhưng ba tôi chỉ buồn rầu bảo:
- Các con ráng bảo ban nhau mà học hành cho nên người.
Từ đó, tôi tự hứa với mình là không bao giờ nói dối nữa. Tôi bỏ hẳn những trò chơi vô bổ, cố gắng học hành chăm chỉ và kèm cặp thêm cho em. Kết quả học tập của chị em tôi khá lên từ đó.
Thỉnh thoảng nhắc lại chuyện cũ, hai chị em lại phá lên cười. Em tôi quả là thông minh. Nó đã dùng mưu kế để đưa tôi vào bẫy một cách nhẹ nhàng, khiến tôi tỉnh ngộ. Đúng là: Đường đi hay tối, nói dối hay cùng, phải không các bạn.