I. Nhận xét:

1. Hãy nêu những sự việc tạo thành cốt truyện Những hạt thóc giống. Cho biết mỗi sự việc được kể trong đoạn văn nào?

+ Những sự việc tạo thành cốt truyện:

- Sự việc 1: Nhà vua muốn tìm người trung thực để truyền ngôi, bèn nghĩ ra kế: luộc chín thóc giống rồi phát cho dân chúng và giao hẹn: ai thu hoạch được nhiều thóc thì sẽ truyền ngôi cho.

- Sự việc 2: Chú bé Chôm đốc công chăm sóc mà thóc chẳng nảy mầm. Chú dám tâu với vua sự thật trước thái độ ngạc nhiên của mọi người.

- Sự việc 3: Nhà vua khen ngợi chú bé Chôm trung thực, dũng cảm và quyết định truyền ngôi cho Chôm.

+ Mỗi sự việc được kể trong đoạn văn:

- Sự việc 1 được kể trong đoạn 1 (3 dòng đầu).

- Sự việc 2 được kể trong đoạn 2 (10 dòng tiếp).

- Sự việc 3 được kể trong đoạn 3 (4 dòng còn lại).

2. Dấu hiệu nào giúp em nhận ra chỗ mở đầu và chỗ kết thúc của đoạn văn?

- Chỗ mở đầu đoạn văn là chỗ đầu dòng, viết lùi vào một ô.

- Chỗ kết thúc đoạn văn là chỗ chấm xuống dòng.

3. Từ hai bài tập trên, hãy rút ra nhận xét:

a) Mỗi đoạn văn trong bài văn kể chuyện kể điều gì?

Mỗi đoạn văn trong bài văn kể chuyện kể về một sự việc trong một chuỗi sự việc làm nòng cốt cho diễn biến của câu chuyện.

b) Đoạn văn được nhận ra nhờ dấu hiệu nào?

Hết một đoạn văn, cần chấm xuống dòng.

4. Em hiểu thế nào là đoạn văn:

- Một câu chuyện có thể gồm nhiều sự việc. Mỗi sự việc được kể thành một đoạn văn.

- Khi viết hết một đoạn văn, cần chấm xuống dòng.

II. Luyện tập:

Dưới đây là ba đoạn văn được viết theo cốt truyện Hai mẹ con và bà tiên, trong đó hai đoạn đã hoàn chỉnh, còn một đoạn mới chỉ có phần mở đầu và phần kết thúc. Hãy viết tiếp phần còn thiếu.

a) Ngày xưa, ở làng kia, có hai mẹ con cô bé sống trong một túp lều. Họ phải làm lụng vất vả quanh năm mới đủ ăn.

b) Một hôm, người mẹ không may bị bệnh nặng. Cô bé ngày đêm chăm sóc mẹ, nhưng bệnh mẹ mỗi ngày một nặng thêm. Có người mách:

- Ở vùng bên có ông thầy thuốc giỏi chữa được bệnh này.

Cô bé nhờ bà con hàng xóm trông nom mẹ, ngay hôm ấy lên đường.

c) Vừa đi, cô bé hiếu thảo vừa lo mấy đồng bạc mang theo không đủ trả tiền thuốc cho mẹ. Bỗng cô thấy bên đường có vật gì như chiếc tay nải ai bỏ quên.

Bà lão cười hiền hậu:

- Khen cho con đã hiếu thảo lại thật thà. Ta chính là tiên thử lòng con đấy thôi. Con thật đáng được giúp đỡ. Hãy đưa ta về nhà chữa bệnh cho mẹ con.

Phần thân đoạn chỗ có dấu ... có thể viết tiếp như sau:

Cô bé nhặt tay nải lên. Miệng túi không hiểu sao lại mở. Cô bé thoáng thấy bên trong những thỏi vàng lấp lánh. Cô mừng rỡ reo lên: “Mình có tiền mua thuốc cho mẹ rồi!”. Ngửng lên, bỗng cô chợt thấy phía xa có bóng một bà cụ lưng còng đang đi chầm chậm. Cô bé đoán chắc đây là tay nải của bà cụ. Tội nghiệp, bà cụ mất chiếc tay nải này chắc buồn và tiếc lắm. Mình không nên lấy của cụ. Nghĩ vậy, cô bèn rảo bước đuổi theo bà cụ, vừa đi vừa gọi:

- Cụ ơi! Cụ dừng lại đã! Cụ đánh rơi tay nải này!

Bà cụ có lẽ nặng tai nên mãi mới nghe thấy và dừng lại. Cô bé tới nơi, hổn hển nói: “Có phải cụ đánh rơi cái tay nải ở đằng kia không ạ ?”.