I. Đọc kĩ bài:
- Đọc nhiều lần bài Kéo co, nhớ kĩ nhân vật chính và các chi tiết nổi bật.
- Giọng đọc vui vẻ, hào hứng, thể hiện đúng tính chất vui khoẻ của trò chơi.
- Chú ý các từ ngữ khó phát âm: thượng võ, Hữu Trấp, Quế Võ, khuyến khích, Tích Sơn, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, trai tráng, giáp, hạn chế, nổi trống, ngớt,...
II. Tóm tắt nội dung:
Kéo co là trò chơi dân gian có từ lâu đời ở nhiều địa phương trên đất nước ta. Trò chơi thể hiện tinh thần đoàn kết và sức mạnh của dân tộc Việt Nam.
III. Gợi ý trả lời câu hỏi:
1. Qua phần đầu bài văn, em hiểu cách chơi kéo co như thế nào?
Kéo co phải có hai đội, thường thì số người hai đội bằng nhau. Thành viên mỗi đội ôm chặt lưng nhau. Hai đội cùng nắm một sợi dây thừng dài, rồi kéo mạnh về phía mình. Đội nào kéo được đối phương ngã sang phần đất của đội mình nhiều lần hơn là thắng.
2. Hãy giới thiệu cách chơi kéo co ở làng Hữu Trấp.
Cuộc thi kéo co ở làng Hữu Trấp có nét đặc biệt so với cách thi thông thường. Đó là thi kéo co giữa bên nam và bên nữ. Nam là phái mạnh thì phải khoẻ hơn nữ, thế nhưng có năm bên nam thắng, có năm bên nam phải chịu thua. Nhưng dù bên nào thắng thì cuộc thi cũng rất vui. Vui vì không khí ganh đua sôi nổi, vui vì tiếng trống, tiếng reo hò, cổ vũ náo nhiệt của những người đứng xem vây xung quanh.
3. Cách chơi kéo co ở làng Tích Sơn có gì đặc biệt?
Đó là cuộc thi của trai tráng thuộc hai giáp trong làng. Số lượng người mỗi bên không hạn chế. Có giáp thua keo đầu, keo sau, đàn ông trong giáp kéo đến đông hơn, thế là chuyển bại thành thắng.
4. Vì sao trò chơi kéo co bao giờ cũng vui?
Trò chơi kéo co bao giờ cũng vui vì có rất đông người tham gia, vì không khí ganh đua sôi nổi; vì những tiếng hò reo khích lệ của rất nhiều người xem.
5. Ngoài kéo co, em còn biết những trò chơi dân gian nào khác?
Đấu vật, đấu võ, đá cầu, đu bay, thổi cơm thi, ném còn, chọi trâu, đua thuyền, bơi thi,...
IV. Thực hành - Luyện tập:
Dựa vào bài Kéo co, em hãy kể lại trò chơi kéo co ở trường em lúc ra chơi.
* Tham khảo bài kể dưới đây:
Tùng, tùng, tùng... một hồi trống vang lên, báo hiệu đã đến giờ ra chơi sau tiết hai. Từ các cửa lớp, học sinh ùa ra như ong vỡ tổ. Phút chốc, sân trường đã rộn rã tiếng nói cười ồn ào của mấy trăm học sinh đang tung tăng chạy nhảy.
Sau tiết mục thể dục giữa giờ, mỗi nhóm tìm đến một góc sân để chơi những trò quen thuộc như: nhảy dây, đuổi bắt, kéo co... Dưới gốc cây bàng già, bốn bạn nữ Thu, Ngọc, Lan, Hương đang chụm đầu vào nhau kể chuyện gì mà cùng cười rúc rích. Cách đó không xa, tốp nam lớp 4B thi đá cầu với tốp nam lớp 4C. Trái cầu làm bằng những vòng cao su tròn nhiều màu, ở giữa cắm mấy chiếc lông ngỗng trắng, vun vút bay đi, bay lại. Tiếng bàn tán nổi lên, xen lẫn tiếng nói cười thật là vui nhộn. Ồn ào nhất là đám kéo co giữa hai lớp 5A và 5B. Mỗi bên có tới hàng chục người, người này ôm ngang lưng người khác. Đứng đầu hai bên là Nam và Đức, hai bạn đều to khoẻ ngang nhau. Sau tiếng hô dõng dạc của trọng tài Hoàng, hai bên khom lưng, xoãi chân, bậm môi ra sức kéo. Hồi lâu vẫn chưa phân thắng bại. Bất chợt, Nam đuối sức buông tay làm cho các bạn té ngửa, nằm chồng lên nhau ngổn ngang dưới đất. Những tràng vỗ tay, reo hò vang rộn.
Giờ chơi trôi qua nhanh chóng. Tiếng trống báo giờ vào học đã điểm. Chúng em nhanh nhẹn trở về lớp, gương mặt ai nấy đều rạng rỡ thật đáng yêu. Thời gian ra chơi tuy ngắn nhưng đã đem lại cho chúng em sự thoải mái về mặt thể chất và tinh thần, giúp chúng em học tập được tốt hơn.