I. Nhận xét:

1. Đọc truyện sau:

BÀI VĂN BỊ ĐIỂM KHÔNG

- Ba đã bao giờ thấy một bài văn bị điểm không chưa, ba? Tôi ngạc nhiên:

- Đề bài khó lắm sao?

- Không. Cô chỉ yêu cầu “Tả bố em đang đọc báo”. Có đứa bạn con bảo ba nó không đọc báo, nhưng rồi nó bịa ra, cũng được 6 điểm.

Tôi thở dài:

- Còn đứa bị điểm không, nó tả thế nào?

- Nó không tả, không viết gì hết. Nó nộp giấy trắng cho cô. Hôm trả bài, cô giận lắm. Cô hỏi: “Sao trò không chịu làm bài?”. Nó cứ làm thinh. Mãi sau nó mới bảo: “Thưa cô, con không có ba”. Nghe nó nói, cô con sững người. Té ra ba nó hi sinh từ khi nó mới sanh. Cô mới nhận lớp nên không biết, ba ạ. Cả lớp con ai cũng thấy buồn. Lúc ra về, có đứa hỏi: “Sao mày không tả ba của đứa khác?”. Nó chỉ cúi đầu, hai giọt nước mắt chảy dài xuống má.

Chuyện về cậu học trò có bài văn bị điểm không đã để lại trong tôi một nỗi đau, nhưng cũng để lại một bài học về lòng trung thực.

Theo Nguyễn Quang Sáng

2. Ghi lại vắn tắt những hành động của cậu bé bị điểm không trong truyện. Theo em, mỗi hành động của cậu bé nói lên điều gì?

* Ghi vắn tắt:

a. Giờ làm bài: nộp giấy trắng - Không tả, không viết.

b. Giờ trả bài: im lặng, mãi mới nói - Cậu lặng thinh, mãi sau mới trả lời cô: “Thưa cô, em không có ba”.

c. Lúc ra về: khóc khi bạn hỏi - Cậu bật khóc khi bạn hỏi sao không tả ba của đứa khác. Cậu không thể làm như thế.

* Ý nghĩa của hành động:

+ Cậu bé nộp giấy trắng cho cô giáo vì ba đã mất, cậu không thể bịa ra câu chuyện ba đọc báo để tả.

+ Cậu bé lặng thinh, mãi sau mới trả lời cô giáo vì quá xúc động. Cậu bé yêu ba, tủi thân vì không có ba, cho nên không dễ dàng trả lời ngay rằng ba đã mất.

+ Cậu bé khóc khi bạn hỏi sao không tả ba của đứa khác bởi tuy không biết mặt ba nhưng cậu bé rất yêu người cha đã hi sinh vì Tổ quốc, cậu không thể mượn ba của bạn làm ba của mình. (Tình cha con là một tình cảm tự nhiên, rất thiêng liêng).

+ Chi tiết này được thêm vào cuối truyện đã gây xúc động cho người đọc bởi tình cảm yêu kính người cha, lòng trung thực, tâm trạng buồn tủi vì không có cha của cậu bé.

3. Các hành động nói trên được kể theo thứ tự như thế nào?

Thứ tự kể các hành động: a - b - c, hành động xảy ra trước thì kể trước, hành động xảy ra sau thì kể sau.

II. Luyện tập:

Chim Sẻ và Chim Chích là đôi bạn thân, nhưng tính tình khác nhau. Chích xởi lởi, hay giúp bạn. Còn Sẻ thì đôi khi bụng dạ hẹp hòi. Dưới đây là một số hành động của hai nhân vật ấy trong câu chuyện Bài học quý. Em hãy điền tên nhân vật (Chích hoặc Sẻ) vào trước hành động thích hợp và sắp xếp các hành động ấy thành một câu chuyện:

1. Một hôm, ... được bà gửi cho một hộp hạt kê.

2. Thế là hằng ngày, ... nằm trong tổ ăn hạt kê một mình.

3. ... đi kiếm mồi, tìm được những hạt kê ngon lành ấy.

4. Khi ăn hết, ... bèn quẳng chiếc hộp đi.

5. ... không muốn chia cho ... cùng ăn.

6. ... bèn gói cẩn thận những hạt kê còn sót lại vào một chiếc lá, rồi đi tìm người bạn thân của mình.

7. Gió đưa những hạt kê còn sót trong hộp bay xa.

8. ... vui vẻ đưa cho ... một nửa.

9. ... ngượng nghịu nhận quà của ... và tự nhủ: “... đã cho mình một bài học quý về tình bạn”.

Các em đọc kĩ phần gợi ý về tính cách của Chim Sẻ và Chim Chích. Sau đó đọc nhiều lần các câu trong bài, rồi sắp xếp lại trình tự cho phù hợp với diễn biến của câu chuyện. Điền từ và sắp xếp như sau là đúng: 1 - 5 - 2 - 4 - 7-3-6-8-9.

(1) Một hôm, Chim Sẻ được bà gửi cho một hộp hạt kê. (5) Chim Sẻ không muốn cho Chim Chích cùng ăn. (2) Thế là hằng ngày, Chim Sẻ nằm trong tổ ăn hạt kê một mình. (4) Khi ăn hết, Chim Sẻ bèn quẳng chiếc hộp đi. (7) Gió đưa những hạt kê còn sót trong hộp bay xa. (3) Chim Chích đi kiếm mồi, tìm được những hạt kê ngon lành ấy. (6) Chim Chích bèn gói cẩn thận những hạt kê còn sót lại vào một chiếc lá, rồi đi tìm người bạn thân của mình. (8) Chim Chích vui vẻ đưa cho Chim Sẻ một nửa. (9) Chim Sẻ ngượng nghịu nhận quà của Chim Chích và tự nhủ: “Chim Chích đã cho mình một bài học quý về tình bạn”.