I. Đọc kĩ bài:

- Đọc nhiều lần bài Truyện cổ nước mình, nhớ kĩ các hình ảnh và chi tiết nổi bật.

- Giọng đọc nhẹ nhàng, tha thiết, ngắt đúng nhịp thơ. Chú ý các từ ngữ khó phát âm: truyện, lại, nắng, trắng, chân trời, độ lượng, truyện cổ, tuyệt vời, ở hiền, người ngay, vàng, chảy, thiết tha,...

II. Tóm tắt nội dung:

Tác giả yêu thích truyện cổ của đất nước mình vì truyện cổ đề cao tình thương người, lòng nhân hậu và để lại những bài học làm người quý báu của ông cha.

III. Gợi ý trả lời câu hỏi:

1. Vì sao tác giả yêu truyện cổ nước nhà?

- Vì nội dung và nghệ thuật của truyện cổ rất phong phú, hấp dẫn, kết thúc có hậu và chứa đựng ý nghĩa rất sâu xa.

- Truyện cổ ca ngợi những phẩm chất quý báu như dũng cảm, thông minh, công bằng, nhân ái, độ lượng của dân tộc Việt.

- Truyện cổ khuyên nhủ mọi người hãy sống theo đạo lí và truyền thống tốt đẹp của ông cha: nhân hậu, hiền lành, chăm chỉ, tự tin,...

2. Bài thơ gợi cho em nhớ đến những truyện cổ nào?

- Câu: Thị thơm thị giấu người thơm nhắc đến truyện cổ Tấm Cám.

Ý nghĩa của truyện Tấm Cám: Ở hiền gặp lành. Tử tế, nết na, chăm chỉ, ngoan ngoãn như Tấm sẽ được Trời Phật phù hộ độ trì, có cuộc sống hạnh phúc. Ngược lại độc ác, gian hiểm, lười biếng như mẹ con nhà Cám thì sẽ bị trừng trị đích đáng.

- Câu: Đẽo cày theo ý người ta nhắc đến truyện ngụ ngôn Đẽo cày giữa đường.

Ý nghĩa của truyện Đẽo cày giữa đường: Khuyên mọi người phải giữ vững chủ kiến, lập trường, không nên thấy ai nói gì cũng cho là phải, kết cục sẽ chẳng làm được việc gì cả.

3. Tìm thêm những truyện cổ khác thể hiện lòng nhân hậu của người Việt Nam ta.

- Truyện Thạch Sanh: Ca ngợi chàng dũng sĩ nhân hậu, sẵn sàng giúp người, cứu người, bất chấp hiểm nguy. Công chúa con vua và thái tử con vua Thuỷ Tề đã được chàng giải thoát khỏi móng vuốt của Đại Bàng.

- Truyện Sọ Dừa: Ca ngợi nàng Út con gái phú ông, biết thông cảm, yêu thương người bất hạnh. Lòng tốt của nàng đã được đền đáp xứng đáng.

4. Em hiểu ý hai dòng thơ cuối bài như thế nào?

Truyện cổ chứa đựng những bài học, những lời khuyên thiết thực, bổ ích cho mọi người: Hãy sống nhân ái, độ lượng, cần cù, siêng năng,... để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

V. Thực hành - Luyện tập:

1/ Học thuộc lòng bài thơ.

2/ Kể lại nội dung bài thơ Truyện cổ nước mình thành một câu chuyện.

* Tham khảo cách kể dưới đây:

Thuở bé, tôi rất thích nghe bà kể chuyện cổ tích, những câu chuyện thường bắt đầu bằng: Ngày xửa ngày xưa... và kết thúc là cảnh đoàn tụ, sung sướng của người tốt, người hiền. Tôi hồi hộp, say mê dõi theo hành trình chống cái ác của cô Tấm xinh đẹp, siêng năng. Bao lần bị mẹ con nhà Cám hãm hại là bấy nhiều lần Tấm hoá thân để vạch mặt chỉ tên chúng. Con chim Vàng Anh, hai cây xoan đào, khung cửi, trái thị thơm đều là Tấm. Bụt thương Tấm nên giúp Tấm gặp lại nhà vua sau bao trắc trở, qua miếng trầu têm cánh phượng xinh xinh. Đúng là ở hiền thì sẽ gặp lành. Người hiền sẽ được Tiên, Phật độ trì, giúp đỡ.

Sau này lớn lên, truyện cổ vẫn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống tinh thần của tôi. Văng vẳng bên tai tôi tiếng thì thầm của ngày xưa vọng lại như an ủi, vỗ về, như sợi dây vô hình mà thiêng liêng nối kết tôi với quá khứ xa xăm. Đạo lí làm người đã được đúc kết từ ngàn xưa qua kho tàng truyện cổ. Tôi nhận ra những phẩm chất quý báu của ông cha qua đó: công bằng, nhân hậu, thông minh, độ lượng,...

Những bài học, những kinh nghiệm thiết thực, những ước mơ tốt đẹp,... trong cuộc đời đều được gửi gắm cả vào truyện cổ. Qua bao năm tháng, ý nghĩa sâu xa của nó thấm dần, thấm dần vào máu thịt, làm nên đời sống tâm hồn phong phú của mỗi chúng ta.