I. Đọc kĩ bài:
- Đọc nhiều lần bài Tre Việt Nam, nhớ kĩ các hình ảnh và chi tiết nổi bật.
- Chú ý đọc đúng các từ ngữ khó phát âm: tre xanh, nắng nỏ, khuất mình, bão bùng, gầy guộc, nên luỹ, truyền, nòi tre, lưng trần, sương, búp, măng non,...
II. Tóm tắt nội dung:
Qua hình tượng cây tre, tác giả ca ngợi những phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam: giàu tình thương yêu, ngay thẳng, chính trực, bất khuất.
III. Gợi ý trả lời câu hỏi:
1. Những hình ảnh nào của tre gợi lên những phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam:
a) Cần cù
- Dù thân gầy guộc, lá mong manh nhưng ở đâu tre vẫn sống xanh tươi:
Ở đâu tre cũng xanh tươi
Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu?
- Giống người dân Việt Nam, dù cơ cực, khó khăn nhưng tre vẫn:
Rễ siêng không ngại đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù.
b) Đoàn kết
- Trong bão bùng: Tay ôm, tay níu tre gần nhau thêm.
- Vì thương nhau, tre mọc san sát bên nhau, tạo thành từng luỹ:
Thương nhau, tre chẳng ở riêng
Luỹ thành từ đó mà nên hỡi người.
- Tre giàu đức hi sinh, nhường nhịn:
Lưng trần phơi nắng phơi sương
Có manh áo cộc, tre nhường cho con.
- Tre có tính cách như người: biết thương yêu, nhường nhịn, đùm bọc, che chở cho nhau. Nhờ thế, tre tạo nên luỹ nên thành, tạo nên sức mạnh bất diệt.
c) Ngay thẳng
- Dù thân gãy, cành rơi, tre vẫn giữ nguyên cái gốc truyền cho đời sau:
Chẳng may thân gãy cành rơi
Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng.
- Măng tre mới nhú, chưa lên khỏi mặt đất đã nhọn như chông:
Nòi tre đâu chịu mọc cong
Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường.
- Măng tre mới mọc Đã mang dáng thẳng thân tròn của tre.
- Tre được tả trong bài thơ có tính cách như người: cần cù, ngay thẳng, đoàn kết, bất khuất.
2. Em thích những hình ảnh nào về cây tre và búp măng non? Vì sao?
- Có manh áo cộc, tre nhường cho con: Cái mo tre bao quanh búp măng mới mọc, giống như chiếc áo mà tre nhường cho con.
- Nòi tre đâu chịu mọc cong, Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường: Búp măng non khoẻ khoắn mang những phẩm chất tốt đẹp như ngay thẳng, bất khuất của loài tre.
* Lưu ý: Khi nêu những hình ảnh em thích, phải có lời giải thích hợp lí.
IV. Thực hành - Luyện tập:
1/ Học thuộc lòng bài thơ.
2/ Kể lại bài thơ theo lời của em.
* Tham khảo cách kể dưới đây:
Tre xanh, xanh tự bao giờ? Câu thơ chứa đựng tình cảm mến yêu tha thiết dành cho cây tre, luỹ tre gắn bó đã bao đời với người nông dân Việt Nam.
Trên khắp đất nước ta, ở đâu cũng có sự hiện diện của tre. Cây tre vươn cao dưới nắng nỏ, trời xanh, không chịu khuất mình trong bóng râm của bất cứ loại cây nào. Năm tháng qua đi, tre nảy nở, sinh sôi thành bụi, thành luỹ tre dày như bức tường thành vững chắc bao bọc xóm thôn. Bên một gốc tre già là những mầm măng nhọn hoắt, đội đất cằn, xuyên sỏi đá mà mọc lên, nhọn như những mũi chông. Những cây tre thân trần, cứng cáp, dẻo dai, dầu dãi nắng mưa, che chở, đùm bọc bao búp măng non dưới gốc. Đúng là: Có manh áo cộc, tre nhường cho con. Họ nhà tre cứ thế truyền từ đời này sang đời khác cái phẩm chất thẳng thắn, kiên cường, bất khuất. Đây là sự nối tiếp liên tục của các thế hệ. Dân gian cũng đã mượn chuyện cây tre để nói chuyện con người: Tre già măng mọc. Quy luật muôn đời là thế!
Tre xanh, xanh từ thuở Hùng Vương dựng nước. Tre xanh cùng dân tộc Việt Nam song hành suốt lịch sử bốn ngàn năm giữ nước đau thương và oanh liệt. Tre sẽ còn xanh mãi trên Tổ quốc thân yêu của chúng ta.